Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

NHẬN DIỆN CÁC HƯỚNG TIẾN CÔNG CHỦ YẾU CỦA “CHIẾN TRANH TÂM LÝ” DO CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC VÀ CÁC THẾ LỰC PHẢN ĐỘNG TIẾN HÀNH


Mục tiêu của chiến tranh tâm lý do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động tiến hành được thực hiện nhằm tiến công vào tất cả các lĩnh vực đời sống mỗi quốc gia dân tộc đối phương, như: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, và ngoại giao.
Hướng thứ nhất, tiến công vào lĩnh vực kinh tế của đối phương, vấn đề kinh tế trong chiến tranh tâm lý không chỉ đơn thuần là những gì về vật chất phục vụ cuộc sống con người, mà trong con mắt của các nhà kinh tế học, mà nó mang sắc thái của cuộc đấu tranh giai cấp. Xuất phát từ vai trò to lớn của kinh tế đối với sự thành bại của mỗi quốc gia, đặc biệt là vai trò quyết định của kinh tế trong chiến tranh, nhất là chiến tranh hiện đại. Xét một cách tổng thể tương quan so sánh lực lượng giữa hai chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, thì chủ nghĩa tư bản đang tạm thời chiếm ưu thế, kẻ địch có sự vượt trội hơn về kinh tế so với các nước có chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chủ nghĩa đế quốc vẫn chủ trương âm mưu thôn tính các nước bằng thủ đoạn tấn công vào lĩnh vực này bởi tầm quan trọng quyết định của kinh tế trong chiến tranh cũng như trong cạnh tranh chiếm giữ vị trí lãnh đạo thế giới của chúng. Hiện nay, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa bị thu hẹp, các nước còn lại cơ bản đang phát triển theo xu hướng tư bản chủ nghĩa. Triệt để lợi dụng ưu thế và sức mạnh kinh tế của mình, các nước tư bản chủ nghĩa đang ra sức thâm nhập hoà bình bằng các thủ đoạn kinh tế tiến tới chuyển hoá các nước xã hội chủ nghĩa còn lại phát triển theo con đường tư bản. Mặt khác, nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường sẽ không thể tránh khỏi những mặt hạn chế và tiêu cực, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự tấn công của chủ nghĩa tư bản vào cơ sở của đời sống kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa nhằm đạt được âm mưu của chúng.
Trong những năm qua chúng ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế. Song, so sánh với xu thế và trình độ phát triển của nền kinh tế nhiều nước trên thế giới thì nền kinh tế của ta còn lạc hậu và là nước kém phát triển. Do đó, chủ nghĩa đế quốc thường xuyên, triệt để lợi dụng những sơ hở, khiếm khuyết của ta để tiến hành các hoạt động xâm nhập, phá hoại, kìm hãm, chuyển hoá nền kinh tế phát triển chệch hướng theo con đường tư bản chủ nghĩa, hoặc làm cho nước ta trở thành một thị trường lệ thuộc vào chúng. Trên thực tế cuộc chiến tranh tâm lý trên lĩnh vực kinh tế của chủ nghĩa đế quốc đối với Việt Nam đang diễn ra với nhiều thủ đoạn hết sức phức tạp và tinh vi như: ngăn cản, phá ta về cơ sở vật chất, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng kinh tế nói chung và kinh tế quân sự nói riêng…vv, và thông qua sự chống phá ta trên lĩnh vực kinh tế để làm cơ sở chống phá trên các lĩnh vực khác, lĩnh vực chính trị, xã hội và văn hoá. Nghiên cứu các thủ đoạn của chiến tranh tâm lý trên lĩnh vực kinh tế đối với nước ta, có thể thấy nổi lên một số nội dung cơ bản đó là: Sử dụng các thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc đi tới xoá bỏ các quan điểm tư tưởng kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách, chủ trương xây dựng và phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta; Sử dụng ưu thế sức mạnh kinh tế làm công cụ đắc lực thúc đẩy nhanh nền kinh tế của chúng ta đi chệch hướng khỏi quỹ đạo xã hội chủ nghĩa. Đây là những âm mưu, thủ đoạn mà chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ thường xuyên đặt ra hàng đầu nhằm chống phá cách mạng nước ta nói chung và phá hoại cơ sở kinh tế của nước ta nói riêng, nhất là trong xu thế tất yếu của thời đại là hợp tác, giao lưu quốc tế ngày càng đang được mở rộng. Bởi vậy, chúng ta cần luôn luôn cảnh giác đấu tranh nhằm làm thất bại âm mưu thâm độc này của chúng.
Hướng thứ hai, tiến công vào chính trị và hệ thống chính trị của các nước đối lập với chúng. Nhận thức rõ chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Mục tiêu cơ bản của chiến tranh tâm lý chính là nhằm chuyển hoá hoặc lật đổ chính quyền của các nước đối phương không phải bằng bạo lực mà bằng các biện pháp “mềm” như: tư tưởng, tâm lý. Theo các nhà phân tích tâm lý học quân sự thì “hướng tấn công này có tiền duyên cực kỳ rộng và trung thâm cực kỳ sâu”[1]. Mục tiêu cơ bản của mũi tấn công này là nhằm vào chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh hòng làm mất phương hướng chính trị và đập tan các giá trị của chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng với nó là sự tuyên truyền khêu gợi đi theo con đường thứ ba lấy tư tưởng xã hội dân chủ thay thế chủ nghĩa xã hội. Đứng trên lập trường quan điểm Mác xít các nhà nghiên cứu tâm lý học quân sự Việt Nam khẳng định: “Trọng điểm của hướng tấn công của chiến tranh tâm  lý vào hệ thống chính trị là Đảng Cộng sản, vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, tức vào hạt nhân của hạt nhân lãnh đạo”[2]. Thực chất của việc tấn công vào chính trị và hệ thống chính trị là cuộc đấu tranh giai cấp một mất một còn giữa Đảng Cộng sản và các thế lực thù địch xoay quanh vấn đề chính quyền, nhà nước. Bởi vậy, trong cuộc đấu tranh này Đảng ta đặc biệt coi trọng các biện pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu thâm độc của kẻ thù, trong đó chủ trương không ngừng hoàn thiện làm trong sạch bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Hướng thứ ba, vấn đề nhân quyền là một mục tiêu của chiến tranh tâm lý. Vấn đề quyền con người đã được mỗi quốc gia khẳng định, thừa nhận và đưa vào hiến pháp của mình nhằm bảo vệ quyền đó cho mỗi công dân của mình. Tuy nhiên, chủ nghĩa đế quốc đã lợi dụng vấn đề nhân quyền, quyền con người để đưa ra các chiêu bài bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền hòng thao túng, điều khiển, lôi kéo, áp đặt hoặc trừng phạt theo mục đích của chúng. Thực chất bảo vệ nhân quyền là các thế lực thù địch khuyến khích, kích động và bảo vệ các hoạt động chống đối công khai về chính trị đối với các nước đối phương. Trên thực tế thời gian gần đây việc tấn công trên hướng này đã diễn ra ở nước ta và một số nước khác trên thế giới, điều đó đã chứng tỏ chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động luôn tích cực áp dụng chiêu bài này nhằm tạo cớ gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, làm mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, tạo ra trong xã hội một bộ phận bàng quan, thờ ơ chính trị, tạo ra những lực lượng gây rối, chống đối lại chế độ, khi cần thiết có thể can thiệp vào độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia của các nước. Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn và các hướng tấn công của kẻ thù Đảng ta đã vận dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh, tỉnh táo, kiên quyết và mềm dẻo nhằm tránh để kẻ địch lợi dụng những sơ hở, yếu kém gây ra tình trạng mất ổn định về chính trị, kinh tế, rối loạn trật tự an toàn xã hội.
Hướng thứ tư, tâm lý xã hội được coi là tiêu điểm tác động của chiến tranh tâm lý, cùng với hệ tư tưởng, tâm lý xã hội là một bộ phận cấu thành ý thức xã hội của mỗi quốc gia. Mục tiêu của chiến tranh tâm lý là con người và tâm lý của con người với tất cả sự phức tạp, phong phú đa dạng của nó. Tâm lý xã hội là những hiện tượng tâm lý, những quy luật tâm lý được hình thành trong các quan hệ giữa con người với con người trong xã hội. Đó là các hiện tượng như: nhu cầu tập thể, tình cảm giai cấp, ý chí quần chúng, tâm trạng và dư luận xã hội, tính cách dân tộc của nhóm, đoàn thể, tổ chức và các thành viên trong nhóm... Tâm lý xã hội là sự phản ánh của tồn tại xã hội, của điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội và nó có quan hệ chặt chẽ với hệ tư tưởng. Trong tâm lý xã hội còn bao hàm cả những yếu tố, những hiện tượng tâm lý mang tính giai cấp và không mang tính giai cấp. Song có thể khẳng định các hiện tượng tâm lý xã hội có tác động rất to lớn đến đời sống tâm lý của cá nhân và toàn xã hội nhất là dư luận và tâm trạng xã hội...vv.
Xuất phát từ vai trò to lớn của tâm lý xã hội và mối quan hệ của nó đối với hệ tư tưởng như đã đề cập trên đây, mà kẻ địch triệt để sử dụng các hình thức, biện pháp nhằm tác động vào các hiện tượng tâm lý xã hội nhằm phục vụ cho những ý đồ đen tối của chúng hòng làm thay đổi ý thức xã hội của quần chúng nhân dân ở các nước đối phương theo hướng có lợi cho chúng.
