Như đã thành lệ, cứ mỗi dịp Đảng,
Nhà nước ta có sự kiện gì, có chủ trương, chính sách gì ra đời, các nhà dân chủ
tự xưng lại tìm cách vặn vẹo, bới móc, xuyên tạc để gây tâm lý hoài nghi trong
nhân dân, từ đó thực hiện mưu đồ chống phá của chúng
Lần này cũng vậy, ngay sau Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương
Đảng khóa XII thành công tốt đẹp, trên các trang mạng xã hội lại xuất hiện những
bài viết của các nhà dân chủ tự xưng tìm cách suy diễn chủ quan, xuyên tạc Hội
nghị Trung ương 6 của Đảng; tuy nhiên kết quả thành công của Hội nghị lần thứ 6
Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên
tạc đó.
Thực hiện Chương trình làm việc
toàn khóa, từ ngày 4 - 11/10/2017 Ban Chấp hành Trung ương bắt đầu họp Hội nghị
lần thứ sáu để thảo luận, cho ý kiến về: Tình hình kinh tế - xã hội và tài
chính - ngân sách năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự
toán tài chính - ngân sách năm 2018; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng
cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới
hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các
đơn vị sự nghiệp công lập; Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; và tiến hành
một số công việc quan trọng khác.
Sau 7 ngày làm việc khẩn trương,
nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung
ương đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Các đồng chí Uỷ viên
Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ và thẳng
thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các báo cáo và đề án. Bộ
Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác
nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết
luận của Trung ương trên một số nội dung chủ yếu sau:
1- Về kinh tế - xã hội năm 2017 - 2018
Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn
kết toàn dân, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo
tổ chức thực hiện. Tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ
cương, kỷ luật để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh; khắc phục
tình trạng chậm phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, chậm cổ phần hoá, thoái vốn
doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước, kiểm
soát bội chi và bảo đảm nợ công trong ngưỡng an toàn. Xử lý căn bản và triệt để
hơn các công trình, dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, các ngân hàng
thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh cơ cấu
lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp
công lập; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng
của nền kinh tế..
2- Về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân
Triển khai thực hiện đồng bộ các
nhiệm vụ và giải pháp trên tất cả các ngành và lĩnh vực có liên quan đến bảo vệ,
chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ
quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải chủ động, tích cực vào cuộc; quan
tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào toàn dân tham gia rèn luyện thân thể; cải thiện
điều kiện sống, lối sống và làm việc; bảo vệ môi trường sinh thái và vệ sinh an
toàn thực phẩm; thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, sinh hoạt điều độ,
lành mạnh.
Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách tài chính y tế, đặc biệt là sớm thực
hiện bảo hiểm y tế toàn dân; đổi mới phương thức chi ngân sách nhà nước cho y tế;
đổi mới cơ chế về giá, phí dịch vụ phù hợp, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt
tiêu cực của cơ chế thị trường, khắc phục tình trạng thương mại hoá dịch vụ
khám, chữa bệnh. Có lộ trình thực hiện giá dịch vụ y tế và chế độ tiền lương
phù hợp với đặc thù của ngành Y. Đẩy mạnh kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất
lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động của các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế gắn với chủ động, tích cực
hội nhập quốc tế.
3- Về công tác dân số trong tình hình mới
Đẩy mạnh
cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm
trong việc sinh và nuôi dạy con tốt để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả
nước với quy mô dân số hợp lý (khoảng 104 triệu người vào năm 2030). Tập trung
ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những
nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Ngăn
ngừa tư tưởng, tâm lý không hạn chế số lần sinh con.
Đổi mới nội dung tuyên truyền
vận động về công tác dân số và phát triển. Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính
sách; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Kiện toàn
tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số, đáp ứng yêu cầu của thời
kỳ mới.
4- Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ
thống chính trị
Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt
nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này và yêu cầu trong thời gian tới,
toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp
tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là
một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong
tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ
với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống
nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính
trị; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước
và quyền làm chủ của nhân dân. Chú ý bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống,
đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát
triển; đổi mới tích cực, mạnh mẽ, nhưng không nôn nóng từ cực này nhảy sang cực
kia; gắn đổi mới bộ máy tổ chức với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản
biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, thị
trường và xã hội; không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên
tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ. Các nhiệm vụ và giải pháp đề ra phải phù hợp,
khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu
dài, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ
máy của toàn hệ thống chính trị cũng như các tổ chức cụ thể của Đảng, Nhà nước,
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là tổ chức bên trong
của từng cơ quan, đơn vị.
5- Về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập
Cùng với việc đổi mới, sắp xếp tổ
chức bộ máy của hệ thống chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh
sự cần thiết, cấp bách phải đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất
lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; coi đây
là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Nhà
nước phải chăm lo bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu;
nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công cho mọi tầng lớp nhân dân
trên cơ sở tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước; giữ vững, phát huy tốt hơn
nữa vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động
không vì mục tiêu lợi nhuận của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh xã hội
hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mà khu vực ngoài công lập làm được và
làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển
lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa
các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
6- Về công tác cán bộ
Sau khi xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã
thảo luận, đánh giá cao việc chuẩn bị và thống nhất cao với đề nghị của Bộ
Chính trị về việc bầu bổ sung 2 Uỷ viên Ban Bí thư khoá XII. Đồng chí Phan Đình
Trạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban
thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; và đồng chí Nguyễn
Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã trúng cử với số phiếu rất
tập trung.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật đối
với đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng
bằng hình thức cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cách chức Uỷ viên Ban Thường
vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cho
thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII vì đã có những
khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Dư luận đại đa số cán bộ, đảng viên và
nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc vừa nhân văn, thấu lý đạt
tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa
chung rất sâu sắc.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khoá XII diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang có nhiều chuyển
biến tích cực, khá toàn diện và đồng bộ kể từ sau thành công Đại hội XII của Đảng.
Trong gần 2 năm qua, nhất là năm 2017, toàn hệ thống chính trị đã tích cực vào
cuộc, đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, kiên trì, kiên quyết triển khai
thực hiện các nhiệm vụ chiến lược: Phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc
phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Quan
hệ đối ngoại được mở rộng; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
ngày càng được nâng cao.
Kết quả hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ góp phần quan trọng để đưa Nghị quyết Đại hội
XII của Đảng vào cuộc sống, tạo khí thế mới trong toàn Đảng, toàn dân ta, thúc
đẩy việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội nhanh, bền vững và xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đó là những bằng chứng sát thực nhất để phản bác lại những suy diễn chủ quan,
xuyên tạc của các nhà dân chủ tự xưng./.
Tất cả những kẻ bán nước cầu vinh phải bị pháp luật trừng trị thích đáng
Trả lờiXóa