Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

NHẬN THỨC CON ĐƯỜNG QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

 Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là những vấn đề lý luận cốt yếu, được giới lý luận nước ta thường xuyên quan tâm trong suốt mấy chục năm qua. Việc xác định con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là là tư tưởng nhất quán, là sự lựa chọn duy nhất đúng của Đảng và nhân dân ta, nó phù hợp với sự phát triển lịch sử tự nhiên của các hình thái kinh tế xã hội Các Mác đã chỉ ra, phù hợp với tính quy luật của việc “bỏ qua” một vài hình thái kinh tế xã hội trong lịch sử. Đó là kết quả của sự nhận thức đúng đắn và vận dụng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Mác - Lê nin trong xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Để có cơ sở luận giải khoa học khẳng định tính đúng đắn và hợp quy luật của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cần nhận thức đúng đắn bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Mác - Lê nin; thấy được tính tất yếu khách quan, điều kiện khả năng đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam.
Khi nghiên cứu sự vận động, phát triển của lịch sử xã hội loài người, Mác chỉ ra rằng, sự phát triển của lịch sử xã hội loài người là một quá trình lịch sử tự nhiên, là sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội. Thực tiễn lịch sử xã hội đã đã trải qua các hình thái xã hội: Cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cuối cùng là cộng sản chủ nghĩa. Quá trình đó có thể diễn ra một cách tuần tự, hoặc cũng có thể nhảy vọt. Tính tuần tự của lịch sử tự nhiên là do tính tuấn tự của lực lượng sản xuất phát triển. Tuỳ vào điều kiện cụ thể, mỗi nước có thể bỏ qua một vài hình thái kinh tế - xã hội để tiến tới hình thái kinh tế - xã hội cao hơn. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử và tính chất xã hội của mỗi nước khác nhau, do đó không phải quốc gia nào cũng phải trải qua đầy đủ các hình thái kinh tế - xã hội một cách tuần tự từ thấp đến cao. Một số nước như Nga, Ba Lan, Đức… đã phát triển từ chế độ cộng sản nguyên thuỷ lên chế độ phong kiến không qua chế độ chiếm hữu nô lệ; Mỹ, Canađa… phát triển từ chế độ chiếm hữu nô lệ lên chế độ tư bản chủ nghĩa không qua chế độ phong kiến; Trung Quốc quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Lịch sử cũng đã chứng minh Việt Nam từ xã hội cộng sản nguyên thuỷ phát triển lên chế độ phong kiến không qua phát triển chế độ chiếm hữu nô lệ…
Theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, một dân tộc muốn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa phải có đủ những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Điều kiện khách quan đó là, trước hết trên thế giới, hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa đã ra đời và tỏ rõ sự ưu việt trong thực tế; chủ nghĩa tư bản phải bộc lộ sự hạn chế, lỗi thời, phản động; đồng thời dân tộc đó phải có sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa đi trước. Điều kiện chủ chủ quan là vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản; đất nước đã sẵn sàng những yếu tố nội lực để thực hiện sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Vận dụng lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của Mác, chúng ta khẳng định: Việt Nam có đầy đủ điều kiện khách quan và chủ quan mà chủ nghĩa Mác – Leenin đã chỉ ra để bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tế, cuối thế kỷ XIX, đầu XX, chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn thế giới đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, sự mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuấtquan hệ sản xuất  diễn ra ngày càng cao trong chính bản thân chủ nghĩa tư bản đã kìm hãm sự phát triển của quan hệ sản xuất. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa đã xuất hiện và tỏ rõ tính ưu việt trên thực tế. Liên Xô đã tiến hành công nghiệp hóa trong một thời gian ngắn, Trung Quốc cải cách phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm rất cao. Chế độ xã hội chủ nghĩa của Liên Xô đã góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi chiến tranh thế giới, đánh bại chủ nghĩa phát - xít. Việt Nam được được sự giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần vô cùng to lớn của hệ thống các nước XHCN trên tinh thần quốc tế cao cả.
Về phía chủ quan chúng ta có Đảng cộng sản việt Nam, đảng chân chính của giai cấp công nhân lãnh đạo. Đảng ta có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh trong việc thu hút sự ủng hộ giúp đỡ của các nước phát triển, các lực lượng tiến bộ và giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông âu là một mất mát to lớn đối với Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Tuy nhiên, đó cũng là bài học quí báu để Đảng ta tìm ra những kinh nghiệm bổ ích, từ đó xác định đường, chiến lược, sách lược đúng đắn phù hợp, tránh mắc phải những sai lầm của các nước xã hội chủ nghĩa. Đối với nước ta, sự lãnh đạo của đảng thực sự là nhân tố quyết định thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đại hội lần thứ XII của Đảng ta khẳng định: “Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa…Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, khơi dậy mọi tiềm năng để phát triển sản xuất, hình thành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với phương châm: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thực hiện phương châm này giúp cho chúng ta tận dụng được vốn và khoa học công nghệ hiện đại của các nước phát triển nhằm phát triển nhanh lực lượng sản xuất, tránh tụt hậu xa hơn về kinh tế và có thể rút ngắn được thời kỳ quá độ. Bên cạnh đó, chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào; nhân dân ta có truyền thống yêu nước, có tinh thần khắc phục khó khăn vượt qua gian khổ, có ý chí vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước. Mặt khác, những cơ sở kinh tế của nước ta ngày càng được củng cố và phát triển đủ sức cạnh tranh và đứng vững trong nền kinh tế thị trường. Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII tiếp tục khẳng định việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó nhấn mạnh “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Từ sự phân tích trên đây, chúng ta có thể khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng và điều kiện để tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Về chính trị: Chúng ta có Đảng cộng sản chân chính của giai cấp công nhân lãnh đạo. Đảng ta và Bác Hồ đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam và khẳng định: Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, mới có thể đem lại tự do và hạnh phúc thực sự cho mọi người, cho tất cả các dân tộc và toàn thể nhân loại. Với phương hướng đó Đảng ta và Bác Hồ quyết tâm lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện cho được mục tiêu giải phóng dân tộc đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Thắng lợi của cách mạnh tháng 8 năm 1945 và chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đặc biệt là những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm qua, càng chứng tỏ con đường mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Thành quả quí báu mà nhân dân ta giành được là công sức và xương máu của biết bao đồng bào và chiến sĩ cả nước. Vì thế, chúng ta không có lý do gì từ bỏ hoặc trao vận mệnh dân tộc cho lực lượng muốn đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, để một lần nữa chúng ta lại nằm trong vòng áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Chính vì vậy khuynh hướng tiến lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một tất yếu khách quan và là mục tiêu nhất quán không gì lay chuyển được của Đảng và nhân dân ta.
Về kinh tế: Đảng ta nhận thức và vận dụng đúng đắn quy luật về kinh tế thời kỳ quá độ lên CNXH. Do vậy, nước ta không phải chờ đợi một cách máy móc về cơ sở kinh tế, cơ sở vật chất để đi lên chủ nghĩa xã hội, mà phải tranh thủ những cơ sở vật chất chúng ta đã có và xây dựng được trong quá trình cách mạng cũng như sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Hơn nữa chúng ta có một nguồn nhân lực dồi dào, nhân dân ta có truyền thống yêu nước, cần cù, thông minh, sáng tạo sẽ là yếu tố quyết định sự nghiệp cách mạng XHCN ở nước ta. Đồng thời chúng ta biết kế thừa ngay cả những thành tựu về kinh tế, kỹ thuật của chính những nước tư bản chủ nghĩa, những nước không cùng chế độ chính trị với nước ta trong quá trình hội nhập. Đối với nước ta, cách mạng khoa học công nghệ đã và đang mở ra những khả năng mới để có thể nhanh chóng tiếp thu và ứng dụng những thành tựu đó vào phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, quốc phòng, an ninh…để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Cùng với xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế, hợp tác quốc tế để phát triển, nước ta đã thực hiện tốt đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ hợp tác quốc tế; biết tận dụng những thời cơ, vượt qua thách thức thu hút đầu tư để phát triển đất nước…đây là những cơ sở thực tiễn hết sức sinh động để khẳng định khả năng đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn.
Hiện nay chủ nghĩa tư bản có bước điều chỉnh, thích nghi và có bước phát triển đáng kể, song chủ nghĩa tư bản không phải là xã hội tốt đẹp mà loài người lựa chọn. Nó luôn luôn chứa đựng trong lòng nó rất nhiều mâu thuẫn và áp bức bất công. Theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin thì xã hội tốt đẹp nhất của loài người là chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh: Sau khi cách mạng tháng mười Nga thành công đã đi vào xây dựng hình thái kinh tế- xã hội mới, hình thái kinh tế- xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Có thể khẳng định, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, không phải là hiện tượng “rút ngắn” đầu tiên trong lịch sử phát triển của nhân loại, nhưng là một trong những quốc gia đầu tiên xác định bỏ qua hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa. Sự lựa chọn của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, đó là sự phát triển quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, thực chất là bỏ qua với tư cách quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong phát triển kinh tế, một mặt phải thừa nhận sự tồn tại khách quan của nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu, đặc trưng cho các quan hệ sản xuất khác nhau. Phải tạo điều kiện để các hình thức sở hữu đó phát huy vai trò của nó đối với phát triển kinh tế. Mặt khác, từng bước xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất XHCN bằng cách làm cho kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể giữ vai trò chủ đạo. Quan hệ sản xuất XHCN là đặc trưng cho cơ sở hạ tầng xã hội mới. Bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa. Trong kiến trúc thượng tầng của xã hội, chúng ta tiếp thu những thành tựu về văn hóa, khoa học, về những kinh ngiệm quản lý xã hội hiện đại, kỹ thuật tổ chức bộ máy nhà nước… nhưng không xác lập sự thống trị của giai cấp tư sản đối với nhà nước XHCN, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Tuy nhiên ta không phủ định sạch trơn chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là về khoa học công nghệ để phát nhanh lực lượng sản xuất. Thực chất của việc bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là phát triển rút ngắn, cỗt lõi là tăng trưởng nhảy vọt lực lượng sản xuất.
Thực tiễn quá trình lãnh đạo đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội Đảng ta đã thừa nhận có thời kỳ, có giai đoạn chúng ta dập khuôn máy móc theo mô hình chủ nghĩa xã hội của Liên Xô, nhận thức về chủ nghĩa tư bản còn phiến diện, thường phủ nhận chủ nghĩa tư bản một cách sạch trơn hoặc đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa xã hội. Chúng ta vội vàng xây dựng quan hệ sản xuất lớn trong khi lực lượng sản xuất của nước ta mới phát triển ở trình độ thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo làn. Vì vậy, nó kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất, không kích thích được người lao động phát huy tiềm năng và trí tuệ của mình; năng xuất lao động thấp, sản phẩm làm ra kém chất lượng, thiếu tính sáng tạo. Bởi vậy, chúng ta cần phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn khách quan về đặc điểm tình hình đất nước và con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa ở nước ta. Từ đó thấy được những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện sự “bỏ qua” để đề ra đường lối chủ trương lãnh đạo đất nước một cách đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử.
Tóm lại, nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan và xu thế của thời đại. Đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa còn là sự lựa chọn của chính lịch sử Việt Nam, nó đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn đất nước với nguyện vọng của nhân dân. Quan điểm này một lần nữa được Đảng ta khẳng định trong văn kiện đại hội đảng toàn quốc lần thứ IX: “Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. Văn kiện đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định: “…Con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử..”. Mặc dù hiện nay cục diện thế giới đã có nhiều thay đổi, hệ thống XHCN thế giới đã tan rã, chủ nghĩa tư bản đã có sự điều chỉnh thích nghi và có bước phát triển. Song tất cả những điều đó không làm thay đổi mục tiêu, con đường XHCN mà Đảng và nhân dân ta đã lực chọn. Đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là sự lựa chọn duy nhất đúng. Tuy nhiên, để giữ vững mục tiêu con đường đã chọn Đảng ta phải đứng vững trên cơ sở khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin đặc biệt là lý luận về hình thái kinh tế - xã hội. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội nói riêng, để lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Trong thời kỳ quá độ xây dựng CNXH có những lúc chúng ta không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm, song chúng ta cũng đã giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước. Những thành tựu đó đã chứng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa mà Đảng ta, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn là con đường đúng đắn nhất. Nó phù hợp với qui luật phát triển của lịch sử, với điều kiện hoàn cảnh nước ta và xu thế thời đại. Ngày nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang lợi dụng sự khủng hoảng và thoái trào của chủ nghĩa xã hội để xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin và phá hoại cách mạng nước ta bằng  nhiều âm mưu thủ đoạn khác nhau, trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, chúng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng vào các vấn đề nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo, nhân quyền nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, dần xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; thực hiện phi chính trị hoá quân đội… Trước tình hình đó, đòi hỏi chúng ta phải đứng vững trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thường xuyên nêu cao ý thức tinh thần cảnh  giác cách mạng, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ và phát triển sáng tạo học thuyết của Mác trong điều kiện lịch sử mới. Trước hết Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn và đổi mới công tác lãnh đạo nhằm củng cố và giữ vững lòng tin cho nhân dân, phải vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Mác - Lênin trong điều kiện mới. Kết hợp đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận với việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu bổ sung và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới, thời đại hội nhập kinh tế quốc tế.






1 nhận xét:

  1. Việt Nam đã đi rất đúng hướng, cho nên đất nước mới phát triển mạnh mẽ như vậy

    Trả lờiXóa