Gần đây, ở trong nước và nước ngoài, một số người nêu danh “nghiên cứu tư
tưởng Hồ Chí Minh”, đã truyền bá luận điểm Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chủ
nghĩa dân tộc. Họ giải thích tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng cách mạng
giải phóng dân tộc, không có tư tưởng đấu tranh giai cấp, không có tư tưởng về
cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Từ
tiền đề này, họ rút ra kết luận:
- Tư tưởng Hồ
Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin vì tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa
dân tộc, còn chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận đấu tranh giai cấp.
- Tư tưởng Hồ
Chí Minh đối lập với đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam vì tư tưởng Hồ Chí
Minh là chủ nghĩa dân tộc, còn đường lối của Đảng là theo tư tưởng đấu tranh
giai cấp “tả khuynh” của Quốc tế Cộng sản và của lãnh tụ các Đảng cộng sản lớn.
Thông qua lịch
trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh cùng những điều chỉnh Người nói về tư
tưởng của mình, chúng ta hãy xem luận điểm trên có phải là “tìm tòi sự thật”
hay là sự xuyên tạc lịch sử?
Hồ Chí Minh
sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, nghĩa tình nhân đức và thiết tha yêu
nước. Người được chứng kiến sự tàn bạo của thực dân, phong kiến và bản thân
cũng lớn lên trong khổ đau, hoạn nạn. Vì thế, Hồ Chí Minh sớm có lòng yêu nước,
thương dân. Hồ Chí Minh khâm phục tinh thần xả thân vì nước của các bậc tiền
bối trong cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám, trong phong trào Đông Du của Phan
Bội Châu, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh... nhưng với nhãn quan chính
trị độc lập và sáng suốt, Người không tán thành con đường cứu nước của các cụ
vì mỗi con đường đó đều có hạn chế, khó có thể đi đến thành công. Hồ Chí Minh
đi tìm con đường cứu nước mới với hành trang chỉ là chủ nghĩa yêu nước truyền
thống và một trí tuệ mẫn tiệp. Trải qua gần mười năm bôn ba khắp bốn biển năm
châu, nung nấu chí hướng cứu nước cứu dân, vừa lao động cùng những người anh em
chung cảnh ngộ, vừa hoạt động cách mạng, vừa học hỏi các tư tưởng mới..., nhận
thức của Hồ Chí Minh chuyển biến từng bước. Mùa thu năm 1920, Hồ Chí Minh được
đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của
Lênin. Luận cương của Lênin chỉ rõ cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi
phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Đó là chân lý của thời đại, là giải đáp
tuyệt vời điều Hồ Chí Minh đang trăn trở, tìm tòi. Từ đây, Hồ Chí Minh xác định
muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách
mạng vô sản. Cũng từ đây, Hồ Chí Minh tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin - học
thuyết bất hủ chỉ ra con đường giải phóng giai cấp vô sản và các giai cấp lao
động khác, giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng con người, trở thành
một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam
đầu tiên.
Sự chuyển biến
tư tưởng từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến chủ nghĩa yêu nước theo lập
trường giai cấp vô sản là một quá trình hợp quy luật. Đúng như đồng chí Phạm
Văn Đồng coi việc chủ nghĩa yêu nước truyền thống Hồ Chí Minh bắt gặp chữ nghĩa
Mác - Lênin là cuộc “hẹn gặp lịch sử”, hoàn toàn không phải như có người cố
tình xuyên tạc rằng đó là một sự lai ghép cưỡng bức, vội vàng giữa cái cây
truyền thống với cái mầm ngoại nhập”, tạo thành một “ảo ảnh”, mang “tính chất
huyễn diệu”... !
Chính Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã viết về quá trình đó như sau:
Lúc đầu, chính
là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo
Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên
cứu lý luận Mác- Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng
chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị
áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Tiếp thụ chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh không thụ động, mà dùng lập
trường, quan điểm, phương pháp Mác - Lênin, vận dụng và phát triển những nguyên
lý, quy luật chung của cách mạng thế giới vào đặc điểm tình hình các nước thuộc
địa, trong đó có Việt Nam. Những luận điểm về chủ nghĩa đế quốc như một con đỉa
có hai vòi, tính chủ động và khả năng thành công trước của cách mạng thuộc địa,
nội dung chủ yếu của cách mạng thuộc địa, quy luật thành lập Đảng ở các nước
thuộc địa, v.v...là những cống hiến lý luận to lớn của Hồ Chí Minh đối với
phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.
Ngay từ năm
1924, Hồ Chí Minh đã khẳng định đối với các dân tộc thuộc địa ở phương Đông,
“Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”. Phải chỉ rõ rằng Hồ Chí Minh
đánh giá cao động lực của chủ nghĩa dân tộc, nhưng chủ nghĩa dân tộc theo quan
niệm của Hồ Chí Minh không phải là chủ nghĩa dân tộc theo lập trường phong kiến
hay tư sản, mà đây là chủ nghĩa dân tộc theo lập trường vô sản.
Hồ Chí Minh đã
nghiên cứu kỹ các cuộc cách mạng trên thế giới, đánh giá tính chất từng cuộc
cách mạng ở từng nước, để tìm con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Với
cách mạng Mỹ, Người cho rằng: “Trong lời tuyên ngôn của Mỹ có câu rằng, giời
sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn cho
sung sướng... Hễ Chính phủ nào mà có hại cho dân chúng phải đạp đổ Chính phủ ấy
đi, và gây nên Chính phủ khác. Nhưng bây giờ Chính phủ Mỹ lại không muốn cho ai
nói đến cách mạng, ai đụng đến Chính phủ. Về cách mạng tư sản Pháp, Người chỉ
rõ: “tư bản nó dùng chữ Tự do, Bình đẳng, Đồng bào để lừa dân, xúi dân đánh đổ
phong kiến. Khi dân đánh đổ phong kiến rồi, thì nó lại thay phong kiến mà áp
bức dân. Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách
mạng không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kì thực trong thì nó tước lục
công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Với Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng
Mười Nga, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga
là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh
phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc
chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản,
địa chủ, rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa
làm cách mạng để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới.
Người xác định cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường của Cách mạng Tháng
Mười. Với tác phẩm Đường cách mạng thì đường lối cách mạng giải phóng dân tộc
của Hồ Chí Minh đã được xác định về cơ bản.
Trong những năm
20 thế kỷ XX, Hồ Chí Minh ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào
công nhân và phong trào yêu nước để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng. Cùng với
việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã chuẩn bị về đường lối cho cách
mạng Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, nước ta từ khi Pháp xâm lược đã trở thành một
nước thuộc địa nửa phong kiến. Trong xã hội đó, chứa đựng cả mâu thuẫn dân tộc
và mâu thuẫn giai cấp nhưng mâu thuẫn dân tộc nổi lên gay gắt nhất, giải phóng
dân tộc là mục tiêu cơ bản và trước hết, chống đế quốc và tay sai giải phóng
dân tộc đã đã bao hàm nội dung giải phóng giai cấp nhưng chưa triệt để. Muốn
củng cố thành quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và triệt để giải phóng
giai cấp, giải phóng con người, phải thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Người nói: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc
lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” và chủ trương: “chúng ta đã hy sinh làm cách
mạng, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mạng rồi thì quyền giao
cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một số ít người. Thế mới khỏi hy sinh
nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Chủ nghĩa xã hội theo Hồ Chí Minh
là một xã hội mọi người dân đều có cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do; đất nước
được hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Độc lập dân tộc gắn
liền với chủ nghĩa xã hội là nội dung nổi bật và nhất quán trong tư tưởng Hồ
Chí Minh. Có thể khẳng định rằng: con đường hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh là
từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, được kết hợp với tư tưởng cách mạng tiên
tiến Mác - Lênin trở thành tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp,
giải phóng con người ở Việt Nam theo lập trường giai cấp công nhân.
Đầu năm l930,
Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng. Người trình bày dự
thảo Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt, được Hội nghị của
Đảng thông qua, trở thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Tuy còn “vắn tắt” nhưng
cương lĩnh đã nêu lên những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Cương lĩnh đầu
tiên của Đảng tuy mới là “vắn tắt”, nhưng đã bao quát được những vấn đề có ý
nghĩa định hướng về chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam. Nội dung Cương
lĩnh vừa thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa phù hợp
với hoàn cảnh và yêu cầu của cách mạng Việt Nam.
Ngay từ khi mới
ra đời, Đảng ta đã lấy chủ nghĩa - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng
tư tưởng. Song có thời gian do hạn chế về nhận thức, nên một số đồng chí không
quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng của Hội nghị thành lập Đảng.
Từ năm 1936, nhất là từ Hội nghị Trung ương sáu tháng 11 - 1939 đến Hội nghị
Trung ương tám tháng 5 - 1941, đường lối cách mạng của Đảng ta đã trở lại quán
triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và từ đó đường lối của Đảng ta luôn luôn thấm nhuần
tư tưởng của Người.
Những sử liệu
trên, dù mới chỉ được dẫn ra chưa đầy đủ và còn sơ lược, cũng đã chứng tỏ những
luận điệu như: tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chủ nghĩa dân tộc, không có nội dung
đấu tranh giai cấp; tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin; tư
tưởng Hồ Chí Minh đối lập với đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam... chỉ là
một sự bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử của những kẻ có mưu đồ chính trị đen
tối.
Hiện nay, các thế lực thù địch không từ thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta; dã tâm của chúng là không thay đổi. Do đó, cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của chúng để phòng ngừa.
Trả lờiXóa