Thứ Ba, 10 tháng 4, 2018

Phòng, chống hoạt động lợi dụng xã hội dân sự để chống phá Đảng, Nhà nước


Thực trạng hoạt động lợi dụng XHDS chống phá Việt Nam
Ở Việt Nam, trong những năm qua, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng XHDS để thực hiện Chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá nước ta; chúng tập trung vào một số hoạt động cơ bản sau:
Một là, tuyệt đối hóa tính độc lập tương đối của XHDS nhằm từng bước làm cho các tổ chức XHDS trở thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước. Các thế lực bên ngoài ra sức tuyên truyền XHDS là hiện thân của tự do, dân chủ và những gì tốt đẹp trong xã hội. Chúng đả kích, xuyên tạc, phủ nhận bản chất tốt đẹp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong lịch sử và hiện tại, coi đó là mô hình Nhà nước độc tài, toàn trị, không có khả năng điều hành xã hội, không phát huy dân chủ vì thiếu XHDS. Họ tìm cách xoáy sâu, thổi phồng những tiêu cực, hạn chế của mặt trái nền kinh tế thị trường ở nước ta, những thiếu sót trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tệ nạn tham nhũng, hối lộ... nhằm hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Với lập luận, XHDS là “đối quyền của quyền lực nhà nước” để tập trung đòi thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ quyền lực chính trị cho XHDS; thực chất là cổ vũ tư tưởng coi Nhà nước đối lập với XHDS; kích động thái độ vô chính phủ, lấy phá hoại thay cho xây dựng hòng từng bước đưa XHDS thành lực lượng đối trọng với Đảng và Nhà nước.
Hai là, lợi dụng XHDS để gây sức ép về dân chủ, nhân quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; đòi Nhà nước phải bảo đảm tự do vô giới hạn trong các lĩnh vực xã hội. Các thế lực thù địch coi hình thành XHDS độc lập về chính trị là điều kiện, tiền đề cho việc bảo đảm quyền con người, cổ súy tự do cá nhân thông qua thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình... Chúng đặc biệt cổ súy quyền bày tỏ chính kiến không giới hạn và liên kết hình thành các tổ chức “độc lập” tham gia vào đời sống cộng đồng, thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; lập các hội, nhóm với tên gọi, khẩu hiệu, tôn chỉ, mục đích thu hút được các tầng lớp, thành phần xã hội tham gia như: “Hội phụ nữ nhân quyền”,“Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ”... Thông qua các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội để công khai tổ chức, tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo quần chúng tham gia. Mặc dù hoạt động theo phương thức tự phát nhưng các hội nhóm này luôn có sự liên kết nhau và cấu kết chặt chẽ với các tổ chức phản động bên ngoài để phát triển lực lượng, hình thành tổ chức chính trị đối lập.
Ba là, các thế lực bên ngoài tìm cách xâm nhập, tác động, chuyển hóa các tổ chức chính trị, xã hội ở nước ta hòng “phi chính trị hóa” các tổ chức này, từng bước biến chúng thành các tổ chức XHDS theo tiêu chí phương Tây. Thông qua thúc đẩy phát triển XHDS để tác động hình thành trong nội bộ các cơ quan, tổ chức chính trị; đặc biệt là các cơ quan dân cử xu hướng hoạt động “độc lập”, thậm chí “đối lập” với sự lãnh đạo của Đảng ta. Thông qua triển khai dự án tài trợ, tổ chức hội thảo... các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã tìm cách tiếp xúc, móc nối, mua chuộc số cán bộ, đảng viên trong nội bộ để tuyên truyền, kích động tâm lý bất mãn, lôi kéo họ thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước. Chúng khai thác, lợi dụng internet, bưu chính viễn thông để phát tán đưa thông tin thất thiệt, bịa đặt, bôi nhọ Đảng, chính quyền và các lãnh đạo; tung hô những trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo bất mãn, cơ hội chính trị, số cán bộ tha hóa, bất mãn; phủ nhận, xét lại lịch sử và giá trị văn hóa dân tộc; kích động tư tưởng vô chính phủ, tuyên truyền các giá trị ưu việt của văn hóa phương Tây... từ đó làm “đổi màu” các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan do dân bầu trong hệ thống chính trị...
Bốn là, thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức quần chúng trong nước để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi thực hiện quyền con người như: Quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội... theo tiêu chí phương Tây, bất chấp đặc thù lịch sử, văn hóa và chế độ chính trị nước ta. Tìm cách thúc đẩy, khuyến khích cán bộ, đảng viên và người dân tích cực tham gia phản biện chính sách, phản biện xã hội, tác động và gây sức ép đòi thay đổi chính sách, hệ thống pháp luật và lĩnh vực tư pháp, đặc biệt là sửa đổi, ban hành các luật thực hiện các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây. Thông qua môi trường XHDS các thế lực tìm cách lôi kéo quần chúng vào các “hoạt động vì mục tiêu chung” như: Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường v.v.. hòng tạo ra tâm lý phản kháng, kích động quần chúng chống lại chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước ta; tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo quần chúng tham gia đòi đa nguyên, đa đảng và khởi kiện, vu cáo Nhà nước ta vi phạm các điều ước quốc tế về nhân quyền.
Một số giải pháp, kiến nghị
Để góp phần đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng XHDS của các thế lực thù địch, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội, đoàn thể quần chúng và các NGO ở Việt Nam. Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với cả hệ thống chính trị, trong đó có các tổ chức chính trị, xã hội. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa gồm cả dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức quần chúng. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc cần phát huy chức năng phản biện, giám sát, vận động nhân dân cùng tham gia giám sát, phản biện, góp ý kiến trong việc hoạch định cơ chế, chính sách nhằm góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiếp tục phát huy tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Chú trọng xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở; nhất là các địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa; chăm lo xây dựng tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của đất nước và từng địa phương; giải quyết kịp thời bức xúc, khó khăn, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức quần chúng và các tầng lớp nhân dân.
Chủ động đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất XHDS, âm mưu, hoạt động lợi dụng XHDS của các thế lực thù địch để tác động chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay. XHDS là vấn đề chính trị, xã hội phức tạp, đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu, nhận diện, tuyệt đối tránh khuynh hướng đơn giản hóa nhận thức về XHDS, đồng thời tránh tư tưởng coi XHDS là tiêu cực, đối lập hoàn toàn với Nhà nước. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền “vừa hồng, vừa chuyên” có trình độ, năng lực, kiến thức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trên lĩnh vực này. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội và tuyên truyền đối ngoại, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về nhân quyền, làm cho các nước và nhân dân thế giới hiểu rõ thực tế chính sách và thành tựu nhân quyền ở Việt Nam, góp phần đấu tranh, ngăn chặn các luận điệu vu cáo, xuyên tạc vấn đề này đối với nước ta.
Thường xuyên nắm chắc tình hình hoạt động của các tổ chức XHDS để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động lợi dụng XHDS xâm phạm an ninh chính trị, trật tự xã hội. Kiên quyết xử lý các hội, đoàn thể, các tổ chức NGO hoạt động vi phạm pháp luật, đồng thời tăng cường đối thoại, tiếp xúc, cảm hóa, không để các thế lực lôi kéo nhằm thực hiện ý đồ chống đối từ bên trong... Kịp thời phát hiện kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng các tổ chức, đoàn thể xã hội tuyên truyền, xuyên tạc tình hình trong nước và tập hợp lực lượng gây rối trật tự, xâm phạm an ninh chính trị. Giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện, tố cáo, không để lây lan, kéo dài, vượt cấp.

Ðảng, Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, hội, nhóm phù hợp với định hướng phát triển đất nước, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, sao cho phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của bọn phản động và các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng

    Trả lờiXóa