Thời gian gần đây, tuy không phải là dịp
kỷ niệm ngày 30-4, nhưng câu chuyện về hòa hợp và hòa giải dân tộc lại nóng lên
trên mạng xã hội và một số trang báo hải ngoại. Một lần nữa, mục tiêu cao cả của
chủ trương hòa hợp dân tộc lại bị không ít người bóp méo, xuyên tạc gắn với tư
tưởng hận thù cùng những ý đồ chính trị đen tối…
Mượn
chuyện hòa hợp, gây thêm… chia rẽ
“Cái bẫy hòa hợp, hòa giải dân tộc” là
tiêu đề một bài báo được đăng trên kênh truyền hình SBTN hải ngoại với nội dung
thiếu thiện chí, kích động rằng, cộng sản Việt Nam chỉ mượn chuyện hòa giải cho
những mục tiêu chính trị nhất thời. Cộng sản và dân tộc như nước với lửa, không
thể có hòa hợp dân tộc nếu còn chế độ cộng sản (!).
Trong một chương trình trên Đài Châu Á tự
do, Cù Huy Hà Vũ tiếp tục đưa ra nhiều lập luận vòng vo, lái câu chuyện hòa hợp
dân tộc sang những vấn đề không liên quan, như: Hòa hợp dân tộc không dừng ở hòa
hợp giữa hai bên “thắng cuộc” và thua cuộc sau ngày 30-4-1975 mà còn là hòa hợp
giữa những người bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ với chính quyền hiện
nay. Vũ kêu gọi chỉ có thể hòa hợp được nếu chọn chế độ đa nguyên chính trị. Vũ
chỉ trích Đảng Cộng sản “toàn trị” nên chỉ khi nào “chế độ cộng sản sụp đổ, người
Việt mới có hòa hợp hòa giải”.
Cũng chung luận điệu ấy, kênh truyền
hình Người Việt TV hải ngoại nhiều lần đưa quan điểm của cái gọi là Tập hợp Dân
chủ đa nguyên kêu gọi muốn hòa giải thì phải “phục hồi danh dự cho những người
trong chế độ Việt Nam cộng hòa”, phải thừa nhận đó là cuộc “nội chiến” và phải
coi việc xóa bỏ chế độ cộng sản là một “mệnh lệnh của lương tâm, là tương lai của
dân tộc”. Họ cũng kêu gọi Việt Nam
nên áp dụng các “mô hình” hòa giải như ở cuộc nội chiến của nước Mỹ hay việc
xóa bỏ bức tường Berlin …
Những quan điểm nêu trên, xét cho cùng đều
không thể hiện thiện chí hòa hợp, hòa giải dân tộc mà chỉ thể hiện sự hằn học,
kích động hận thù, gây thêm chia rẽ, xuyên tạc, bóp méo chủ trương nhân văn,
đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Chủ
trương nhất quán ngày càng lan tỏa
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy
chí nhân để thay cường bạo”. Hai câu thơ của Nguyễn Trãi đã phần nào đúc kết
truyền thống khoan dung, hòa hiếu của dân tộc ta, ngay cả với kẻ thù xâm lược
chứ chưa nói đến đồng bào lầm lỗi. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng
hòa mới ra đời, trong khi phải lo đối phó với thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã đưa ra quan điểm nhân văn: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ
và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài, nhưng ngắn dài đều họp
nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác,
nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng,
đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều
lòng ái quốc”. Hơn 10 năm sau, Người một lần nữa khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Bắt nguồn từ đạo lý truyền thống của dân
tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc suốt mấy chục
năm qua luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Dù ít nhiều có những thăng trầm,
hạn chế nhưng đó luôn là tư tưởng nhất quán và ngày càng được thực hiện tốt
hơn. Ngay cả khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa kết thúc, giữa đất lửa
Vĩnh Linh, Quảng Trị, khi nghe câu hỏi: “Sau khi Việt Nam đánh thắng đế
quốc Mỹ, thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất?”, Tổng Bí thư Lê
Duẩn đã trả lời: "Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó
là hòa hợp dân tộc!".
Từ năm 2003, Hội nghị Trung ương 7 (khóa
IX) của Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số
23-NQ/TW (2003) “Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh,
xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Nghị quyết số 24-NQ/TW “Về công tác dân tộc”,
Nghị quyết số 36-NQ/TW (2004) của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về công tác đối với
người Việt Nam ở nước ngoài”. Trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã
khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành
phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn
nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam , không phân biệt dân tộc, tôn
giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần
thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Sau nhiều đại hội, Đảng ta đều đề ra những
chủ trương nhất quán về đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Nghị quyết Đại hội của Đảng
một lần nữa khẳng định: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc
lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi
ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước,
nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài
nước”.
Nhìn lại 13 năm thực hiện Nghị quyết số
36-NQ/TW, chúng ta vui mừng nhận thấy, chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc
ngày càng lan tỏa sâu rộng. Ở trong nước hiện nay, đồng bào thuộc mọi thành phần
xã hội, kể cả những người trong chế độ cũ đều không bị phân biệt đối xử, bình đẳng
trong lao động, kiến tạo cuộc sống. Ngay cả nhiều nhạc sĩ, ca sĩ từng xác định ở
một thái cực khó có thể hòa hợp, như nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Khánh Ly, Chế
Linh… gần đây cũng được tạo điều kiện về nước biểu diễn, không hề bị phân biệt,
kỳ thị.
Một vấn đề từng được coi là “nhạy cảm”
như Nghĩa trang Bình An của quân đội Sài Gòn cũ nay cũng được dân sự hóa, mọi
người thăm viếng, chăm sóc mộ phần. Ngày 27-4-2014, một đoàn kiều bào đã được tổ
chức đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Dương và Nghĩa trang nhân dân Bình An
(nghĩa trang quân đội Biên Hòa thời Việt Nam cộng hòa). Tại đây, một lãnh đạo
Bộ Ngoại giao đã chỉ vào tấm bia mộ cũ mang tên hạ sĩ Hà Hữu Lộc và nói: “Bia mộ
vẫn còn nguyên phiên hiệu, đơn vị… Những ngôi mộ thế này xây từ ngày xưa có ai
phá đâu. Chân lý ở đâu, sự thật ở chỗ nào khi các anh cứ hô hào, kêu gọi chống
cộng, nói rằng cộng sản không làm gì cho nghĩa trang. Nếu đất nước không có đại
đoàn kết thì những ngôi mộ kia có còn những tấm bia nguyên vẹn như vậy không?”.
Với đồng bào ở nước ngoài, Đảng, Nhà nước
ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện ngày càng thuận lợi
hơn cho họ trên các lĩnh vực: Xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ
tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam … Một dẫn chứng
sinh động ghi nhận nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta phải kể đến việc ông Nguyễn Cao
Kỳ, nguyên Phó tổng thống của chính quyền Sài Gòn sau khi về Việt Nam đã có
phát biểu: “Người ta nói trăm nghe không bằng một thấy nên tất nhiên về nước
thì có dịp kiểm chứng lại mọi điều một cách cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn.
Tôi rất mừng là đất nước đổi mới nhiều”; “Tôi sẽ nói về sự tiến triển, không
khí và tình hình của đất nước để cho họ thấy, từ đó thuyết phục những người
chưa hiểu: Đã đến lúc phải hòa hợp, hòa giải giữa anh em với nhau để xây dựng đất
nước chứ ngoái cổ lại nhìn dĩ vãng rồi hận thù, chua chát, cay đắng thì đâu có
được. Nhưng mà chắc chắn là không thể thuyết phục hết được vì vẫn còn một số
người - một bộ phận rất nhỏ - cả đời chỉ nghĩ cho cá nhân họ thôi, nhiều khi họ
phát nói năng lung tung, để ý làm gì. Tôi nghĩ chuyện chính vẫn là quyền lợi đất
nước”. Chứng kiến sự đổi thay của đất nước và những chủ trương, chính sách về
hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Cao Kỳ đã công nhận
rằng những người cộng sản Việt Nam hiện đang làm rất tốt và làm tốt hơn các
ông.
Hòa
hợp không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử và đảo ngược chân lý
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói
“bàn tay còn có ngón vắn ngón dài” và Đảng ta từng chủ trương “tôn trọng những
điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia-dân tộc”, hòa hợp dân
tộc phải trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt, không định kiến, phân biệt đối xử
nhưng không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử và đảo ngược chân lý. Những vấn đề
khác biệt như ý thức hệ, quan điểm chính trị thì cần sự tôn trọng, mà không thể
đòi hòa hợp theo kiểu “phải công nhận chế độ Sài Gòn”, “phải phục hồi danh dự
cho những người trong chế độ cũ”, “phải xóa bỏ Đảng Cộng sản thì mới có sự hòa
hợp”.
Về vấn đề này, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn
Minh Triết từng có nhận xét sâu sắc: “Có những người chứng kiến sự hy sinh của
dân tộc quá lớn, họ cứng như thép, không dễ xoay chuyển được... Nếu nhìn vào những
mất mát, hy sinh to lớn, xét về nguyên tắc là không thể nhân nhượng, bỏ qua được.
Nhưng xét về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đã 40 năm rồi, thì trong quan hệ có
thể cởi mở, mềm dẻo, đối xử nhẹ nhàng”.
Ông Nguyễn Cao Kỳ cũng từng khẳng định:
“Một chính quyền độc đảng mang đến sự ổn định và kỷ luật thì cần thiết cho Việt
Nam
để ra khỏi sự nghèo khổ… Tôi cho rằng thật là sai lầm khi một số người, đặc biệt
là số người Việt ở Mỹ ngày nay đòi hỏi Việt Nam phải chấp nhận và thực hiện một
nền dân chủ họ đang hưởng ở Mỹ. Quan niệm của tôi là, đó là một sự sai lầm. Nền
dân chủ đó không thích hợp với Việt Nam trong tình thế hiện nay”.
Với những nhận
thức nêu trên, có lẽ chúng ta đã có được mẫu số chung cho câu chuyện đại đoàn kết,
hòa hợp dân tộc. Đó chính là mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc
lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh”, đó là sự ổn định để phát triển. Và như thế, những quan điểm định kiến,
hẹp hòi, kích động thù hận, khơi sâu thêm chia rẽ như những viên sỏi nhỏ sẽ
nhanh chóng chìm trong biển cả bao la của sự hòa hợp, của tình yêu quê hương đất
nước luôn lan tỏa và đồng cảm trong trái tim mỗi người dân mang dòng máu con Lạc,
cháu Hồng!
Đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp
Trả lờiXóa