 Hướng thứ năm, tiến công phá hoại sự đoàn kết thống nhất cộng đồng trong những quốc gia đa dân tộc. Do sự phát triển và hợp tác giao lưu quốc tế ngày càng được mở rộng, sự di dân tự do, hoặc luật định cư ở nước ngoài của nhiều nước cho phép, đã dẫn đến ở các nước đã xuất hiện nhiều tộc người khác nhau làm cho một số quốc gia trở thành những nước đa sắc tộc, kéo theo sự đấu tranh, xung đột dân tộc, sắc tộc, nạn phân biệt chủng tộc trên thế giới đã và đang diễn ra hết sức phức tạp và ngày càng gay gắt, ngày nay vấn đề đó đang trở thành nguy cơ của nhân loại.
Lợi dụng tâm lý và tình cảm dân tộc, chủ nghĩa đế quốc sử dụng chiêu bài chiến tranh tâm lý nhằm tuyên truyền, bịa đặt nhằm khoét sâu những mâu thuẫn, thù hằn dân tộc, lợi dụng trình độ dân trí thấp, sự kém hiểu biết và đời sống kinh tế còn khó khăn ở một số vùng núi cao, vùng dân tộc ít người, kẻ địch đã dung túng, gây dựng và làm hậu thuẫn cho một số tổ chức phản động làm “nội ứng” tiến hành biểu tình, đòi li khai gây mất ổn định trong các quốc gia này.
Một số thủ đoạn mà kẻ địch thường sử dụng ở Việt Nam chúng ta là, phá hoại mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; tuyên truyền kích động tâm lý dân tộc theo hướng cực đoan, kích động tư tưởng hận thù dân tộc, tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa; xây dựng và tổ chức hậu thuẫn, nuôi dưỡng các lực lượng chống đối; thông qua con đường kinh tế, ngoại giao và một số tổ chức quốc tế để áp đặt những quan niệm và giá trị tư sản phản động; khuyến khích phát triển chủ nghĩa cá nhân...vv.
Hướng thứ sáu, sự thẩm thấu của văn hoá tư sản trong chiến tranh tâm lý. Mỗi quốc gia, dân tộc đều có nền văn hoá mang đậm màu sắc của mình. Văn hoá là tổng thể những nét đặc trưng tiêu biểu nhất của một xã hội, được thể hiện trên các mặt của đời sống vật chất, tinh thần, tri thức, tình cảm, biểu hiện sức sống, sức sáng tạo của một dân tộc, một quốc gia. Văn hoá được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, nó được thấm nhuần trong mỗi con người và trong cả cộng đồng, được lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau. Từ vị trí, vai trò to lớn của văn hoá, kẻ địch đã lợi dụng văn hoá và sử dụng nó như một công cụ, một thứ vũ khí để tấn công vào các nước đối phương trong chiến tranh tâm lý. Bằng những thủ đoạn như tự cho mình là những người của thế giới văn minh, cho nên cần phải có trách nhiệm đi khai hoá văn minh cho các dân tộc khác, tự tâng bốc xã hội tư sản, văn hoá tư sản làm cho các tầng lớp nhân dân các nước đối phương bị ảnh hưởng của các giá trị văn hoá tư sản, quay lưng lại với các giá trị văn hoá truyền thống.
Ở nước ta, những ảnh hưởng của văn hoá xấu độc tư sản là không thể coi thường, nhất là nguy cơ đối với tầng lớp và bộ phận dân cư nhất là lớp trẻ. Những tư tưởng thực dụng, lối sống buông thả, sa đoạ, ích kỷ, hư vô, cá nhân chủ nghĩa, chạy theo những giá trị vật chất đơn thuần xa rời các giá trị, chuẩn mực văn hoá truyền thống của dân tộc, những tệ nạn xã hội khác như mê tín, dị đoan, những tập tục cổ hủ lạc hậu đang có chiều hướng phục hồi và phát triển. Chắc rằng sự xâm nhập của văn hoá tư sản sẽ còn diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn và hình thức đa dạng khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác, đề phòng và có những biện pháp hữu hiệu để đấu tranh chống lại chúng.



[1]Hoàng Đình Châu (chủ biên), Ngô Minh Tuấn, Nguyễn Đình Gấm (2002), Chiến tranh tâm lý và chống chiến tranh tâm lý, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 44.
[2] Sđd, tr. 46.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải tích cực đấu tranh vạch trần bộ mặt nhơ bẩn của bọn phản động thông qua các bình luận ở các tài khoản của bọn chúng.

    Trả lờiXóa