Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6 KHÓA XII: TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI


Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công” và Người còn căn dặn: “Mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt, dân cường thì nước mạnh”. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của toàn xã hội; chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân là công tác đặc biệt quan trọng liên quan đến mọi người, mọi nhà và được cả xã hội quan tâm, có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất ưu việt, tốt đẹp của chế độ ta.
Trong những năm qua, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của chúng ta có bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế cả nước đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện nhiều chính sách, biện pháp tăng cường bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nước ta được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là điểm sáng về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân cũng bộc lộ không ít yếu kém, khuyết điểm, để xảy ra một số sự việc, sự cố gây bức xúc xã hội. Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã ra Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
Mục tiêu tổng quát của sự nghiệp này là nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và hội nhập. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc, đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng đội ngũ “Thầy thuốc như mẹ hiền”, tâm huyết, yêu nghề, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, dân số Việt Nam đạt tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi; trong đó số năm sống khỏe đạt 67 năm. Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 95% dân số; Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm 35%. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 18,5%o, dưới 1 tuổi còn 12,5%o. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới mức 12%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm. Phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sỹ, 2,8 dược sỹ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%. Phấn đấu đến năm 2030 đạt tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi; trong đó số năm sống khỏe đạt 68 năm. Tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số; Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%. Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95% với 14 loại vắc xin. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 15%o, dưới 1 tuổi còn 10%o.  Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%; khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới mức 10%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ 157,5 cm. Phấn đấu 100 % dân số được quản lý sức khỏe; 100 % trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sỹ, 3,0 dược sỹ đại học, 33 điều dưỡng trên 10.000 dân. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%. Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Thứ nhất, tăng cường bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mỗi người dân trong nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam. Khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng cho mọi người và cho từng nhóm tuổi, thể trạng, bệnh tật.
Thứ hai, nâng cao năng lực phòng chống dịch, bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Ứng phó kịp thời các tình huống khẩn cấp, bảo đảm an ninh y tế. Đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét. Củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng. Tăng số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng phù hợp với khả năng ngân sách.
Thứ ba, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện. Phát triển hệ thống khám chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh ở từng tỉnh, thành phố bên cạnh một số bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện đại học, bệnh viện thuộc lực lượng vũ trang.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển ngành dược và thiết bị y tế. Bảo đảm đủ thuốc với chất lượng tốt, giá hợp lý đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước./.

1 nhận xét: