Thứ Ba, 10 tháng 4, 2018

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN SỰ PHÁT TRIỂN INTERNET LÀNH MẠNH Ở VIỆT NAM



Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối với internet toàn cầu, với những tính năng ưu việt của internet, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thế nhưng, đây đó vẫn có những cái nhìn chủ quan, phiến diện, thông tin không đúng về tự do internet ở Việt Nam. Bức tranh sinh động về internet ở Việt Nam cùng những ghi nhận của cộng đồng quốc tế đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu sai trái đó.
        Chặng đường 21 năm qua, có thể khẳng định, internet ở Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu, thể hiện qua những chỉ số rất đáng khích lệ. Một minh chứng cụ thể, năm 2012 số người sử dụng internet là 31 triệu người, đến năm 2017 đã là trên 50 triệu người. Theo thống kê của Hiệp hội Internet Việt Nam, với hơn 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới.Internet đã trở thành công cụ rất quen thuộc, làm thay đổi thói quen với phần lớn người dân Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt lớp trẻ, họ đã biết ứng dụng internet trong học tập và làm việc, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) Mai Liêm Trực khẳng định, trong thế giới phẳng, lớp trẻ hiện nay đang có một tương lai tươi sáng nhờ internet.
        Bên cạnh đó, chi phí để sử dụng internet Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực, tạo điều kiện cho số đông người dân Việt Nam có thể sử dụng. Bên lề Diễn đàn Internet Việt Nam 2017 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg nhận định, nhờ chi phí thấp mà Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ internet.
        Internet Việt Nam đã ghi được dấu ấn trên “bản đồ internet toàn cầu” đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thế nhưng, trong Báo cáo tự do internet 2017 mới đây của “Ngôi nhà tự do” (Freedom House), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington DC, Hoa Kỳ, tổ chức này xếp Việt Nam điểm số 76/100, lọt vào danh sách các quốc gia không có tự do internet. Cần phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên Freedom House đưa ra những thông tin mang tính chất bịa đặt, vu khống về tự do internet ở Việt Nam. Bản báo cáo tự do internet 2017 của Freedom House lần này vẫn là những luận điệu cũ rích như bày tỏ sự quan ngại về việc “tự do internet ở Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ do sự gia tăng bắt bớ và đe dọa”. Song, bản phúc trình này chẳng được mấy ai quan tâm, bởi lẽ “nói vậy song thực tế không phải vậy”.
        Câu hỏi đặt ra là, vì sao Freedom House lại phát ra những giọng điệu hồ đồ, vô căn cứ như vậy? Không khó để có câu trả lời, bởi vì, cần phải thấy những thông tin của Freedom House không được kiểm chứng mà chỉ dựa vào tài liệu được cung cấp bởi những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị phản động trong nước. Mặt khác, hãy xem ai là người đứng đằng sau và nuôi sống Freedom House thì sẽ thấy rõ những thông tin mà họ đưa ra về tự do internet đã bị áp đặt bởi một số tư tưởng và ý đồ xấu, thiếu thiện chí với Việt Nam.
        Chẳng cần nói đâu xa, cứ lấy bảng xếp hạng Inclusive Internet Index của tờ Economist công bố đầu năm nay ra so sánh thì thấy rõ. Bảng xếp hạng này được thực hiện tại 75 nước và được xét trên nhiều khía cạnh. Chỉ số thể hiện rõ nhất là độ phổ cập (Availability) của internet, bao gồm chất lượng và sự phổ biến của cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc truy cập internet. Bên cạnh đó, còn những yếu tố khác được xem xét như giá cước so với thu nhập (Affordability), sự tương ứng của thông tin (Relevance), đo sự tồn tại và phổ biến của các nội dung bằng ngôn ngữ địa phương, độ sẵn sàng (Readiness), xét đến kỹ năng giáo dục, chuẩn bị sẵn sàng cho việc sử dụng internet, các chính sách hỗ trợ… Theo đó, Việt Nam đứng thứ 32 trong tổng số 75 nước trong bảng xếp hạng và ở khoảng giữa so với các nước châu Á. Việt Nam gây ấn tượng mạnh ở hạng mục Relevance khi đứng thứ 18/75 nhờ sự phong phú của nội dung địa phương như tin tức, thông tin tài chính, sức khỏe, giải trí, kinh doanh… bằng ngôn ngữ địa phương. Từ thực tế và kết quả khảo sát, đánh giá được tờ Economist công bố thì cũng đủ để khẳng định: Những luận điệu mà Freedom House đề cập đến vấn đề tự do internet ở Việt Nam là hoàn toàn bịa đặt.
        Với sự bùng nổ của internet, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục. Trong lĩnh vực báo chí, bên cạnh báo in, nhiều tờ báo điện tử cũng đã ra đời, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân càng thêm phong phú. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có 35 triệu người, chiếm 1/3 dân số sở hữu tài khoản Facebook, trong đó, 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động; nhiều cơ quan, tổ chức và công chức Việt Nam đã sử dụng mạng Facebook để trực tiếp liên hệ với người dân.Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà internet mang lại, các hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng internet cũng ngày càng tăng; nguy cơ gián điệp mạng trở nên phức tạp, nguy hiểm. Bên cạnh đó, kẻ xấu cũng sử dụng môi trường internet để tán phát thông tin bịa đặt, không kiểm chứng, độc hại nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu; Do vậy, thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy tắc về hoạt động trên internet, sẵn sàng tham gia vào việc hình thành hệ thống pháp luật an toàn về internet… Bên cạnh đó, cần trang bị kỹ năng ứng xử khi sử dụng internet, mạng xã hội cho người sử dụng. Những ai cố tình lợi dụng sự tự do internet với cái cớ “dân chủ”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” để xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân sẽ bị lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đây là lẽ đương nhiên, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.



1 nhận xét:

  1. Với sự bùng nổ của internet, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục.

    Trả lờiXóa