Những ngày vừa qua, ngay sau khi Thủ tướng
Chính phủ ký quyết định và công bố thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến không gian
mạng trực thuộc Bộ Quốc phòng, trên một số trang mạng xã hội, các thế lực thù
địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại đẩy mạnh hoạt động chống phá
Đảng, Nhà nước. Trong các bài viết chúng rêu rao rằng việc quân đội ta tham gia
bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là việc làm “vi hiến”. Quân đội chỉ có thể
chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân chứ không có chức năng,
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Thậm chí chúng còn xuyên tạc
rằng: “Sự ra đời của Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng chủ yếu nhằm đàn áp
tự do ngôn luận, tôn giáo, đàn áp nhân dân”, “bóp cổ internet”...
Trước hết, phải khẳng định quan điểm trên là
hoàn toàn sai trái, thiển cận, đi ngược lại với quan điểm, đường lối của Đảng,
Nhà nước ta. Trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nhất là Nghị quyết số
28-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đảng ta đã đề cao
trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, nhận định nguy cơ xảy ra chiến
tranh mạng, mất an ninh thông tin ngày càng tăng và đặt ra mục tiêu phải chủ
động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả chiến tranh mạng.
Điều 66, chương IV “Bảo vệ Tổ quốc” Hiến pháp
năm 2013 quy định về nhiệm vụ của quân đội là: “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân
dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường
trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững
mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” và “Quốc
phòng là công việc giữ nước của một quốc gia”. Vì thế, quân đội không chỉ bảo
vệ toàn vẹn vùng đất, vùng trời, vùng biên giới, biển đảo của Tổ quốc, mà còn
bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh tư
tưởng, an ninh văn hóa và bảo vệ cả trên không gian mạng. Do vậy, quân đội tham
gia đấu tranh trên không gian mạng là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hoàn
toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Thực tế, thời gian qua, đã xuất hiện một số
hình thái chiến tranh mới như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, trực tiếp
đe dọa chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc trên không gian mạng. Các thế lực
thù địch, phản động, tội phạm công nghệ cao đã triệt để lợi dụng không gian
mạng để chống phá Đảng, Nhà nước. Cụ thể, gần đây, một số tin tặc, tội phạm
công nghệ cao đã liên tiếp tấn công hệ thống mạng của các sân bay Nội Bài, Tân
Sơn Nhất, Tập đoàn Dầu khí quốc gia làm ngưng trệ hoạt động và xóa thông tin dữ
liệu, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn trực tiếp đe dọa, làm tổn
hại uy tín, vị thế, lợi ích, chủ quyền, an ninh, an toàn của đất nước, đời sống
nhân dân. Mặt khác, dưới các chiêu bài “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, các thế
lực thù địch, cơ hội chính trị đã xúc tiến thành lập các nhóm, hội như “Hội Phụ
nữ nhân quyền”, “Nhóm công dân tự do”... thông qua internet, mạng xã hội, thu
thập tin tức nội bộ, bí mật Nhà nước cung cấp cho lực lượng bên ngoài nhằm
xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước.
Trước tình hình đó, đấu tranh với thông tin
sai trái, xấu độc trên internet, mạng xã hội là việc làm cần thiết, là trách nhiệm
của cả cộng đồng, trong đó có cán bộ, chiến sĩ quân đội. Việc thành lập Bộ Tư
lệnh tác chiến không gian mạng là hoàn toàn phù hợp với quy luật, xu thế khách
quan, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hiện
nay, nhiều nước trên thế giới đã thành lập lực lượng tác chiến không gian mạng
để bảo vệ chủ quyền quốc gia như Anh, Mỹ, Trung Quốc, Ukraine... Và tác chiến
không gian mạng trở thành một phương thức tác chiến cơ bản giữ vai trò quan
trọng trong các cuộc chiến tranh có áp dụng các vũ khí công nghệ cao.
Chúng ta cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.
Trả lờiXóa