Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, ĐỐI PHÓ VỚI “CHIẾN TRANH TÂM LÝ” CỦA CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC VÀ CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH


  Chiến tranh tâm lý gắn liền với sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa đế quốc. Nó manh nha xuất hiện từ khi xã hội có giai cấp và sự phân chia giai cấp, nhất là khi chủ nghĩa xã hội hiện thực xuất hiện và trở thành đối trọng của chủ nghĩa đế quốc, thì sự chống đối của chúng càng trở nên quyết liệt hơn hòng đánh đổ sự hiện diện của chế độ mới.
Theo nghĩa rộng thì chiến tranh tâm lý đồng nhất với cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Đó là sự kế tục của chính trị, là phương tiện và phương thức đấu tranh tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc. Theo nghĩa hẹp, chiến tranh tâm lý chẳng qua chỉ là một hệ thống tác động tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc nhằm vào ý thức con người chủ yếu thông qua lĩnh vực tâm lý - xã hội. Đó là hệ thống các tác động phá hoại về tâm lý, tung tin đồn nhảm, đe doạ, khuyếch trương thanh thế…nhằm gây sức ép tâm lý với “đối phương”, khiến cho đối phương mất phương hướng và suy yếu về sức mạnh vật chất cũng như tinh thần.
Các thủ đoạn tiến hành chiến tranh tâm lý của chủ nghĩa đế quốc mang đặc trưng chung là “dối trá và lừa lọc”, tận dụng mọi thành tựu của tâm lý học, kết hợp với dụ dỗ, mua chuộc, hoặc đe doạ, khống chế, nhằm thực hiện tham vọng bóp méo sự thật, tạo ra các quan niệm sai lệch về thực tại, hình thành trong ý thức con người những quan điểm, tư tưởng thù địch với chủ nghĩa xã hội. Phương tiện được quan tâm nhiều nhất, giữ vai trò chủ đạo trong chiến tranh tâm lý là các phương tiện thông tin đại chúng như các hãng phát thanh, truyền hình, thông tấn báo chí, điện ảnh…Đây là những phương tiện được coi là công cụ có sức mạnh thứ tư của một quốc gia ngoài phương tiện ngoại giao, kinh tế và quân sự.
Khẳng định chiến tranh tâm lý và chống chiến tranh tâm lý là vấn đề có từ rất sớm, nguồn gốc của nó là từ sự ra đời của giai cấp và đấu tranh giai cấp trong lịch sử nhân loại. Mục đích là nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị xã hội. Chiến tranh tâm lý là vấn đề xã hội mang tính lịch sử. Chiến tranh tâm lý là một vấn đề vô cùng phức tạp, là một phần trong hệ thống các biện pháp tác động của chủ nghĩa đế quốc vào đối phương, trong đó kẻ địch luôn chú trọng đánh vào lĩnh vực tư tưởng, tâm lý - xã hội, làm lung lay hệ tư tưởng và các truyền thống phong tục tập quán, đạo đức lối sống của con người đối phương, dẫn đến làm tê liệt và mất ý chí chiến đấu.
Để phòng ngừa, đối phó với chiến tranh tâm lý của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó cần chú ý một số biện pháp sau:
Một là, tổ chức nắm vững những diễn biến của các hiện tượng tâm lý xã hội, chú ý định hướng dư luận và khắc phục tin đồn. Các hiện tượng tâm lý xã hội luôn là những vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Kẻ địch thường tấn công vào những nơi, những vùng mà chúng cho rằng có sự “mù mờ” nhất trong mỗi con người xã hội. Đó là các hiện tượng tinh thần, tâm lý cá nhân, tâm lý xã hội. Trên cơ sở đó chúng xuyên tạc, bôi nhọ về Đảng, Nhà nước, về cá nhân các nhà lãnh đạo, gây ra sự chia rẽ nội bộ, tâm trạng hoài nghi trong nhân dân, đặc biệt là đối với nhân dân những nơi có trình độ dân trí thấp, thiếu thông tin. Trong các hiện tượng tâm lý xã hội thì dư luận được coi như là một kết cấu đặc thù của ý thức cộng đồng, là trạng thái tâm lý của tập thể ở những thời điểm khác nhau với những mong muốn chủ quan của con người. Dư luận xã hội là những luồng ý kiến đánh giá chung của quần chúng trong các tập thể xã hội, biểu thị những quan điểm, thái độ của mình đối với các sự kiện, hiện tượng diễn ra trong xã hội có liên quan tới nhu cầu, lợi ích của cá nhân và cộng đồng, thể hiện những giá trị, chuẩn mực mà con người sống và hoạt động.
Vấn đề tin đồn cũng là một hiện tượng tâm lý xã hội phức tạp nảy sinh trong cuộc sống cộng đồng. Tin đồn thường xuất phát từ những thông tin không chính thức, đó là những thông tin không rõ ràng, thậm chí có thể chỉ là những thông tin xuất phát từ trí tưởng tượng của một cá nhân được lan truyền bằng con đường không chính thức như rỉ tai, to nhỏ, ngấm ngầm, nửa kín, nửa hở. Tin đồn thường mang màu sắc chủ quan của người truyền tin. Vì vậy, trong chiến tranh tâm lý kẻ địch thường rất hay sử dụng thủ đoạn tung tin, đồn nhảm thất thiệt vào trong nội bộ quần chúng nhân dân và quân đội nước đối phương, nhằm thao túng nhận thức, lẫn lộn thật giả, gây ra trạng thái tâm lý nghi ngờ, hoang mang, dao động, làm náo loạn trật tự xã hội, làm tê liệt sản xuất, chia rẽ tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong cộng đồng dân cư và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.
Để chống lại các tin đồn diễn ra trong các tập thể xã hội, cần phải thường xuyên bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, có định hướng cho quần chúng nhân dân theo các quan điểm của Đảng và yêu cầu của xã hội. Khi xuất hiện tin đồn cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân nguồn phát tin, người đưa tin ban đầu, ngăn chặn không để tin đồn lan rộng, sử dụng các biện pháp tâm lý xã hội để xử lý khắc phục tin đồn như yêu cầu người tung tin cải chính, dùng người có uy tín, kinh nghiệm về vấn đề đó để giải thích cho mọi người hiểu rõ sự thật, đồng thời phát huy vai trò của các cán bộ chủ trì, cán bộ nòng cốt trong đơn vị trong việc tạo ra những dư luận tập thể tích cực, ngăn chặn dư luận tiêu cực và tin đồn thất thiệt xuất hiện trong tập thể và xã hội.
Hai là, xây dựng “sự miễn dịch tâm lý” trong các tầng lớp nhân dân, kể cả trong nội bộ Đảng và mỗi đảng viên. Miễn dịch tâm lý là một trong những phẩm chất chính trị, tư tưởng, phẩm chất tâm lý quan trọng để vô hiệu hoá và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù. Đây là yếu tố, là phương tiện và là vũ khí ngăn ngừa “sự miễn dịch tâm lý”. Một khó khăn cho việc xây dựng sự miễn dịch tâm lý hiện nay ở nước ta là: một mặt vừa phải thực hiện đường lối “mở cửa” và chính sách ngoại giao đa phương, mặt khác phải thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những mặt tích cực và cả những tác động tiêu cực từ mặt trái của nó. Do đó, đặt ra cho Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội cần phải thường xuyên tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục xây dựng cho được “sự miễn dịch tâm lý” chống lại sự xâm nhập, phá hoại của những nọc độc chiến tranh tâm lý trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quá trình xây dựng tạo ra sự miễn dịch tâm lý phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng nhằm bảo vệ vững chắc trận địa ý thức hệ của Đảng và nhân dân ta. Thực chất của quá trình xây dựng “sự miễn dịch tâm lý” là: trên cơ sở xây dựng một nền tảng chính trị - tư tưởng vững chắc, nhân dân ta tự xây dựng cho mình khả năng chống lại các tư tưởng văn hoá xấu độc, tăng cường chất đề kháng cho cơ thể, sử dụng mọi biện pháp ngăn cản, chặn đường bịt lối, loại bỏ sự gia nhập của các tư tưởng, văn hoá lối sống độc hại vào con người xã hội.
Tuy nhiên cần phải xác định rằng, tạo ra sự miễn dịch tâm lý cho con người trước những âm mưu tấn công của chiến tranh tâm lý là một vấn đề hết sức phức tạp, khó khăn nhưng vô cùng cần thiết đối với bất kỳ quốc gia nào. Muốn thực hiện tốt giải pháp này trước hết phải tiến hành vạch trần những âm mưu thâm độc của “chiến tranh tâm lý” từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong nhân dân, phải chuyển một cách cơ bản tâm trạng bất lợi hiện nay trong xã hội thành tâm trạng tích cực như tạo ra sự hồ hởi, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước đang diễn ra đã và đang thu được nhiều thành tựu to lớn. Sử dụng và phát huy hiệu quả của tất cảc các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, đấu tranh. Xây dựng và đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng trong nhân dân, hạn chế và loại bỏ những tác động tiêu cực do chiến tranh tâm lý đem lại.
Ba là, tổ chức xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong các tập thể và trong toàn xã hội. Môi trường văn hoá lành mạnh chính là nơi nuôi dưỡng và hoàn thiện những giá trị văn hoá trong nhân cách, tạo ra sức đề kháng ngăn chặn sự chống phá của chiến tranh tâm lý, sự thâm nhập của nọc độc văn hoá tư sản vào mỗi con người và toàn xã hội.
Để xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh đủ sức chống lại những tác động của chiến tranh tâm lý cần đảm bảo một số yêu cầu sau đây:
Thường xuyên có những tác động tích cực tới mọi thành viên bằng cách làm cho họ thấm nhuần những giá trị văn hoá truyền thống, tích cực đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực, những yếu tố phản giá trị văn hoá trong môi trường văn hoá cộng đồng; Hình thành tâm trạng tích cực, bầu không khí tâm lý lành mạnh trong các tập thể và ngoài xã hội.
 Nâng cao trình độ nhận thức về văn hoá nghệ thuật cho mọi người, xây dựng và lưu truyền những giá trị văn hoá truyền thống, lòng tin, niềm tự hào của mỗi cá nhân, đồng thời giúp con người biết phân biệt, phê phán những thái độ hành vi phản văn hoá, phát triển sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
 Xây dựng hệ thống các chuẩn mực giá trị văn hoá, trong đó cần chú ý xây dựng các giá trị thuộc nhân tố dân tộc, giai cấp, nhân loại, làm cho các giá trị của nhân tố đó hoà quyện chặt chẽ, tạo nên nhiều tầng văn hoá đa dạng, phong phú trong xã hội.
Đa dạng hoá các hoạt động văn hoá trong cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hoá đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân.
Bốn là, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc. Các nhà khoa học đã khẳng định rằng, cội nguồn của sức mạnh dân tộc ta được bắt nguồn từ những giá trị truyền thống của dân tộc, từ những tinh hoa văn hoá được các thế hệ kế thừa và phát triển trong các thời kỳ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống cách mạng luôn được xem là vốn quý giá, là cẩm nang thần kỳ, đồng thời là thẻ căn cước đáng tin cậy để chúng ta có thể hội nhập mà không bị hoà tan, để mỗi người Việt Nam có khả năng miễn dịch với những ảnh hưởng xấu độc của kẻ thù trong âm mưu “diễn biến hoà bình”, đồng thời làm vô hiệu hoá sự phá hoại của chiến tranh tâm lý của kẻ địch. Giữ gìn truyền thống dân tộc cần làm tốt  một số yêu cầu:
Giữ gìn và phát huy những giá trị tiêu biểu của văn hoá dân tộc nhằm chống lại sự xâm thực, đồng hoá của văn hoá ngoại lai, phát huy truyền thống cách mạng trong các thế hệ kế tiếp.
Kiên quyết đấu tranh với những xu hướng coi nhẹ những giá trị truyền thống, phủ nhận quá khứ, reo rắc lối sống tư sản thực dụng trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tổ chức và thực hiện tốt những nội dung, hình thức giáo dục truyền thống trong tình hình hiện nay, làm cho nhân dân và nhất là thế hệ trẻ biết phát huy một cách sáng tạo những giá trị truyền thống của các thế hệ cha anh đã tạo dựng trong quá khứ, xây dựng những giá trị truyền thống mới trong giai đoạn của cách mạng mới.

           



1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa