Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

CHIẾN THẮNG 30/4/1975 - GIÁ TRỊ LỊCH SỬ KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC


XUÂN ANH
Thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và kết thúc bằng chiến thắng 30/4/1975 của quân và dân ta là một sự kiện trọng đại có tầm ảnh hưởng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc trong thế kỷ XX. Đó là thắng lợi của chính nghĩa trước bạo lực, cường quyền; là biểu tượng sáng ngời về ý chí bất khuất, khát vọng hòa bình, tự do của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Đó là lịch sử, mà lịch sử chỉ hiện hữu sự thật, không thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc.

Hơn 40 năm đã qua đi, nhưng ý nghĩa và giá trị to lớn của chiến thắng 30/4/1975 vẫn tồn tại mãi với thời gian, nhất là đối với các dân tộc đã và đang nỗ lực đấu tranh vì sự tiến bộ, văn minh, hạnh phúc. Ca ngợi, đánh giá tích cực đối với sự kiện này, luôn là chiều hướng chủ đạo, là điều được thế giới quan tâm, thừa nhận  trong suốt những năm qua. Nhưng nực cười thay, bên cạnh sự đánh giá khách quan, trung thực đó, vẫn còn những tiếng nói lạc lõng cố tình phủ định sự thật lịch sử với động cơ, mục đích đen tối, định kiến, thù địch. Không những tìm cách cào bằng vai trò của các bên tham chiến, họ còn trắng trợn ngụy biện, đổi trắng thay đen giữa kẻ đi xâm lược đã từng gây vô vàn tội ác cho dân tộc Việt Nam với những người đã không tiếc máu xương hy sinh vì hoà bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Chiến tranh đã lùi xa, sự phân định giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa chiến thắng và thất bại đã rõ ràng. Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của nhiều quốc gia; trong đó, có các quốc gia từng trực tiếp hoặc tham gia chiến tranh xâm lược ngày đó, nay cùng hợp tác, phát triển. Thế nhưng, ở nơi này hay nơi khác, trong một thiểu số nào đó, mỗi khi đến dịp 30/4, họ đều tìm cách khuấy đảo lên sự thù hận với các lý lẽ, luận điệu hoàn toàn phi lý. Gần đây, người ta thường thấy không ít sự ngụy biện, sống sượng xung quanh vấn đề tính chất cuộc chiến tranh. Sự can thiệp trắng trợn, vô nhân đạo của đế quốc Mỹ vào chủ quyền của dân tộc Việt Nam được coi là một hành động để bảo vệ nền dân chủ. Những người theo chân Mỹ chia cắt đất nước, tàn sát đồng bào mình được coi là một “sự lựa chọn chính trị khác”, vì một “lý tưởng khác”. Còn có cả sự đặt điều lấp liếm hành động xâm lược, rằng: miền Bắc xâm lược miền Nam hay cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ 1954 đến 1975 chỉ là nội chiến. Có người vì “thương xót” cho hàng triệu sinh linh đã ngã xuống trong chiến tranh còn cho rằng: làm gì phải phát động chiến tranh, chỉ cần đợi đến lúc nào đó thực dân, đế quốc rồi cũng phải trả lại chủ quyền đất nước, v.v. Thật lố bịch! Sự ngụy biện tùy tiện, đổi trắng thay đen còn diễn ra ở một số người tự xưng là “có tâm với nước, với dân”, tuy nhiên chân lý chỉ có một. Lịch sử và sự kiểm nghiệm lịch sử là thước đo chân lý chuẩn xác nhất, bác bỏ mọi xuyên tạc.
Sự thật đã phơi bầy, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do Mỹ khởi xướng, với sự tiếp tay, phản bội dân tộc của ngụy quyền Sài Gòn đã thất bại thảm hại vào tháng 4/1975 là một tất yếu không tránh khỏi. Nguyên nhân cơ bản, sâu xa nhất dẫn tới thất bại, trước hết, đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, vô cùng tàn bạo. Từ lâu, Mỹ đã coi miền Nam Việt Nam là địa bàn chiến lược, để ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản tại Đông Nam Á. Họ cần có một chính phủ chống Cộng, biết nghe lời và phục vụ đắc lực cho mưu đồ bá chủ thế giới. Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, trong khi Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cố gắng theo đuổi các giải pháp hòa bình, thì ngay từ đầu, Mỹ và chế độ Ngô Đình Diệm, sau đó là chế độ Nguyễn Văn Thiệu, đã rắp tâm tìm mọi cách chia cắt, phá hoại công cuộc hòa bình, thống nhất đất nước. Các yêu cầu đàm phán, tiến tới Tổng tuyển cử, thống nhất hai miền Nam - Bắc, liên tiếp được Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đưa ra và đều bị từ chối vào tháng 6, tháng 7/1957, tháng 3, tháng 12/1959 và tháng 7/1960. Thay vào đó là các chiến dịch lê máy chém khắp miền Nam, đàn áp khốc liệt những người kháng chiến cũ, những đảng viên Cộng sản, những ai mong muốn thống nhất đất nước. Tiếp đó là các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt” (1961 – 1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965 – 1966) và “Việt Nam hóa chiến tranh (1969 – 1973) tàn phá miền Nam, tiêu diệt phong trào đấu tranh của quần chúng, nhằm thực hiện mưu đồ của chúng.
