Tăng cường hợp tác, cùng nhau phối hợp hành
động chung đang là xu thế và giải pháp quan trọng nhằm đối phó với các vấn đề
an ninh phi truyền thống hiện nay. Trong thời gian tới, các mối quan hệ hợp tác
này càng cần được nâng cao hơn nữa cả về hiệu quả và tính thiết thực.
Ở khu vực Đông Nam Á, các nước ASEAN và các
nước đối thoại đã xây dựng các chương trình và kế hoạch hợp tác trên lĩnh vực
an ninh phi truyền thống, bao gồm các cơ chế và khả năng hợp tác cụ thể. Các
chương trình và kế hoạch hợp tác đã thể hiện rõ sự cần thiết khách quan và tầm
quan trọng của những hợp tác song phương và đa phương trong nội khối, cũng như
sự hợp tác giữa các nước ASEAN với các đối tác đối thoại trong việc đối phó với
vấn đề an ninh phi truyền thống. Những thách thức an ninh mà khu vực đang phải
đối mặt như an ninh biển, chủ nghĩa khủng bố, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh
truyền nhiễm, an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, được các Tư
lệnh Quốc phòng các nước ASEAN nhất trí coi là những vấn đề cần được ưu tiên
hợp tác hiện nay và xác định cần tăng cường khả năng quân đội tham gia giải
quyết các vấn đề khu vực, tăng cường xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng thông
qua trao đổi trực tiếp các cấp.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2004 đã xác
định: "Những vấn đề chưa được giải quyết, liên quan đến tranh chấp biên
giới, lãnh thổ trên bộ, trên biển cùng những vấn đề an ninh phi truyền thống
khác như buôn bán và vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, tội phạm
có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, nhập cư và di cư trái phép, suy thoái môi
trường, sinh thái... cũng là những mối quan tâm an ninh của Việt Nam"([1]).
Như vậy, những mối đe dọa an ninh phi truyền thống đối với nước ta không chỉ từ
các vấn đề trong nước, mà còn từ các vấn đề khu vực và thế giới, đặc biệt là
các vấn đề khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, tội phạm công nghệ
cao.
Nhiệm vụ an ninh của nước ta
trong thời kỳ mới không chỉ là vấn đề giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội,
bảo đảm an ninh quốc gia, mà còn phải góp phần làm thất bại mọi sự chống phá
của các thế lực thù địch, bảo đảm "sự ổn định, phát triển bền vững của chế
độ", "sự bất khả xâm phạm, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ
của Tổ quốc"([2]). Giữ vững an ninh quốc gia, đối
phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống là một nội dung quan trọng của
nhiệm vụ "trọng yếu, thường xuyên" hiện nay của nước ta.
Yêu cầu đối phó với vấn đề an ninh phi truyền thống
hiện nay là phải trực tiếp phục vụ cho mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc mà Đại hội
XI của Đảng đã xác định: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân
và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị
và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn,
làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực
thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta"([3]). Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quy định
những vấn đề về bảo đảm an ninh quốc gia, bao gồm cả việc đối
phó với các mối đe dọa an ninh truyền
thống và phi truyền thống.
Để đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, cần thực
hiện nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện.
- Trước hết, cần quán triệt
sâu sắc quan điểm của Đảng: "Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời
sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh"([4]). Theo đó, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã
hội, thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo
dục, khoa học công nghệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của
nhân dân, tăng cường quốc phòng và an ninh... là những vấn đề cơ bản tạo nền
gốc vững chắc cho việc đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
- Nâng cao ý thức cho mọi tầng lớp nhân dân
về bảo vệ Tổ quốc theo yêu cầu của thời kỳ mới. Quán triệt và giáo dục sâu rộng
mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần của Đại hội XI của Đảng cho
toàn xã hội, đặc biệt là cho cán bộ, đảng viên. Tổ chức nghiên cứu một cách có
hệ thống và toàn diện các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; tăng cường tuyên
truyền, trao đổi thông tin về các mối đe dọa an ninh, quốc phòng. Nâng cao nhận
thức và ý thức trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của chính quyền các
cấp, của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân
trong đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trong thực hiện
nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
- Mở rộng quan hệ đối ngoại, "tích cực
hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc đối phó với
những thách thức an ninh phi truyền thống, và nhất là tình trạng biến đổi khí
hậu"([5]); đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ
chức quốc tế, các cơ quan an ninh, cảnh sát của các nước trong vấn đề an ninh
phi truyền thống, đấu tranh chống khủng bố, phòng chống tội phạm xuyên quốc
gia; thiết lập hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế hợp tác với các nước trong
khu vực và quốc tế, với các tổ chức quốc tế có liên quan; chú trọng tăng cường
quan hệ hợp tác với các nước ASEAN trong đối phó với các mối đe dọa an ninh phi
truyền thống, đặc biệt trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, bảo
đảm an ninh biển, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, thảm họa thiên
nhiên, với các chương trình, kế hoạch và cơ chế phù hợp.
Vấn đề an ninh phi truyền thống là một nội
dung rất quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân
ta trong thời kỳ mới. Đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống
vừa là yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc, vừa là điều kiện quan trọng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ, giữ vững hòa bình, ổn
định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Thực
hiện nhiệm vụ này đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực của toàn xã hội, sự quyết tâm
rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, với những giải pháp, biện pháp phù
hợp và hiệu quả.
Những giải pháp này rất hay
Trả lờiXóa