Cách đây đúng 100 năm, ngày 07-11-1917,
Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra làm “rung chuyển thế giới”, là một đòn giáng
mạnh vào chủ nghĩa đế quốc; đồng thời tạo niềm tin và động lực đối với phong
trào công nhân và nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp năm châu. Đó là một sự kiện
đặc biệt, một cuộc cải biến chính trị - xã hội sâu sắc, đánh dấu sự ra đời của
nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Cách mạng Tháng Mười Nga là ngọn đuốc soi
đường đối với các dân tộc khát khao hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ
vùng lên đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Đó
là cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử nhân loại, cụ thể hóa nguyên lý chủ
nghĩa Mác về chủ nghĩa xã hội, trở thành hiện thực ở nước Nga .
Chủ nghĩa Mác – Lê-nin chỉ ra rằng: vấn đề
cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền; bạo lực là bà đỡ của mọi
cuộc cách mạng. Về lý thuyết, đối với giai cấp vô sản, có hai con đường (cách
thức) giành chính quyền: một là, bằng bạo lực cách mạng, hai là,
bằng hòa bình, thỏa hiệp. V.I. Lê-nin, vị lãnh tụ mác-xít xuất sắc và những
người cộng sản Nga đã thực hiện theo cách thức thứ nhất và coi đó như một sự
tất yếu, trong khi bỏ ngỏ khả năng thứ hai. Vì rằng, chủ nghĩa tư bản không dễ
gì từ bỏ quyền thống trị mà họ đã đoạt được từ chế độ phong kiến, cùng với
những lợi ích béo bở có được do bóc lột tàn bạo quảng đại quần chúng cần lao.
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là minh chứng điển hình về giành chính
quyền bằng bạo lực cách mạng; đồng thời, khẳng định niềm tin và sự kiên định
của những người mác-xít Nga đối với chủ nghĩa Mác. Giành chính quyền bằng con
đường bạo lực trở thành xu thế tất yếu của cách mạng vô sản, các dân tộc bị áp
bức, bóc lột trên thế giới. Không dừng lại ở đó, Cách mạng Tháng Mười còn là
minh chứng khẳng định tính đúng đắn của nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê-nin về
cách mạng không ngừng, về giành và giữ chính quyền đối với giai cấp vô sản -
giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn. Ngay sau khi Cách mạng
Tháng Mười thành công, để bảo vệ thành quả cách mạng và sự tồn tại của Nhà nước
xã hội chủ nghĩa đầu tiên, giai cấp vô sản và nhân dân lao động Nga, dưới sự
lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích và V.I. Lê-nin phải đương đầu với cuộc tiến công
điên cuồng của 14 nước đế quốc và cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài (1918 -
1921). Tiếp đó là cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô, với sự hy
sinh, mất mát vô cùng lớn, góp phần trực tiếp quyết định đánh bại chủ nghĩa
phát-xít, cứu toàn bộ nhân loại, đưa chủ nghĩa xã hội trở thành hệ thống thế
giới.
Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở
Liên Xô và các nước Đông Âu trong những năm 90 của thế kỷ XX là một mất mát
lớn, bài học đau xót đối với các Đảng cộng sản, nhưng tuyệt nhiên không phải do
Cách mạng Tháng Mười, mà bởi những nguyên nhân chủ quan và sự chống phá của các
thế lực thù địch là chính, cùng những nhân tố khách quan. Đồng thời, ở khía
cạnh khác, nó còn là minh chứng về sự không tuân thủ nguyên lý chủ nghĩa Mác –
Lê-nin và bài học về giữ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng của Cách mạng
Tháng Mười. Mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về
Cách mạng Tháng Mười chẳng những lố bịch, mà còn thể hiện sự run sợ trước tầm
vóc, ảnh hưởng tích cực của cuộc cách mạng vĩ đại này đối với toàn nhân loại.
Đó cũng là sự biện giải về sức sống mãnh liệt của một cuộc cách mạng diễn ra
cách đây đã một thế kỷ.
Cách mạng Tháng Mười Nga có tầm ảnh hưởng
vô cùng lớn và để lại những bài học vô giá đối với cách mạng Việt Nam . Ở góc độ
quân sự, xin đề cập khái quát mấy nội dung cơ bản.
1. Phát huy giá trị quân sự của Cách
mạng Tháng Mười vào kiến tạo, bổ sung, hoàn thiện đường lối quân sự của Đảng.
Đường lối quân sự là một bộ phận của đường
lối chính trị, đường lối cách mạng của Đảng. Đường lối đó là hệ thống quan điểm
của Đảng ta về quân sự, được hình thành trên cơ sở kế thừa truyền thống, tư
tưởng quân sự của dân tộc, tiếp thu học thuyết quân sự Mác – Lê-nin, tư tưởng
quân sự Hồ Chí Minh, những giá trị quân sự của Cách mạng Tháng Mười Nga và tinh
hoa quân sự thế giới. Xét về nội hàm, đường lối quân sự của Đảng gồm ba bộ phận
hợp thành, đó là: đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đường lối xây
dựng lực lượng vũ trang nhân dân; đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân. Ba
nội dung cơ bản này của đường lối quân sự xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam cả trước
đây, hiện tại và sau này. Đường lối đó bất biến, gắn liền với sự tồn tại của
Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam , chúng ta
dễ dàng nhận thấy ba nội dung cơ bản này luôn được thể hiện rõ trong từng thời
kỳ, ở mỗi giai đoạn cách mạng. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để tiến tới
Tổng khởi nghĩa, Đảng ta đã chú trọng xây dựng thực lực cách mạng, nòng cốt là
lực lượng vũ trang. Ngay từ năm 1935, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về Đội tự
vệ, theo đó Đội du kích Bắc Sơn, Du kích Ba Tơ, Đội Cứu quốc quân - mầm mống
của lực lượng vũ trang lần lượt ra đời, tiến tới thành lập Đội Việt Nam Tuyên
truyền Giải phóng quân vào ngày 22-12-1944 - tiền thân của Quân đội nhân dân
Việt Nam ngày nay. Việc xây dựng lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho Tổng khởi
nghĩa giành chính quyền thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin và
bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười về vấn đề giành và giữ chính
quyền, về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản - vào thực tiễn cách
mạng Việt Nam của Đảng ta. Đây cũng là nội dung cơ bản của đường lối quân sự để
Đảng ta lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ này.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đường lối quân sự của Đảng tiếp tục được bổ sung,
phát triển phù hợp. Với đường lối đúng đắn, phương pháp cách mạng linh hoạt,
sáng tạo và sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân cả
nước giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp
đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nét đặc sắc của đường lối
quân sự trong hai cuộc kháng chiến được thể hiện ở nghệ thuật quân sự của chiến
tranh nhân dân Việt Nam độc đáo, sáng tạo; tư tưởng chiến lược tiến công -
“kiên quyết không ngừng thế tiến công” - trong mọi thời điểm, hoàn cảnh, giai
đoạn của cuộc chiến tranh giải phóng; kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị
với lực lượng vũ trang, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự
và đấu tranh ngoại giao, trong đó, đấu tranh quân sự giữ vai trò trực tiếp
quyết định; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, kết hợp sức mạnh dân tộc
với sức mạnh thời đại,… giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi
hoàn toàn.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
hiện nay, đường lối quân sự của Đảng tiếp tục được bổ sung, phát triển phù hợp
với tình hình mới, với nội dung cốt lõi là xây dựng nền quốc phòng toàn dân
vững mạnh; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân có
chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao; chủ động ngăn chặn, đẩy lùi nguy
cơ chiến tranh; đồng thời, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược bằng vũ khí
công nghệ cao của địch. Điểm mới về nội dung trong đường lối quân sự của Đảng
hiện nay là tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (trước đây là chiến
tranh giải phóng). Đó sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển
ở trình độ cao do sự phát triển ở nhiều phương diện, nhất là vũ khí, trang bị
của cả địch và ta. Như vậy, có thể thấy, đường lối quân sự của Đảng được hoạch
định trên cơ sở của nhiều nhân tố, trong đó có sự vận dụng, phát huy giá trị
quân sự và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười.
2. Phát huy giá trị quân sự của Cách
mạng Tháng Mười vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra cách đây
đúng một thế kỷ, nhưng còn nguyên giá trị lý luận quân sự đối với sự nghiệp xây
dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tiếp thu tinh thần
đó của Cách mạng Tháng Mười, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng
vũ trang, nhất là Quân đội nhân dân vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng
hợp, sức mạnh chiến đấu cao, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến
đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là lực lượng
nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ
quốc.
Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng,
hiện nay Quân đội nhân dân đang được đẩy mạnh xây dựng “cách mạng, chính quy,
tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; trong đó có một số lực lượng được đầu tư tiến
thẳng lên hiện đại. Phương hướng đó được Đảng ta xác định từ Đại hội VII và
tiếp tục được khẳng định tại các kỳ Đại hội VIII, IX, X, XI, XII. Đặc biệt, Đại
hội XII của Đảng đã xác định rõ những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, gồm:
Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin, Trinh sát kỹ thuật, Tác chiến
điện tử, Cảnh sát biển. Xét về tổng thể, xây dựng Quân đội là từng bước hiện
đại, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại nhằm không ngừng nâng
cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cho Quân đội nhân dân, đáp ứng yêu
cầu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Quan điểm của Đảng là hoàn toàn phù hợp
với khả năng, thực tiễn của đất nước và yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo
vệ Tổ quốc. Đó cũng là cách thức tốt nhất giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa
hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, Đảng ta đã và đang vận dụng
sáng tạo, hiệu quả nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê nin và giá trị quân sự của Cách
mạng Tháng Mười vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Theo tư duy mới của
Đảng, nội hàm bảo vệ Tổ quốc có sự mở rộng, phát triển, mà cốt lõi là: bảo vệ
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, gắn chặt với bảo vệ
Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Để lãnh đạo, chỉ đạo thực
hiện thắng lợi mục tiêu đó, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, nhất
là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong
tình hình mới”. Đây có thể được coi là nghị quyết chuyên đề về bảo vệ Tổ
quốc; trong đó, xác định rõ mục tiêu, quan điểm, hệ thống giải pháp, nhiệm vụ
bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới - đất nước hội nhập, phát triển. Cụ thể hóa
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), Đảng ta đã và đang chỉ đạo xây dựng các
chiến lược chuyên ngành, gồm: Chiến lược An ninh Quốc gia, Chiến lược Quốc
phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới, v.v. Những văn kiện trên là cơ
sở lý luận - pháp lý quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện tốt
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đã tròn một thế kỷ trôi qua, nhưng tầm vóc,
giá trị lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười không hề cũ. Cuộc cách
mạng vĩ đại này sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường đối với toàn nhân loại.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa