Đảng
ta mang bản chất của giai cấp công nhân. Vấn đề này tưởng như đã rõ. Tuy nhiên,
gần đây vẫn còn có những ý kiến muốn bàn thêm về vấn đề có tính nguyên tắc này.
Có người muốn làm mờ đi tính giai cấp của Đảng, trình bày bản chất của Đảng
hiện nay như một cái gì không dính dáng đến giai cấp công nhân. Có ý kiến mô tả
Đảng phảng phất gần như một đảng mang tính toàn dân. Cũng không ít người khẳng
định bản chất giai cấp công nhân của Đảng một cách đơn giản, có phần khô cứng.
Đã là
một đảng chính trị, thì tất yếu nó phải mang tính giai cấp. Không có đảng phi
giai cấp, đứng ngoài giai cấp. Đảng cộng sản ra đời từ phong trào công nhân, là
sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân. Sứ mạng lịch sử của
đảng cộng sản là dẫn dắt giai cấp công nhân đấu tranh tự giải phóng mình khỏi
chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa, thực hiện thành công cuộc cách mạng vô sản,
xây dựng xã hội mới, xã hội XHCN và CSCN.
Đảng
Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp của giai cấp công nhân. Dù ở giai đoạn
phát triển nào hay trong hoàn cảnh lịch sử nào, bản chất đó vẫn là nguồn gốc
quyết định sự tồn tại và phương hướng phát triển của Đảng. Đảng Cộng sản Việt
Nam mang bản chất giai cấp công nhân và hệ tư tưởng của Đảng là hệ tư tưởng của
giai cấp công nhân. Hệ tư tưởng đó là chủ nghĩa Mác-Lênin khoa học và cách
mạng. Đảng ta luôn khẳng định trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, coi chủ
nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, là ngọn đuốc soi sáng các chặng đường đấu
tranh và hoạt động của Đảng.
Song,
để hiểu đúng bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta, lại cần phải hiểu rõ
những nét đặc thù của giai cấp công nhân và phong trào công nhân nước ta, sự ra
đời và hoạt động của Đảng, quá trình Đảng vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực
tiễn cách mạng Việt Nam.
Đảng
Cộng sản Việt Nam ra đời và hoạt động trong một hoàn cảnh lịch sử và xã hội
không giống các đảng cộng sản ở các nước Châu Âu có công nghiệp phát triển,
giai cấp công nhân lớn mạnh, phong trào công nhân từ lâu đã là phong trào độc
lập, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng của giai cấp mình, chống giai cấp tư
sản thống trị. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Việt Nam là một nước thuộc
địa, nửa phong kiến, chưa có công nghiệp phát triển, tuyệt đại đa số nhân dân là
nông dân, tiểu tư sản. Trong những thập niên đầu của thế kỷ 20, giai cấp công
nhân còn rất nhỏ bé. Phong trào công nhân chưa xuất hiện như một phong trào độc
lập, lớn mạnh. Trong khi đó, một phong trào yêu nước chống đế quốc thực dân,
giành độc lập dân tộc phát triển rộng rãi, có chiều dài nhiều thập kỷ, lôi cuốn
đông đảo các tầng lớp người yêu nước, tiến bộ. Phong trào công nhân là một bộ
phận trong phong trào chung ấy của dân tộc và nó mang nét rất đặc sắc là chủ
yếu chống tư bản nước ngoài, trước hết, giành độc lập cho dân tộc, đồng thời,
đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp mình, chống áp bức, bóc lột. Phong trào
công nhân và phong trào yêu nước ở ta hoà quyện vào nhau, thống nhất với nhau
trong mục tiêu chung là giành độc lập cho dân tộc, mưu hạnh phúc cho nhân dân.
Chính vì thế mà Hồ Chí Minh, khi tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã đưa
ra luận điểm nổi tiếng đầy sáng tạo: Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự
kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước
Việt Nam.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh là người tiêu biểu vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào
thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác-Lênin được
vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Cốt lõi của
tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hoà, đúng đắn dân tộc và giai cấp, độc
lập dân tộc và CNXH, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công
nhân, là giữ gìn, bồi đắp những bản sắc, tinh hoa của dân tộc, đồng thời, tiếp
thụ văn minh của nhân loại. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh giai cấp bao giờ cũng
gắn liền với dân tộc, nằm trong dân tộc.
Lịch
sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta trong hơn tám chục năm qua là lịch
sử của phong trào dân tộc (đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc) gắn với
giải phóng xã hội, cách mạng Việt Nam đồng thời giương cao hai ngọn cờ: Độc lập
dân tộc và CNXH.
Những
năm tháng oanh liệt nhất, vẻ vang nhất, làm nên những thắng lợi kỳ diệu như cao
trào dân tộc dẫn đến Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến chống thực dân
Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược toàn thắng và gần đây sự thành công bước đầu to lớn
trong công cuộc đổi mới, mở cửa đã thể hiện sự nhuần nhuyễn của Đảng ta trong
việc hoà quyện chặt chẽ cuộc đấu tranh giai cấp với đấu tranh vì sự nghiệp độc
lập và cường thịnh của dân tộc với sự nghiệp tiến tới xã hội XHCN văn minh và
hạnh phúc.
Những
lúc Đảng ta phạm sai lầm (đã kịp sửa chữa) chính là lúc có sự thiếu hụt, chưa
thật nhuần nhuyễn gắn bó hai mặt giai cấp với dân tộc, cường điệu mặt giai cấp,
chưa thấy đầy đủ yếu tố dân tộc, như thời gian đầu sau khi thành lập Đảng, hoặc
sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức...
Nhìn
vào các thế hệ đảng viên ta, từ người sáng lập Đảng đến các thế hệ ngày hôm
nay, tuyệt đại đa số, nếu không nói là gần như tất cả, đều bắt đầu từ lòng yêu
nước, giác ngộ về đấu tranh cho độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền đất nước, sự
phát triển của dân tộc mà đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và lý tưởng cộng sản. Rất
rõ ràng, tính giai cấp hoà quyện chặt chẽ với tính dân tộc, đó là điểm đặc sắc
phản ánh đúng nội dung bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta.
Vả
lại, khi Đảng ta khẳng định: Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền
tảng tư tưởng của Đảng (tức hệ tư tưởng của giai cấp công nhân nước ta) thì
điều đó đã có nghĩa là trong hệ tư tưởng của giai cấp công nhân nước ta có sự
kết hợp những giá trị cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin với những giá trị truyền
thống của dân tộc.
Sau
cùng, xin nói về vấn đề Đảng của ai? Đảng của ai và bản chất giai cấp của Đảng
là hai vấn đề đứng chung trên một gốc, nó dung hợp và bổ sung cho nhau. Hiểu
đúng bản chất giai cấp của Đảng thì sẽ nhận thức đúng Đảng là đảng của ai? Nếu
hiểu nội dung bản chất giai cấp của Đảng như đã trình bày thì sẽ thấy là hợp
lý, khi nói: Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội
tiên phong của dân tộc. Nói như vậy là hoàn toàn phù hợp và phản ánh đúng tư
tưởng của Hồ Chí Minh. Tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là đảng của
giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc
Việt Nam và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại đại hội
này, nói rõ: Đảng Lao động Việt Nam là đảng kiểu mới của giai cấp công nhân
Việt Nam... song, Đảng Lao động Việt Nam không chỉ là đội tiên phong và bộ tham
mưu của giai cấp công nhân mà thôi, nó cũng là đội tiên phong và bộ tham mưu
của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam.
Bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa