Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới


Hiện nay, các thế lực thù địch đang ráo riết, đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa hòng làm suy giảm niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng. Một trong những vấn đề chúng tập trung chống phá là tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ đó tiến tới phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tế đã và đang khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin từ khi ra đời đến nay đã thể hiện rõ bản chất khoa học và cách mạng, giá trị và sức sống bền vững của nó. Nhiều chính khách, nhà khoa học ở cả trong và ngoài nước có nh÷ng bài nói, bài viết, công trình nghiên cứu khoa học khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Một số học giả tư sản đã thừa nhận, tinh thần của C. Mác vẫn tỏa sáng và dù muốn hay không người ta vẫn phải dựa vào C. Mác mới có thể phân tích đúng chủ nghĩa tư bản đương đại.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong quá trình cách mạng Việt Nam. Vào năm 1927, Hồ Chí Minh đã viết: “…Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”. Theo Người, chủ nghĩa Mác - Lê-nin không những là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sác-lơ Phuốc-ni-ô ngày 15-7-1969, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lê-nin”.
Nghiên cứu lịch sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ con đường Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Người đã nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin một cách cơ bản, hệ thống. Ngày 12-7-1946, trả lời trong cuộc họp báo tại biệt thự Roa-yan Mông-xô, Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”. Hồ Chí Minh không bao giờ “tách mình” ra khỏi C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin để đưa ra các quan điểm riêng mà như Người nói là “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà kinh điển đó, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.
Trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”, Hồ Chí Minh đã nói rằng: trước khi đến với chủ nghĩa Lê-nin, “tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên”, tham gia Đảng Xã hội Pháp vì họ ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, còn “Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì thì tôi không hiểu”. Nhưng “từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”
Hồ Chí Minh không chỉ tự học mà đã học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong nhà trường cách mạng. Vào khoảng cuối năm 1924, Hồ Chí Minh đã vào học lớp ngắn hạn của Trường Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va. Trong thời gian học, khi biết tin V.I. Lê-nin mất, Người đã cùng học sinh của trường đi viếng và Người đã viết bài “V.I. Lê-nin và các dân tộc thuộc địa”. Từ tháng 10-1934 đến cuối tháng 9-1938 (với bí danh Lin), Hồ Chí Minh đã học ở Trường Quốc tế Lê-nin, là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người đã chuẩn bị tài liệu để viết luận án về đề tài tự chọn “Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á”.
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nguồn gốc lý luận chủ yếu quyết định sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời, đặt “hòn đá tảng” những vấn đề có tính nguyên tắc về lập trường quan điểm, về tinh thần xử lý mọi việc. Những phạm trù cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng nằm trong những phạm trù cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trên cơ sở nắm vững và quán triệt sâu sắc lập trường, quan điểm và phương pháp biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh đã tiếp thu được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây để hình thành tư tưởng của mình. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những cống hiến đó của Người có được trước hết do Người đã nắm được bản chất cốt lõi, “linh hồn sống” trong tư tưởng của các nhà kinh điển Mác - Lê-nin là phép biện chứng duy vật.
Theo Hồ Chí Minh, mục đích học chủ nghĩa Mác - Lê-nin là để “phụng sự lợi ích chung, chứ không có gì cao xa”, “nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư, tự lợi như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lê-nin”. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin được”.
Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải theo lối giáo điều, kinh viện, mà có sự phát triển, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện lịch sử mới. Người không bao giờ coi chủ nghĩa Mác - Lê-nin là “cái gì đã xong xuôi hẳn”, là đơn thuốc vạn năng, mà như Người đã nói: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Trong bài “V.I. Lê-nin, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam” viết cho báo Sự thật Liên Xô, Hồ Chí Minh khẳng định “thắng lợi của cách mạng Việt Nam là một thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở một nước trước đây là thuộc địa. Những thành công của cách mạng Việt Nam cũng góp phần ít nhiều vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin”.
Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là… kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta,…”(10). Có quan điểm cho rằng ở Việt Nam bây giờ học thuyết Mác - Lê-nin đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, chỉ cần nói tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nói chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Ở đây không phải là sự ca ngợi, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh theo đúng giá trị đích thực, vốn có trong tư tưởng của Người. Trái lại, người ta muốn cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc lý luận chủ yếu của tư tưởng này là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, làm suy yếu và tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng một lúc, luận điểm sai trái đó nhằm ba mục tiêu: phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; theo đó, phủ nhận nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, làm suy yếu và đi đến xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay
Thắng lợi của cách mạng cũng như sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 84 năm qua là kết quả tổng hợp của rất nhiều yếu tố. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, đó là nhờ Đảng ta đã được vũ trang bằng lý luận cách mạng và khoa học nhất của thời đại - chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn tới, việc tiếp tục kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam vẫn là một tất yếu khách quan, là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ Luận cương chính trị tháng 10-1930 cho đến văn kiện Đại hội VI đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta có sự phát triển, bổ sung mới: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng”. Đây là biểu hiện về nhận thức đúng đắn, sâu sắc về mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội XI của Đảng (tháng 01-2011) đã tổng kết thực tiễn 25 năm đổi mới và rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học: “trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Như vậy, Đảng ta xác định rất rõ ràng: công cuộc đổi mới hiện nay phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh… Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Lịch sử đã chứng minh, nếu mơ hồ, dao động về hệ tư tưởng thì sẽ lúng túng trong hoạch định chủ trương, đường lối, rối loạn trong tổ chức và tất yếu dẫn đến thất bại trong hành động. Vì vậy, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có tính nguyên tắc đối với Đảng ta, là nhiệm vụ quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, lý luận, nhất là trong bối cảnh mới của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Điều đó càng đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam tuyệt đối không được xa rời hoặc từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trái lại, cần kiên định, vận dụng, linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên chính mảnh đất hiện thực Việt Nam hiện nay. Những “lý sự” cố tình tách rời, cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là hoàn toàn trái với quan điểm, đường lối của Đảng ta. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch đó để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


1 nhận xét:

  1. Người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh vạch trần bộ mặt thật, loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, của bọn phản động và các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa