Trong tình hình hiện nay các thế lực thù địch đã và
đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chống phá ta trên lĩnh
vực quốc phòng, an ninh. Mục đích của họ là gì? Vẫn là kích động, lung lạc niềm
tin của nhân dân vào đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước về sự nghiệp quân sự, quốc phòng và lực lượng vũ trang. Vì vậy, cần
phải có những biện pháp phòng chống cơ bản và đề cao cảnh giác.
Quán
triệt quan điểm của Đảng: “…kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...”1; đồng
thời, để hiện thực hóa phương châm: “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm
mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những
thông tin, luận điệu sai trái…”2, cần thực hiện tốt một số biện pháp
sau:
Một
là, nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác của nhân dân trước
những thông tin và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch liên quan đến
lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Điều này có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả
đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về lĩnh vực quốc phòng - an
ninh. Có nhận thức đúng tính chất nguy hại của sự việc mới có ý thức cảnh giác,
đề phòng. Do đó, công tác giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân về lĩnh vực quốc
phòng - an ninh phải coi trọng điểm này, phải làm cho nhân dân thấy rõ đâu là
thông tin chính thống, đâu là thông tin bịa đặt, nhằm dụng ý xấu để cảnh giác.
Việc làm này phải được tiến hành một cách kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên
tục, chú trọng những vùng có lịch sử chính trị - xã hội phức tạp, vùng sâu,
vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có
đạo sinh sống; địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Cần tập
trung tuyên truyền làm rõ vị trí, vai trò của công tác quốc phòng - an ninh,
mối quan hệ giữa an ninh và quốc phòng, giữa phát triển kinh tế - xã hội với
bảo đảm quốc phòng - an ninh; an ninh biên giới, an ninh biển; chủ quyền biển
đảo,... hướng tới thống nhất nhận thức, tư tưởng, ý chí và hành động, đúng với
quan điểm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc biên giới và chủ
quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc…”3. Phương thức tuyên truyền
cần đa dạng, phong phú, như thông qua hệ thống thông tin đại chúng, báo chí,
các trang mạng xã hội, qua giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng -
an ninh cho các đối tượng trong xã hội.
Hai
là, cung cấp thông tin chính thống về lĩnh vực quốc phòng - an ninh đến
quần chúng nhân dân một cách kịp thời, chính xác, khách quan, trung thực.
Quốc phòng - an ninh là lĩnh vực đặc thù, có liên quan trực tiếp đến sự an nguy
của quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, trong thời đại của in-tơ-nét, một sự kiện xảy
ra chỉ trong thời gian rất ngắn đã lan khắp toàn cầu. Vì vậy, càng chủ động giữ
vững trận địa thông tin, cung cấp thông tin chính thống, kịp thời và minh bạch,
càng ngăn chặn được các luồng thông tin thất thiệt, thổi phồng, bóp méo, xuyên
tạc sự việc, hoặc suy diễn tiêu cực, gây hoang mang, lo lắng, bán tín bán nghi
trong xã hội. Tất nhiên, trừ các thông tin bí mật quân sự, bí mật quốc gia, các
thông tin khác, nhất là về các sự kiện lớn, đột xuất, phức tạp, nhạy cảm, có
thể gây bất ổn xã hội, thì luôn cần có thông tin chính thống, kịp thời từ cơ
quan chức năng, từ người có thẩm quyền phát ngôn cho báo chí, đó chính là sự
định hướng dư luận hiệu quả nhất.
Hiện
nay, mạng in-tơ-nét là phương tiện được các thế lực thù địch sử dụng nhiều
nhất, là trận địa thông tin nóng bỏng nhất, nếu không chủ động thông tin minh
bạch, chính xác, kịp thời đáp ứng nhu cầu của công chúng thì trận địa sẽ bị bỏ
trống và đương nhiên kẻ thù sẽ ào lên chiếm lĩnh. Vì vậy, trong khi việc kiểm
soát, chế tài các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống còn gặp nhiều rào cản,
khó khăn, thì cách tốt nhất để đẩy lùi thông tin bịa đặt, sai lệch là phải chủ
động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và minh bạch cho nhân dân. Để thông
tin minh bạch, chính xác, kịp thời, đáp ứng nhu cầu của công chúng, phải bảo
đảm chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định của
pháp luật, không để xảy ra tình trạng báo chí “đói” nguồn thông tin chính thống
và chính xác.
Ba
là, xây dựng lực lượng đấu tranh phản bác những thông tin bịa đặt,
xuyên tạc về quốc phòng - an ninh. Trong đó, tập trung vào đội ngũ nhà báo,
nhà nghiên cứu, thông tin viên, tuyên truyền viên trên lĩnh vực quốc phòng - an
ninh. Đây là lực lượng đưa đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách về quốc
phòng - an ninh của Đảng, Nhà nước đến với quần chúng nhanh và hiệu quả nhất,
là những người trực tiếp góp phần đập tan thông tin và luận điệu xuyên tạc của
kẻ thù. Do vậy, cần xây dựng lực lượng này có bản lĩnh chính trị vững vàng, có
trình độ lý luận cao, có khả năng diễn đạt, luận chiến thuyết phục, có nhiệt
huyết, dũng khí, quyết tâm đấu tranh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; chú trọng
nâng tầm lý luận sắc sảo, kinh nghiệm cho họ, bảo đảm để lực lượng này là nòng
cốt, xung kích trong đấu tranh, phản bác những thông tin bịa đặt, xuyên tạc về
quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng.
Nhận
diện, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh là cuộc chiến lâu dài, khó khăn, phức tạp,
đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng. Trong đó,
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có vai trò rất quan trọng. Sự phối hợp
đồng bộ, chặt chẽ của lực lượng này làm nòng cốt cho toàn dân là nhân tố trực
tiếp trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các
thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mỗi người dân Việt Nam yêu nước hãy hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, kiên quyết, kiên trì, nhận thức rõ luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch để có hành động đúng.
Trả lờiXóa