Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CUỘC ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN



                                                         
Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã xử lý kỷ luật một số cán bộ, thậm chí là cán bộ cao cấp vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Trước tình hình đó, một số người tự nhận những “nhà nghiên cứu chính trị” phủ nhận toàn bộ công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và kết luận “tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu, của chế độ độc đảng”. Thậm chí, những người này xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta là “sự đấu đá nội bộ và trang giành quyền lực giữa các phe phái”.  Chúng ta phải nhận thức rõ về tham nhũng, về công tác phòng chống tham nhũng để có cơ sở đấu tranh với các quan điểm sai trái, bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên.
Trước hết, chúng ta phải hiểu tham nhũng là một hiện tượng khá phổ biến trong thế giới đương đại. Nguyên nhân trực tiếp của tham nhũng là mưu cầu lợi ích riêng về vật chất và tinh thần của một cá nhân hoặc một bộ phận có quyền lực, nhưng nguồn gốc sâu xa bắt nguồn từ cơ sở kinh tế, gắn liền với chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Trong các cuộc đàm phán về Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc, người ta chỉ ra những điều điều kiện để nảy sinh tham nhũng: 1. Một số người nắm giữ quyền lực nhưng lạm dụng quyền lực; 2. Người có quyền lực có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa ham muốn trục lợi thông qua quyền lực; 3. Tồn tại môi trường kinh tế không minh bạch, môi trường xã hội thiếu lành mạnh; 4. Những sơ hở của pháp luật, quy định và những yếu kém trong cơ chế giám sát, kiểm soát. Thực tiễn cho thấy tham nhũng là hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia thực hiện chế độ “đa nguyên, đa đảng”.
Như vậy, xét về bản chất chế độ công hữu không phải là nguồn gốc sinh ra tham nhũng. Tham nhũng xuất hiện khi có chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Ở nước ta, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Nhưng do trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với đa hình thức sở hữu, chế độ công hữu chưa được xác lập triệt để. Mặt khác, do việc tổ chức, quản lý của Nhà nước có mặt chưa hoàn thiện, nên tham nhũng vẫn còn có mảnh đất tồn tại. Vì thế, không thể vì một vài cán bộ tham nhũng để vội vàng kết luận chế độ công hữu đẻ ra tham nhũng, để từ đó phủ nhận đường lối phát triển kinh tế của Đảng.
Cùng với việc tuyên truyền “chế độ công hữu đẻ ra tham nhũng, các thế lực thù địch cũng lợi dụng việc Đảng và Nhà nước ta kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng trong thời gian vừa qua, điển hình như khởi tố đối với Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn… và kỷ luật Đảng, truy tố theo pháp luật đối với nhiều cá nhân có liên quan, kể cả cán bộ cao cấp trong bộ máy Đảng, Nhà nước để xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và nhân dân ta. Nếu như trước đây chúng rêu rao, tuyên truyền luận điệu phê phán tham nhũng, cho rằng Việt Nam không chống được tham nhũng, thì nay trước quyết tâm và thành tựu chống tham nhũng ở Việt Nam chúng lại đưa ra những luận điệu xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng như là “một cuộc đấu đá nội bộ”.  Trong nhiều bài viết trên blog cá nhân, trang mạng xã hội các thế lực thù địch dựng đứng lên câu chuyện đấu đá nội bộ, phe nhóm trong Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước, trong và sau Đại hội lần thứ XII hết sức ly kỳ để câu kéo người đọc, tạo sự chú ý của dư luận. Sự xuyên tạc không dừng lại ở đó, để cho ly kỳ, hấp dẫn hơn, chúng còn bịa ra những lực lượng, cá nhân được hưởng lợi từ sự đấu đá nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự bịa ra những lực lượng, cá nhân này cũng không nằm ngoài âm mưu, thủ đoạn chia rẽ nội bộ, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng.
Chúng ta phải nhận thức rõ rằng, đây không phải là “một cuộc đấu đá nội bộ” như các thế lực xuyên tạc mà là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để đưa ra khỏi Đảng, bộ máy Nhà nước những cán bộ yếu kém về phẩm chất đạo đức, để cho Đảng trong sạch hơn, bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Đó cũng chính là thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, giữ vững và nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Một Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, một Nhà nước trong sạch, nghiêm minh chống tham nhũng, một đội ngũ cán bộ, đảng viên được giáo dục tốt về đạo đức và văn hóa, một thể chế chính trị phát huy được dân chủ của quần chúng nhân dân chắc chắn sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để hạn chế và đẩy lùi tham nhũng. Đó là những điều kiện, cơ sở chúng ta đã, đang và sẽ có để tiếp tục đấu tranh đẩy lùi và loại bỏ tham nhũng, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

1 nhận xét:

  1. Các thế lực thù địch rất điên cuồng chống phá Việt Nam; chúng dùng mọi thủ đoạn để chống phá; chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước luận điệu sai trái của kẻ thù để không bị mắc bẫy của chúng.

    Trả lờiXóa