Với chiều dài hơn 4 nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, phải chịu đựng nhiều thử thách, hy sinh bởi chiến tranh, chia rẽ vùng miền và sự thống trị của ngoại bang, nên hơn ai hết, người dân Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Nhân dân và chính phủ Việt Nam đã tranh thủ mọi thời cơ để gìn giữ, bảo vệ những giá trị đó, nhưng Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã chà đạp, phá hoại những nguyện vọng thiêng liêng chính đáng của mình, buộc chúng ta không còn lựa chọn nào khác phải tiếp tục chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến, vượt qua vô vàn gian khổ, hy sinh, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đương đầu và đánh thăng một thế lực đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng hậu hàng đầu thế giới. Có nhiều nhân tố đã góp phần làm nên sự tích thần kỳ ấy; trong đó, việc phát huy cao độ truyền thống yêu nước và giương cao ngọn cờ chính nghĩa, đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng, khát vọng hòa bình, giải phóng dân tộc của nhân dân ta là một trong những nguyên nhân mang tính quyết định. Lý giải nguyên nhân thất bại của Mỹ ở Việt Nam có nhiều, song, lý giải được đề cập nhiều nhất là do tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà họ tiến hành. Giáo sư Trần Trung Ngọc, một Việt kiều sinh sống tại Mỹ trong bài “Nhìn lại hai cuộc chiến ở Việt Nam” đã cho rằng: “Mỹ không có bất cứ lý do chính đáng nào để can thiệp vào Việt Nam, một nước nhỏ, nghèo, chưa phát triển và không có bất cứ khả năng nào có thể gây hại cho nước Mỹ. Do đó, việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam là bất chấp dư luận, bất chấp cả công pháp quốc tế, nghĩa là: “dùng cường quyền thắng công lý” của một cường quốc tự cho mình có quyền can thiệp vào bất cứ đâu mà Mỹ muốn”. Ngay cả Mắc Na-ma-ra, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã cay đắng thừa nhận: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh tinh thần dân tộc của họ (Việt Nam)”; đồng thời, bày tỏ sự thất vọng về “sự dốt nát sâu sắc” của Mỹ về lịch sử, văn hoá và chính trị của nhân dân Việt Nam. Theo Frances Fitzgerald: “Chiến thắng của họ là chiến thắng của dân tộc Việt Nam - người Bắc cũng như người Nam. Khác xa với một cuộc nội chiến, cuộc đấu tranh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, là sự khẳng định nguyên tắc thống nhất dân tộc mà chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố ủng hộ rồi phản bội”.
Cuộc chiến tranh do Mỹ và tay sai tiến hành ở Việt Nam được cho là phi nghĩa, trái đạo lý, bị lên án không phải chỉ vì thực chất mục đích của nó, vì sự hao người, tốn của, mà còn bởi nó đã thể hiện rõ tính chất tàn bạo, vô nhân tính. Đó là một trong các cuộc chiến tranh tổn hại nhất trong lịch sử nước Mỹ, với tổng chi phí lên tới 686 tỉ đô la (tính theo thời giá năm 2008). Đó là khoản tiền lớn nhất mà Mỹ đã chi cho chiến tranh, chỉ sau đại chiến Thế giới thứ 2. Theo ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng trưởng kế hoạch của Việt Nam Cộng hòa (giai đoạn 1973 - 1975): Làn sóng viện trợ Mỹ trút vào miền Nam Việt Nam thời điểm dâng cao nhất kéo dài từ năm 1966 đến năm 1970 lên tới 25 tỉ đô la mỗi năm. Các chính sách của chế độ Sài Gòn đưa ra thường hay được tính toán dựa theo dự phỏng xem số tiền đô la được Mỹ sẽ bơm vào nền kinh tế là bao nhiêu, sự lệ thuộc của chế độ Sài Gòn vào Mỹ ở mức độ nào. Cùng với Quân đội Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, có thời điểm còn có sự tham gia của quân đội 5 nước đồng minh trực tiếp và 29 nước khác gián tiếp với khoảng 6 triệu lượt binh sĩ tham chiến. Trong khoảng thời gian đó, Mỹ, ngụy đã tổ chức nhiều chiến dịch lùng sục, càn quét và thảm sát tại khắp nơi ở miền Nam; đồng thời, còn tiến hành 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng đường không ở miền Bắc, tàn phá nặng nề các công trình giao thông, kinh tế, trường học, bệnh viện… nhằm “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Việt Nam đã trở thành bãi chiến trường để Mỹ phô diễn, thử nghiệm hầu hết các loại phương tiện, vũ khí chiến tranh; trong đó, có nhiều loại hiện đại, tối tân lần đầu tiên được sử dụng. Máy bay Mỹ đã ném xuống Việt Nam khoảng 7,85 triệu tấn bom, gấp 3 lần số bom sử dụng trong chiến tranh Thế giới 2; rải xuống khắp miền Nam Việt Nam khoảng 75 triệu lít chất độc hóa học đi-ô-xin, v.v. Cuộc chiến tranh đã cướp đi nhiều triệu sinh mạng, nhưng số người thương vong, tàn tật, chịu di chứng trên nhiều mặt ở các bên tham chiến còn nhiều hơn gấp bội. Mỹ còn áp dụng cả những biện pháp tàn bạo mà các chuẩn mực chiến tranh thông thường không cho phép, như: sử dụng chất độc da cam/đi-ô-xin, dùng máy bay B52 ném bom dải thảm hủy diệt các khu dân cư tập trung, v.v. Bên cạnh sinh mạng con người, hậu quả nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, môi trường, phải mất nhiều thời gian, công sức mới khôi phục được. Điều đáng nói nhất là những di chứng về mặt xã hội đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc, lâu dài trong lòng dân tộc Việt Nam và ngay cả trong lòng nước Mỹ. Sự hận thù, lòng tự ti, mặc cảm là những cản trở lớn cho sự hòa hợp dân tộc sau chiến tranh và cả những giọt nước mắt muộn màng về những tội ác của mình gây ra đối với đồng bào, dân tộc mình. Tất cả những điều đó là hậu quả của cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ gây ra và là bài học cảnh tỉnh cho những ai còn có tư tưởng bá quyền, cho mình đứng trên các dân tộc khác.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng chiến thắng 30/4/1975 của quân và dân ta cho thấy một chân lý: Không phải bao giờ sức mạnh của cường quyền bạo lực và đồng tiền cũng đè bẹp được chính nghĩa. Đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, Việt Nam là đại diện chân chính cho chính nghĩa, cho nên trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ to lớn cả về vật chất và tinh thần của bạn bè quốc tế và lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Tính chất phi nghĩa, tàn bạo của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn bộc lộ rõ trong chiến tranh, đã ngày càng bị thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ lên án, phản đối. Trong thời gian xảy ra chiến tranh, ở Mỹ đã có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh, có 16 triệu trong tổng số 27 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi quân dịch đã chống lệnh quân dịch, 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì, chống chiến tranh ở Việt Nam, không chịu nhập ngũ. Bản chất phụ thuộc theo đuôi Mỹ của chế độ Sài Gòn và mối quan hệ giữa họ cũng ngày càng được phơi bày. Nguyễn Văn Thiệu - người đứng đầu chế độ Sài Gòn - khi còn đương nhiệm đã công khai “lý tưởng” của chính quyền ông ta: “Mỹ còn viện trợ thì chúng ta còn chống Cộng”, “nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc lập”. Trước đó, để ép chính quyền Thiệu phải ký hiệp định Pa-ri (tháng 01/1973), R. Ních-xơn, Tổng thống Mỹ cũng từng trao đổi với thuộc cấp của mình rằng: “Tôi không biết sự đe dọa của chúng ta có đi quá xa không, nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì, kể cả những điều không hay ho gì như cắt cái đầu của Thiệu”. Trong diễn văn từ chức vào thời điểm không thể cứu vãn nổi sự sụp đổ (ngày 21/4/1975), Nguyễn Văn Thiệu đã không tiếc lời chỉ trích Mỹ: “là một đồng minh thất hứa, thiếu công bằng, thiếu tín nghĩa, vô nhân đạo, trốn tránh trách nhiệm,...”. Những điều đó, thật khác xa với những gì mà trước đó họ thường rêu rao, tâng bốc nhau, mà không ít người lầm tưởng như họ là “đồng minh”, là đại diện của “chính nghĩa, quốc gia, dân tộc”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự thật và chân lý của chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, là ánh sáng soi rọi cho nhân dân yêu chuộng hòa bình và lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới đứng lên đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Những sự ngụy biện, xuyên tạc thực tế, nhằm phục vụ cho một mưu đồ nào đó, không những chỉ là ảo tưởng, mà còn là tội lỗi với lịch sử, với các thế hệ ông cha đã không tiếc máu xương hy sinh cho sự yên bình và hạnh phúc của đất nước này. Bất cứ dân tộc nào có tự trọng trên thế giới, đều có quyền tự hào về truyền thống lịch sử đánh giặc ngoại xâm, gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc của mình. Chiến thắng 30/4/1975 đã kết thúc sự chia rẽ Bắc - Nam, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài trên 100 năm của thực dân, đế quốc trên đất nước ta, nước nhà độc lập, non sông thu về một mối, đã trở thành một trang vàng chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc để các thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ và phát huy.


1 nhận xét:

  1. Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giá trị lịch sử và thời đại của chiến thắng 30/4 là không thể phủ nhận. Chúng ta cần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh đập tan mọi luận điệu xuyên tạc lịch sử của thế thù địch và các phần tử phản động.

    Trả lờiXóa