Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Nguyên nhân và ý nghĩa thắng lợi của cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở Hà Nội


Vào cuối năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã nhất tề đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Với khí phách hiên ngang, tinh thần quật khởi, quân và dân Thủ đô đã giam hãm địch suốt 60 ngày đêm trong lòng Hà Nội, giành thắng lợi to lớn.
Ngay sau khi đất nước giành được độc lập (Tháng 8-1945) với bản chất cực kỳ phản động, lại được các nước đồng minh đế quốc giúp sức, thực dân Pháp đã dã tâm xâm lược nước ta lần nữa. Đặc biệt, chúng đã đơn phương xóa bỏ các hiệp định, hiệp ước đã ký với ta; tổ chức đánh chiếm Tây Nguyên và một phần vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội với mưu đồ nắm quyền quản lý Thủ đô, đặt ách thống trị đối với nước ta. Như vậy, Hà Nội đã trở thành chiến trường trọng điểm ngay từ đầu toàn quốc kháng chiến. Thực hiện quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, quân và dân Hà Nội đã bước vào cuộc kháng chiến với tinh thần “quyết tử để tổ quốc quyết sinh”. Qua 60 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, quân và dân Thủ đô đã đánh gần 200 trận, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giam chân quân Pháp trong lòng Thành phố vượt thời gian dự kiến, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển cả nước vào chiến tranh. Từ góc độ lịch sử, có thể thấy, thắng lợi đó do nhiều nguyên nhân, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc và được biểu hiện cụ thể ở các nội dung sau:
1. Nguyên nhân thắng lợi
Trước hết, sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Chỉ huy là nguyên nhân quyết định đến thắng lợi của mặt trận Hà Nội. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình, Đảng ta chỉ rõ: sự thật chứng tỏ rằng, thực dân Pháp định dùng vũ lực để buộc ta nhượng bộ, nhưng Tạm ước ngày 14-9-1946 là bước nhân nhượng cuối cùng, chúng đã buộc chúng ta phải đứng lên kháng chiến. Ngày 12-12-1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Đây là quyết định sáng suốt, kịp thời và thể hiện tính chủ động rất cao của Đảng ta; trong đó, chỉ rõ mục đích, tính chất và đường lối chung chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tiếp đó, ngày 13-12-1946, tức chỉ một ngày sau khi có Chỉ thị của Trung ương Đảng, Trung ương Quân uỷ, Bộ Tổng Chỉ huy đã triệu tập Hội nghị các chính ủy (từ Chiến khu 4 trở ra) để thảo luận, thống nhất công tác chuẩn bị chiến đấu và Hà Nội được xác định là chiến trường trung tâm của cả nước. Theo đó, Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Chỉ huy phải trực tiếp chỉ huy Chiến khu XI1; nghiên cứu phương án tác chiến, tiến hành chuẩn bị mọi mặt để chủ động đánh địch tại Hà Nội.
Cùng với đó, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận, Ủy ban kháng chiến Thành phố,… để trực tiếp lãnh đạo công cuộc kháng chiến ở Thủ đô. Điều đó thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng đối với chiến trường trọng điểm, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù. Đặc biệt, từ khi Hà Nội bước vào chiến đấu, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng Chỉ huy đã trực tiếp ngày đêm theo dõi tình hình chiến sự và chỉ đạo chặt chẽ kế hoạch, phương án và tổ chức lực lượng đánh địch, v.v. Nhờ đó, mặc dù quân số ít, vũ khí trang bị thô sơ, phải đương đầu với đội quân nhà nghề, song quân và dân Thủ đô đã chiến đấu với thái độ bình tĩnh, tự tin, mưu trí, sáng tạo, tiêu diệt, tiêu hao nhiều địch và làm phá sản mưu đồ vô hiệu hóa cơ quan đầu não của ta. Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã có nhiều chủ trương về tổ chức, xây dựng và phối hợp chặt chẽ lực lượng trong và ngoài Thành phố, thực hiện trong đánh, ngoài vây, dựa chắc vào hậu phương (ngoại thành cùng các tỉnh lân cận), đảm bảo sức người, sức của để đánh địch liên tục, dài ngày; đồng thời, tận dụng lợi thế kiến trúc của Thủ đô để tổ chức trận địa liên hoàn, hiểm hóc, ngăn chặn địch. Có thể nói, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thắng lợi của Mặt trận Hà Nội, điều mà kẻ địch không ngờ tới, tạo thuận lợi để cả nước bước vào chiến tranh.
Hai là, triển khai thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, vững chắc có chiều sâu để đánh địch có hiệu quả.Bước vào kháng chiến toàn quốc, lực lượng vũ trang Hà Nội chỉ có 5 Tiểu đoàn; 8 Trung đội công an xung phong, 1 Đại đội tự vệ chiến đấu,… với vũ khí, trang bị thô sơ, chủ yếu là lựu đạn và dao kiếm, nhưng phải đối phó với trên 6.500 quân Pháp, được trang bị xe tăng, đại bác và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội chủ trương dựa vào nhân dân để vừa đánh, vừa xây dựng, phát triển lực lượng, thực hiện càng đánh càng mạnh. Trong đó, việc gấp rút triển khai thế trận chiến tranh nhân dân được Ủy ban Kháng chiến Thành phố hết sức chú trọng. Theo đó, các đơn vị lực lượng vũ trang được bố trí phân tán ở các địa bàn trọng yếu, làm nòng cốt để toàn dân đánh giặc; hình thành thế trận trong đánh, ngoài vây, trong ngoài cùng đánh; phối hợp với các lực lượng, đoàn thể,… hỗ trợ, chi viện cho nhau để tiêu hao, tiêu diệt quân địch và giam chân chúng trong Thành phố. Cùng với đó, các đoàn thể quần chúng, như: công nhân, thanh niên, phụ nữ, trí thức, tiểu tư sản, các nhà công thương yêu nước,… được tổ chức, củng cố và phát triển. Liên hiệp Công đoàn Hà Nội được thành lập và đã tập hợp hầu hết mọi tầng lớp lao động, nhiều công đoàn nghề được ra đời để tham gia đánh Pháp. Đáng chú ý là Mặt trận Liên Việt Thủ đô ra đời đã lôi cuốn nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước tham gia kháng chiến. Tổ chức cơ sở đảng được xây dựng ở nhiều nhà máy, xí nghiệp, đơn vị vũ trang, các khu dân cư,… để lãnh đạo quần chúng đánh giặc. Đặc biệt, lực lượng nòng cốt đánh địch tại Hà Nội là Trung đoàn Thủ đô được thành lập trên cơ sở tập hợp cả nam, nữ thanh niên, thiếu niên. Họ là những công nhân, học sinh, sinh viên, thầy giáo, nhà văn,... tất cả đều chung một lòng “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Bên cạnh đó, nhân dân ngoại thành cũng được tuyên truyền, tổ chức chặt chẽ để tham gia trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tiêu biểu là huyện Thanh Trì đã huy động 150 tấn lương thực cho kháng chiến; đội nữ vận tải Hồng Hà không quản ngại khó khăn, gian khổ, vận chuyển lương thực, thực phẩm cung cấp cho lực lượng vũ trang Liên khu 1; nhân dân nội, ngoại thành hăng hái đào hàng chục ki-lô-mét giao thông hào, hàng nghìn hố chiến đấu, đục thông tường các dãy phố tạo thế chiến đấu liên hoàn, v.v. Khắp các thôn xã đều thực hiện tiêu thổ kháng chiến, làm vườn không nhà trống, sẵn sàng đối phó với địch. Nhờ đó, Hà Nội thực sự trở thành thế trận chiến đấu, mà ở đó mỗi nhà là một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến, tạo ra thế chủ động đánh địch ở khắp nơi, buộc địch phải căng kéo đối phó với ta cả trong và ngoài Thành phố.
Ba là, sự phối hợp chiến đấu có hiệu quả của cả nước đối với Mặt trận Hà Nội. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Chỉ huy, quân và dân các thành phố, thị xã từ Bắc vĩ tuyến 16 trở ra, như: Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng đều kịp thời, đồng loạt nổ súng tiến công địch, phối hợp chiến đấu chặt chẽ với Hà Nội, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Quân và dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ phối hợp với mặt trận phía Bắc đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá tan âm mưu bình định của địch. Phối hợp chiến đấu với Hà Nội còn có các địa phương lân cận, nhất là hai địa bàn: Hà Đông và Sơn Tây. Đây là hậu phương trực tiếp của Hà Nội. Tại đó, các cơ quan lãnh đạo và chỉ huy của Trung ương và Hà Nội (khi di chuyển tới) được bảo vệ an toàn để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng tác chiến. Nhân dân Hà Nội tản cư phần lớn ra hai tỉnh này và được nhân dân tận tình giúp đỡ. Đồng thời, Trung đoàn 13 (Hà Đông), Trung đoàn 9 (Sơn Tây) còn kịp thời tăng cường lực lượng cho Hà Nội chiến đấu.
Như vậy, bằng sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ, có hiệu quả của quân và dân cả nước với Mặt trận Hà Nội, đã buộc quân Pháp rơi vào thế bị động cả về chiến lược và chiến thuật, chịu nhiều tổn thất và không đạt được mục tiêu đề ra. Trong sự phối hợp tổng thể đó, Hà Nội là chiến trường trọng điểm và trở thành biểu tượng Kháng chiến và niềm tin vào thắng lợi của toàn dân. Trong thế trận chiến tranh nhân dân, Hà Nội phối hợp chiến đấu với cả nước, cả nước phối hợp chiến đấu với Hà Nội, đẩy quân Pháp rơi vào thế bị động, sa lầy và thất bại. 
2Ý nghĩa to lớn của cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở Hà Nội  
Thắng lợi của cuộc chiến đấu gan góc 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô đã mở đầu oanh liệt thời kỳ toàn quốc kháng chiến; củng cố niềm tin vững chắc cho quân, dân cả nước vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ. Bởi, đây là thắng lợi của cuộc đọ sức quy mô lớn đầu tiên, mang ý nghĩa chiến lược giữa nhân dân ta với thực dân Pháp xâm lược. Thực tế cho thấy, quân và dân Hà Nội đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã tiêu diệt, tiêu hao lớn lực lượng địch, kìm địch tại Hà Nội trong hai tháng, vượt kế hoạch đề ra. Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của “trận then chốt đầu tiên” này không chỉ góp phần tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang thời chiến, mà còn củng cố niềm tin chắc thắng cho quân, dân ta bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Mặt trận Hà Nội đã chứng minh bằng thực tiễn rằng: trong cuộc chiến tranh giữa một bên là chính nghĩa và bên kia là phi nghĩa thì chiến thắng chắc chắn sẽ thuộc về phía chính nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo; sự đoàn kết một lòng của cả nước, dù phải chiến đấu lâu dài và có thể có tổn thất, hy sinh, nhưng chúng ta nhất định giành thắng lợi, kẻ địch nhất định bị thất bại, cho dù chúng có quân đông, vũ khí trang bị hiện đại.
Cùng với đó, Mặt trận Hà Nội còn làm phá sản một bước chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân PhápNgay từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ Hai, chúng đã lộ rõ ý đồ sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội, thực hiện chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”. Điều đó được biểu hiện khi tại nội thành Hà Nội, chúng gấp rút tập trung lực lượng, cùng với nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại; chốt giữ tại 52 địa điểm, tạo thế bao vây, chia cắt, hòng đánh úp, tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và lực lượng vũ trang ta (trong vòng 24 tiếng đồng hồ) để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Vì thế, thắng lợi 60 ngày đêm chiến đấu oanh liệt của quân và dân Thủ đô đã góp phần quan trọng làm phá sản kế hoạch tác chiến chiến lược của địch, buộc chúng phải đánh lâu dài, bị sa lầy và thất bại. Còn đối với ta, tận dụng thời gian quý báu để bước vào kháng chiến trường kỳ; thực hiện càng đánh, càng mạnh, giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Điều đó đã lý giải vì sao chính giới Pháp đã hoàn toàn choáng váng trước sự kháng cự kiên cường của chiến trường Hà Nội vào mùa Đông năm 1946. Thậm chí, trước tổn thất của quân Pháp, ngài Tổng Chỉ huy quân Viễn chinh Pháp, Ê-chiên Va-luy đã phải kêu gọi binh lính cùng nhau nghiến răng chịu đựng, vì cuộc chiến đấu sẽ còn ác liệt.
Một ý nghĩa đặc biệt quan trọng nữa là, việc giam chân địch 60 ngày đêm trong lòng Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho toàn quốc chuyển sang thời chiến. Trong bối cảnh đất nước vừa mới giành được chính quyền, còn muôn vàn khó khăn; đặc biệt, việc bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não kháng chiến và cơ sở vật chất đảm bảo cho chiến tranh là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Vì vậy, trong vòng hai tháng quý báu đó, chúng ta đã thực hiện được một cuộc tổng di chuyển toàn bộ các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Chỉ huy,… ra khỏi Hà Nội về căn cứ địa Việt Bắc an toàn. Đồng thời, các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận ở các địa phương cũng kịp thời di chuyển từ các thành phố, thị xã về vùng nông thôn, rừng núi; di chuyển cơ sở vật chất, kho tàng, máy móc, vũ khí, vật tư, nguyên liệu, lương thực, thực phẩm, tiền bạc, các trang thiết bị của các ngành y tế, giáo dục,… và tổ chức di dân ra khỏi vùng chiến sự, nhằm bảo toàn lực lượng, xây dựng thực lực để tiến hành kháng chiến lâu dài.
Như vậy, chiến thắng 60 ngày đêm của Mặt trận Hà Nội đã tạo cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta bước khởi đầu quan trọng. Đó chính là tiền đề đặc biệt quan trọng tạo sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi vẻ vang, góp phần hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

1 nhận xét: