Trong
suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ thể hiện sự quan tâm nhất
quán và sâu sắc đối với công tác thanh niên. Trong công tác thanh niên, Người
thường xuyên nói đến việc giáo dục thanh niên một cách toàn diện. Tất cả tư
tưởng tình cảm của Bác Hồ đối với thanh niên được thể hiện trong lời di chúc: “Ðòan
viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không
ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cho họ,
đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “Hồng”, vừa
“Chuyên”. Người còn nhấn mạnh thêm: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời
sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Từ những
quan điểm nhất quán trong công tác thanh niên, Bác Hồ đã đặt nền móng cho công
tác giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam.
Trước hết,
Bác Hồ khẳng định rằng: thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, là
lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới. Do đó, giáo dục thanh niên là một
công tác lớn, một công tác trọng tâm của cách mạng. Ở lĩnh vực giáo dục lý
tưởng cách mạng, Người ân cần khuyên nhủ: “Chúng ta không một phút nào quên
lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc ta hòan toàn độc lập,
cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta”. Ðối với thanh
niên, lý tưởng ấy gắn bó từng giờ từng phút thể hiện trong hoài bảo cống hiến
và những ước mơ cao đẹp.
Ðiều quan tâm
thứ hai mà Bác Hồ căn dặn, đó là thường xuyên giáo dục, rèn luyện ý chí cách
mạng cho thanh niên: chí làm trai, chí làm người, cổ vũ thanh niên phấn đấu,
rèn đức, rèn tài vượt qua khó khăn, thử thách, thể hiện khí phách, khí tiết,
hùng khí, dũng khí “đào núi và lấp biển” của thanh niên.
Nội hàm của ý
chí cách mạng là: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn
thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Việc giáo
dục đạo đức cho thanh niên được Bác Hồ gói gọn trong năm chữ: Nhân, Nghĩa, Trí,
Dũng, Liêm với nội dung sâu sắc: Thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng
chí, đồng bào; cương quyết chống lại những người, những việc có hại cho Ðảng,
cho dân; chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ ; không ham
giàu sang, phú quí một cách bất chính, không ngại cực khổ, không sợ uy quyền.
Mặt khác, việc giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa
học kỹ thuật và quân sự cho thanh niên là một việc vô cùng cần thiết giúp thanh
niên có hiểu biết để cống hiến ngày càng nhiều và có hiệu quả cho đất nước.
Bác còn nhấn
mạnh rằng: “Ðảng yêu cầu cán bộ chẳng những thạo về chính trị mà còn phải
giỏi về chuyên môn”. Người còn luôn quan tâm đến việc giáo dục bồi dưỡng về
thể chất và nếp sống văn hóa trong thanh niên, bảo đảm cho thanh niên trở thành
con người tòan diện về Ðức, Trí, thể, Mỹ.
Ðể thực hiện
thành công việc giáo dục thanh niên theo những nội dung trên, Bác Hồ còn chỉ ra
những công việc cần phải làm: Học phải đi đôi với hành, giáo dục gắn với lao
động, nhà trường gắn với xã hội; giáo dục gắn với việc giúp thanh niên tự giáo
dục, lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục thanh niên và giáo dục
lẫn nhau.
Tìm hiểu lại những nội dung mà Bác Hồ đã đặt nền móng
trong công tác giáo dục thanh niên, chúng ta càng nhận thức sâu hơn tình cảm
của Bác Hồ dành cho thanh niên. Thế hệ trẻ ngày nay cần ra sức học tập, rèn
luyện cho thật tốt để mãi mãi xứng đáng với sự thương yêu, hoài vọng của Bác
Hồ, phấn đấu hết sức mình để trở thành những người chủ của tương lai đất nước:
vừa “Hồng”, vừa “Chuyên”.
- Quốc Bắc -
Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo
Trả lờiXóa