Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay


Trải qua gần 87 năm lãnh đạo cách mạng nước ta, cùng với những thành tựu to lớn; trong Đảng cũng bộc lộ một số khuyết điểm, hạn chế; trong đó có những hạn chế nội tại “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, sa sút ý chí chiến đấu gây ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực…” (trích Văn kiện Đại hội X năm 2006). Xuất phát từ thực trạng trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết TW4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” để tích cực, chủ động khắc phục, sửa chữa các hạn chế, tồn tại về thực trạng trên. Có thể nói Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cũng đã “rung” một hồi chuông reo dồn dập vào công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng nhằm tập trung mũi nhọn, sự thống nhất ý chí, quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực…
Đến Đại hội XII, Đảng ta thẳng thắn đánh giá “vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thậm chí ở một số bộ phận còn tinh vi, phức tạp hơn, không chỉ dừng lại ở cấp cơ sở mà còn ở một số cơ quan TƯ, các tập đoàn kinh tế…”. Trước tình hình trên, ngày 30/10/2016, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội  bộ” đã được ban hành để đưa công tác xây dựng Đảng, chống tiêu cực, suy thoái lên một bước cao hơn, quyết liệt hơn, thể hiện quyết tâm chính trị, ý chí nhất quán của Đảng ta trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa có những diễn biến phức tạp. Thêm vào đó là những diễn biến mới của tình hình khu vực, thế giới; sự chống phá và các âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nhiều cán bộ, đảng viên lơ là, mất cảnh giác với các thủ đoạn, âm mưu của các thế lực thù địch. Tình trạng tham nhũng, các vụ việc tiêu cực trong xã hội làm cho một bộ phận nhân dân nghi ngờ, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong xã hội xảy ra một số vụ việc tiêu cực điển hình, tham nhũng ở quy mô lớn, cán bộ cấp cao như: Trịnh Xuân Thanh - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Dương Chí Dũng - Nguyên Chủ tịch tập đoàn Vinaline, Dương Tự Trọng - em trai Dương Chí Dũng - Nguyên Đại tá, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát trật tự xã hội….. Tất cả những yếu tố trên cho thấy việc Đảng ta tiếp tục ban hành một Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là hết sức cấp thiết. Hơn nữa, so với Nghị quyết TW 4 khóa XI, Nghị quyết TW4 khóa XII đã thể hiện sự kiên quyết hơn với các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp rõ ràng thiết thực hơn, thể hiện sự trưởng thành hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng.
Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết TW4 khóa XII là đã nhận diện, chỉ rõ được các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa để các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên “soi chiếu” tự phê bình và phê bình.Trong bài viếtnày, tôi xin đi vào phân tích những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị đạo đức lối sống. Bởi chính sự suy thoái này sẽ nhanh dẫn đến  “tự chuyển hóa, tự diễn biến”.
          Thứ nhất, là suy thoái về tư tưởng chính trị.
Sự suy thoái này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, khách quan có, chủ quan có. Suy thoái về tư tưởng chính trị thường biểu hiện ở chỗ: Dao động về lý tưởng, mục tiêu và con đường đi lên CNXH, hoài nghi, không tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, không kiên định lập trường, quan điểm, làm xuất hiện chủ nghĩa cơ hội. Từ đó dẫn đến “đặt cái tôi lên trên hết”; thích xem xét lại quá khứ, nặng về phê phán, chỉ trích các khuyết điểm mà không tính đến hoàn cảnh lịch sử cụ thể; nói và làm không đúng với Nghị quyết; ít coi trọng sinh hoạt đảng, không đặt mình dưới sự quản lý, giám sát của tổ chức; báo cáo không trung thực, không nghiêm khắc tự phê bình và phê bình ...
Trong vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị chúng ta cần phải lưu ý rằng, “tự suy thoái”, “tự diễn biến” là chính, dù có những tác động ngoại cảnh. Bởi vậy, suy thoái về tư tưởng chính trị là sự suy thoái rất khó nhận biết, khó phát hiện, diễn ra thầm lặng trong mỗi con người cán bộ, đảng viên. Nếu chỉ căn cứ và lời nói, việc làm thì khó thấy rõ; nhiều người nói thì rất đúng quan điểm, nhưng hành động lại khác; phổ biến hướng dẫn công việc cho người khác một đường nhưng khi làm lại là đường khác; có người quản lý còn “hữu khuynh”, “thiên vị”, biết cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc làm sai nhưng không dám xem xét hoặc điều chỉnh (vì nhiều lý do). Hậu quả là công việc không chạy, tồn đọng kéo dài, gây bất bình cho đối tác và những người xung quanh, làm suy giảm lòng tin với các cấp lãnh đạo, là mầm mống sinh ra mất đoàn kết nội bộ.
Thứ hai, suy thoái về đạo đức, lối sống.
Hiện nay, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có dấu hiệu gia tăng; tập trung vào những điểm: sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng; có thái độ vô trách nhiệm, chỉ lo vun vén cá nhân, kiếm lợi trước mắt, bỏ qua lợi ích lâu dài.
Đáng lo ngại là lối sống này xuất hiện nhiều ở cán bộ, đảng viên trẻ, ít được rèn luyện, ít được thử thách qua thực tiễn (sống dựa vào có người nâng đỡ); nó còn xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đã qua thử thách trong chiến đấu, sản xuất nay có chức, có quyềnđược làm những công việc nhạy cảmcó thể tư lợi…Biểu hiện rõ nét nhất là: Lối sống cơ hội; “chạy chọt”, bệnh thành tích, bệnh nói dối, thích nghe thành tích và “xu nịnh”,ngại nghe sự thật. Đạo đức nghề nghiệp không được đề cao và gương mẫu thực hiện...
Về mối quan hệ giữa sự suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống.
Suy thoái về tư tưởng chính trị gắn với suy thoái đạo đức, lối sống, hai mặt này gắn bó và tác động qua lại với nhau. Chúng ta có thể xác định suy thoái tư tưởng chính trị qua đạo đức, lối sống và cũng có thể nhìn vào đạo đức, lối sống để nhận biết được suy thoái về chính trị tư tưởng trong mỗi cán bộ, đảng viên. Và cả hai loại suy thoái này đều đem lại những tổn hại nghiêm trọng cho xã hội, ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước. Vì vậy, nhận diện tốt các suy thoái, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Nâng cao lập trường tư tưởng bản thân, kiên định và kiên quyết chống những luận điệu xuyên tạc Đảng, Nhà nước và chế độ. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng ở cơ sở để từ đó tích cực tham gia vào công tác này, đẩy lùi những tiêu cực góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.


1 nhận xét: