Sau 25
năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII về chính sách Dân số -
Kế hoạch hoá gia đình và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp
luật của Nhà nước, công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình đã đạt
được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây
dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình
hình thế giới và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, đặc biệt
dân số nước ta đã xuất hiện những đặc điểm và những xu hướng mới, đòi hỏi
công tác dân số phải đổi mới. Trên cơ sở đánh giá sâu sắc tình hình,
Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII đã xác định “Tiếp tục chuyển trọng
tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Công
tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt
là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã
hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Với việc
chuyển trọng tâm này cho thấy hai điểm mới quan trọng trong chủ trương
của Đảng về công tác dân số.
Một là, phạm vi của công tác dân số rộng
hơn, hướng đến giải quyết toàn diện và căn bản hơn các vấn đề về
dân số.
Nếu
trước đây, chính sách DS-KHHGĐ, chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục
tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với sáu nội dung: “Duy
trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự
nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân
bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước
nhanh, bền vững”. Những nội dung này vừa giải quyết những vấn
đề dân số đang đặt ra hiện nay, vừa hướng đến tương lai.
Tuy
nhiên, với chủ trương mới này, Đảng xác định chuyển trọng tâm, chứ
không phải là từ bỏ kế hoạch hoá gia đình, mà kế hoạch hoá gia đình được
thực hiện theo phương thức mới. Trong định hướng chính sách dân số mới, “Duy
trì mức sinh thay thế” là nội dung đầu tiên. Để trung bình số con của mỗi bà mẹ
khoảng 2,0-2,1, cần phải áp dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, tức
là không từ bỏ kế hoạch hoá gia đình. Vấn đề là cần tổ chức kế hoạch hoá
gia đình theo phương thức mới. Đó là “giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức
sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh
thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh
thấp”.
Hai là, tư duy “dân số và phát triển”.
“Dân
số và phát triển” là một tư duy hoàn toàn mới về công tác dân số.
Trước kia, tư duy về công tác dân số là “Dân số - Kế hoạch hoá gia
đình”, chỉ quan tâm thực hiện một nội dung đó là giảm tỷ lệ sinh để
không bùng nổ dân số, nhưng “Dân số và phát triển” đòi hỏi giải
quyết toàn diện và căn bản các vấn đề dân số nhằm duy trì, bảo vệ
giống nòi quốc gia, dân tộc và gắn liền với trình phát triển bền
vững của đất nước. Do đó, công tác dân số vừa phải giải quyết nhiều
nội dung, vừa duy trì vững chắc mức sinh thay thế, cải thiện tầm vóc
người Việt nhằm duy trì, bảo vệ giống nòi, cung cấp nguồn lao động
xã hội, vừa phải kiểm soát được vấn đề di dân, tích tụ dân số ở
các đô thị nhằm giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường;
khai thác tiềm lực lao động của thời kỳ cơ cấu dân số vàng để tăng
năng suất, tăng tích luỹ, đồng thời chuẩn bị tốt về an sinh xã hội
để thích ứng với xã hội già hoá dân số. Đặc biệt, công tác dân số
cần quan tâm giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm
đảm bảo cấu trúc dân số trong tương lai và nâng cao chất lượng dân số.
Như
vậy, với tư duy “dân số và phát triển”, các nội dung công tác dân số
vừa phải giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa phải mang tầm chiến
lược; gắn liền với mọi quá trình kinh tế - xã hội, đáp ứng được
yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa