(Theo Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ
tịch)
Vào khoảng
năm 1911 ông Mai, quê ở Hải Phòng, nhân viên cũ trên một chiếc tàu Pháp của
hãng "Vận tải hợp nhất" kể lại - tôi làm việc ở phòng ăn của các sĩ
quan trên tàu. Tàu chúng tôi cập bến Sài Gòn để lấy hàng và đón khách.
Một buổi
trưa, một người trai trẻ lên tàu. Sau một phút ngập ngừng, anh ta hỏi xin việc.
Chúng tôi trả lời là không có việc và có chăng nữa, chúng tôi cũng không có
quyền nhận anh ta.
Chúng tôi cười
vì chàng trai có vẻ một anh học trò, không phải là người lao động như chúng
tôi. Chúng tôi nói nhỏ với nhau: "Một người như thế có thể làm được công
việc gì trên tàu?"
Tôi không
hiểu tại sao tôi thấy thương anh ta và tôi nói:"Đi theo tôi, tôi sẽ dẫn
anh đến gặp chủ tàu. Có lẽ ông ta sẽ có việc cho anh làm".
Chủ tàu hỏi:
"Anh có thể làm việc gì?".
-Tôi có thể
làm bất cứ việc gì! Chàng trai trả lời.
-Được, ta sẽ
lấy anh làm phụ bếp. Sáng mai anh đến đây nhận việc.
Chàng trai ấy
xưng tên là Ba. Vì tôi đã giúp anh ta việc nhỏ ấy, cho nên anh ta rất thân với
tôi, và tôi cũng rất thân với anh ấy. Việc gì tôi làm được là tôi cố làm để
giúp anh ta. Vả lại, anh ấy có can đảm và nhẫn nại. Phụ bếp trên tàu, mỗi ngày
anh ta phải làm: từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, rồi
đốt lửa trong các lò. Sau đó đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt, cá,
nước đá,…v.v… Công việc khá nặng nhọc vì dưới bếp rất nóng và trong hầm rất
rét. Nhất là khi vừa phải vác một bao nặng vừa leo lên những bậc thang trong
khi tàu tròng trành.
Xong công
việc ấy, phải dọn cho bọn chủ bếp Pháp ăn. Sau đấy, nhặt rau, rửa chảo nồi và
đun lò lại. Công việc kéo dài suốt ngày. Nhà bếp lo ăn cho bảy, tám trăm người
cả nhân viên và hành khách. Có nhiều cái chảo bằng đồng lớn và nặng quá, đến
nỗi anh Ba phải kéo lê trên sàn. Và những cái nồi cao quá, anh phải leo lên ghế
để chùi nồi. Luôn luôn lắng nghe:
-Ba, đem nước
đây!
-Ba, dọn chảo
đi!
-Ba, thêm
than chỗ này, thêm than chỗ kia!
Suốt ngày,
anh Ba đẫm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than. Người ta thấy anh Ba phải
dùng hết tinh thần và sức lực để làm cho xong công việc. Mỗi ngày, chín giờ
tối, công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi nghỉ hoặc
đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến mười một giờ hoặc nửa đêm. Về thứ bậc, anh Ba
là người dưới chúng tôi, chúng tôi là những người có chức vị, còn anh Ba chỉ là
người phụ bếp. Nhưng vì anh Ba hiểu biết - anh giúp những người bạn mù chữ của
tôi viết thư về cho gia đình họ và anh không bao giờ nói tục - vì vậy anh Ba
được tất cả chúng tôi yêu mến.
Vài ngày sau
tàu rời bến, có hai hành khách - hai người lính trẻ tuổi giải ngũ trở về Pháp.
Tôi không hiểu tại sao hai anh này đã trở nên bạn thân của anh Ba. Họ giúp anh
nhặt rau và buổi tối họ cho anh mượn những quyển sách nhỏ, dạy cho anh đọc và
viết. Và anh Ba lại dạy họ học quốc ngữ và thỉnh thoảng dấm dúi cho họ một cốc
cà phê. Anh nói với tôi với một vẻ ngạc nhiên: "Anh Mai, cũng có những
người Pháp tốt, anh ạ".
Đến Mácxây,
chúng tôi lĩnh lương; mỗi nhân viên Việt Nam được từ một trăm đến hai trăm
quan, thêm vào đấy tiền thưởng của hành khách. Anh Ba là phụ bếp, chỉ được mười
quan.
Anh ta được
ít lương, nhưng anh học được nhiều chuyện mới lạ. Coi tôi là bạn thân thiết
nhất, anh ta nói với tôi tất cả những điều anh trông thấy và suy nghĩ.
-"Ơ! Ở
Pháp cũng có người nghèo như bên ta!"
Trông thấy những
gái điếm đến làm tiền trên tàu, Ba nói với tôi:
-"Tại
sao người Pháp không "khai hóa" đồng bào của họ trước khi đi
"khai hóa" chúng ta, sao thế anh Mai?"
Sau những
ngày đầu tiên ở Mácxây, anh Ba tóm tắt cảm tưởng của mình bằng mấy chữ:
"Người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương".
Chúng tôi đi
theo tàu lên Havơrơ (Havre) để sửa chữa. Chúng tôi được đưa sang làm việc ở một
chiếc tàu khác, trở về Đông Dương. Anh Ba không muốn trở về. Ông chủ tàu đem
anh về nhà. Từ đấy, tôi không được tin tức gì của anh Ba nữa…Không bao giờ tôi
đoán rằng người bạn nhỏ của tôi, người phụ bếp, anh Ba siêng năng và ngoan
ngoãn ấy, lại trở thành Chủ tịch Chính phủ ta, người xây dựng nên nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa của chúng ta.
Quốc Bắc
Bác Hồ của chúng ta đã nuôi chí lớn như vậy đó
Trả lờiXóa