Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Cảnh giác với thông tin không có thật, nhằm dụng ý xấu trên internet và mạng xã hội


Hiện nay, trên in-tơ-nét và mạng xã hội có đủ loại thông tin, trong đó có không ít thông tin không có thật, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt nhằm phá hoại đất nước. Đáng mừng là đa số người đọc tỏ rõ sự bất bình, phản đối thì đáng tiếc vẫn còn số ít nhẹ dạ cả tin, thậm chí hùa theo, vô tình “nối giáo cho giặc”. Vì thế, hãy hết sức cảnh giác, thận trọng khi tiếp nhận thông tin trên.
Sự bùng nổ về lượng người dùng, khả năng lan truyền cũng như sự tác động mạnh đến người đọc của in-tơ-nét và mạng xã hội đã và đang bị kẻ xấu lợi dụng, gieo rắc những thông tin không có thật, bịa đặt, gây mơ hồ, hoang mang trong dư luận xã hội. Bằng các hình thức khác nhau, những kẻ thù địch dựng lên những câu chuyện “giả mà như thật” hoặc có một phần sự thật rồi “thêm mắm, thêm muối” để nói như thật, làm cho người tiếp nhận thông tin hiểu sai bản chất sự việc, suy diễn theo ý đồ xấu của họ. Qua tổng hợp những thông tin trên in-tơ-nét và mạng xã hội cho thấy, sự tưởng tượng của họ khá “phong phú”, vẽ ra bức tranh mới quá xám màu, đầy tiêu cực về tình hình đất nước ta: “Đảng và Nhà nước biến chất; cán bộ, đảng viên suy đồi; xã hội thối nát, rối loạn”, rồi suy diễn, bình luận, ngụy biện hòng làm “sáng tỏ” vấn đề. Lợi dụng tâm lý hiếu kỳ của một số người dùng mạng xã hội, họ sử dụng công nghệ số để lắp ghép sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác; nhặt nhạnh, chắp nối một số tư liệu đã công bố, trích dẫn “đông, tây, kim, cổ”, tổng hợp các thông tin không thể kiểm chứng để bổ sung cho có vẻ xác thực, thêm thắt một số chi tiết mùi mẫn, nhằm tạo ra những sự kiện “giật gân”, gợi sự tò mò của người đọc hòng biến cái không có thật “trở thành có thật”.
Trước những vấn đề dư luận trong nước quan tâm, nhất là những nội dung mà Đảng và Nhà nước đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, như: công tác xây dựng Đảng, chống tham nhũng lãng phí, bảo vệ môi trường, tăng cường kỷ cương phép nước,… họ đăng tải các bài viết, hình ảnh xuyên tạc theo kiểu trên để nói xấu Đảng và Nhà nước, chế độ, kích động chống phá chủ nghĩa xã hội. Khi Đảng ta cảnh báo về các nguy cơ “lợi ích nhóm”, “chủ nghĩa tư bản thân hữu”,… họ lập tức tung ra các luận điệu: “Đảng Cộng sản là nhóm lợi ích lớn nhất”, “Đảng và Nhà nước Việt Nam trở thành công cụ cho một nhóm người cai trị, tham nhũng và bóc lột nhân dân”, v.v. Trên You Tube và một số blog, họ dựng lên những câu chuyện nhảm nhí về Đảng, ngụy tạo những thông tin để nói xấu cán bộ cấp cao, nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước ta, làm ra vẻ như nội bộ Đảng có “vấn đề”, “phe này, phái kia”, “tranh giành quyền lực và thanh trừng lẫn nhau” để gây hỏa mù dư luận, làm lung lạc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ.
Không chỉ thế, họ còn tập hợp thông tin phản ánh các vụ việc tiêu cực trên báo chí, rồi nhào nặn lại một cách ác ý; cho ra đời các clip về những tiêu cực của cảnh sát giao thông, về ô nhiễm môi trường, hay dàn dựng các vụ xô xát giữa lực lượng chức năng với một số người quá khích,… để vu khống chính quyền, kích động tụ tập chống đối. Họ đẩy mạnh tuyên truyền tập hợp lực lượng, thành lập các hội, nhóm bất hợp pháp, như: “Văn đoàn độc lập Việt Nam”, “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” dưới vỏ bọc là các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”,… đứng lên hô hào đấu tranh cho “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” ở Việt Nam. Họ kích động văn nghệ sĩ đòi “tự do” sáng tác và công bố các tác phẩm văn học, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn học, văn nghệ. Mặt khác, họ công khai “đặt hàng” và “trả thù lao cao” cho các bài viết chống phá đất nước; khuyến khích thanh niên tham gia Facebook với luận điệu “Mỗi người viết là một nhà văn, nhà báo, một nhà tổ chức sự kiện và cũng là một tổng biên tập tự do thực sự”, v.v. Sau khi được đẩy lên mạng xã hội, những sản phẩm này đương nhiên sẽ được “tung hứng” tại nhiều địa chỉ của một số cá nhân, tổ chức có tư tưởng thù địch với Việt Nam. Song, điều đáng nói là, những thông tin độc hại đó lẽ ra phải bị tẩy chay, phê phán, bác bỏ, thì vẫn còn một số người, trong đó có nhiều người trẻ tuổi, lại tò mò truy cập, thậm chí còn bình luận, phát tán, chia sẻ với bạn bè. Đây là những hành vi sai trái, nguy hiểm. Bởi, làm như thế, dù vô tình hay hữu ý, đã góp phần tuyên truyền, cổ súy cho các luận điệu phản động chống phá đất nước.


1 nhận xét:

  1. Hiện nay có rất nhiều thông tin xấu độc tràn lan trên các trang MXH, người đọc nên chọn những trang chính thống

    Trả lờiXóa