Nghề dạy học là một nghề có từ xa
xưa, nhưng cũng là một nghề tồn tại mãi mãi với sự phát triển của nhân loại.
Chính vì tinh thần hiếu học, vì yêu cái chữ mà người dân Việt Nam chúng ta
quý trọng vô cùng những người làm nghề dạy học. Người học trò bao giờ cũng kính
trọng thầy, bởi vì trong tiềm thức họ những người thầy là những người khai tâm,
khai trí, là những người đã thức tỉnh và hình thành nhân cách cho mình.
Nghề dạy học quả là vinh dự mà cũng thật khó khăn. Nghề dạy
học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nhưng với không ít thầy cô
để có thể gắn bó với nghề, tiếp tục cống hiến và truyền lửa cho các thế hệ học
trò là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua những khó khăn trong
cuộc sống đầy bộn bề, lo toan. Người thầy giáo dạy học trò của mình đâu phải
chỉ có dạy kiến thức, quan trọng hơn là dạy làm người. Vì công lao đó, xã hội
đã ví người giáo viên như những người kỹ sư và ưu ái, trân trọng dành cho người
giáo viên cái tên rất đẹp đẽ, tràn đầy ý nghĩa và gần gũi với nghề của mình. Đó
là: "Người kỹ sư tâm hồn"! Bằng cái tài và cái tâm, người giáo viên
đã tạo ra những con người không chỉ có tri thức, hiểu biết, mà còn có một trái
tim rộng lớn, bao la. Để có được điều đó, thầy phải yêu trò như con mình, hiểu
các em đang nghĩ gì, đang vui gì và đang mơ ước những gì... Không có cái tâm,
lòng yêu thương ấy, dù khéo léo đến đâu, người thầy cũng khó cảm hóa được học
trò, nhất là trong trường hợp gặp những học sinh cá biệt, trẻ không ngoan. Nghề
dạy học nhiều khi dạy những điều chưa có trong sách vở hay giáo án.
Mọi người thường hay ví người thầy giáo như người lái đò
chở khách sang sông. Khách lên bờ có mấy ai ngoảnh lại, chỉ có người lái đò vẫn
dõi trông theo. Có sự tương đồng rất rõ trong đặc điểm nghề nghiệp của người
thầy và người chèo đò: tiếp xúc với số đông liên tục hết chuyến đò này đến
chuyến đò kia cũng như với hết thế hệ học trò này đến thế hệ học trò kia. Thầy
có thể không nhớ hết trò nhưng trò lại nhớ rất rõ thầy cô giáo đã dạy mình.
Thêm nữa, cả hai nghề này lại có một tương đồng là tận tâm, miệt mài và lặng
thầm dâng hiến.
Thời kỳ đổi mới, đòi
hỏi sản phẩm giáo dục phải có phẩm chất, có năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Vì
lẽ đó, phẩm chất và nhân cách nhà giáo cũng được quy định thêm bởi nhiều yếu
tố, nhưng cốt lõi vẫn là tri thức và lòng yêu thương học sinh. Trong cuộc sống
ngày nay, nghề dạy học đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết
chịu đựng và vượt qua khó khăn trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho những
thế hệ tương lai của đất nước. Một nghề nghiệp mà cho dù hoàn cảnh, cuộc sống
chung có khó khăn hay cuộc đời riêng nhiều trắc trở, cũng chẳng ai cho phép
mình được u sầu, bất mãn trước học trò. Vẫn biết cuộc sống không chỉ có tinh
thần mà còn cần lắm những phương tiện vật chất. Tuy nhiên, nếu ai coi nghề giáo
là nghề để làm giàu sẽ rất dễ sa ngã, sẽ không toàn tâm toàn ý với nghề. Nghề
nào cũng vậy, nhất là nghề giáo thì cần phải trải qua thử thách khó khăn lâu
dài mới trở thành một nhà giáo có bản lĩnh, có tâm, có đức và có tài.
Giữa bộn bề lo toan, bao đua chen xuôi ngược, vẫn còn nhiều
học trò dành cho thầy cô của mình những tình cảm thiết tha sâu lắng, chân tình
trao gửi những ơn sâu nghĩa nặng để người thầy thắp thêm lửa nhiệt huyết với
nghề của mình. Trách nhiệm vun đắp cho ngành giáo dục hôm nay là trách
nhiệm của toàn xã hội, trong đó một điều chắc chắn là có một phần
trách nhiệm không nhỏ của đội ngũ nhà giáo.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Kính chúc
các Thầy, Cô giáo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công
trong sự nghiệp trồng người đầy vinh quang và cao quý.
Viết như lol
Trả lờiXóaNghề này là nghề rất cao quý
Trả lờiXóa