“An ninh phi truyền thống” là một khái niệm mới
xuất hiện và được bàn đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Đây là mối quan
tâm lớn của các quốc gia dân tộc trên thế giới, là một trong những chủ đề quan
trọng trong nhiều diễn đàn quốc tế, trong nội dung của các quan hệ song phương,
đa phương và được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu.
Sau Chiến tranh lạnh, xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, thế
giới bước vào
giai đoạn trong đó xu thế hợp tác và
phát triển kinh tế là chủ yếu đã và đang mang đến sự phồn thịnh cho nhiều quốc gia, khu
vực. Tuy nhiên, quá trình hợp tác, hội nhập này cũng làm nảy sinh
nhiều vấn đề mới, đe dọa đến an ninh, chủ quyền của các quốc gia dân tộc
và cuộc sống của con người. Khái niệm an ninh phi truyền
thống ra đời
trong bối cảnh đó và được sử dụng rộng rãi, phổ biến trên nhiều diễn đàn quốc
tế về các vấn đề, từ chính trị, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, xã hội trong
chiến lược quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia dân tộc, cũng như trong hợp
tác an ninh của nhiều khu vực và thế giới, sau khi diễn ra sự kiện khủng bố
ngày 11-9-2001 ở Mỹ.
Tuy
nhiên, cho đến nay, việc nhận thức và xác định những vấn đề “an ninh phi truyền
thống” vẫn chưa có sự thống nhất. Một số nghiên cứu viện dẫn quan niệm của Liên hợp
quốc về vấn đề an ninh
phi truyền thống trong 7 lĩnh
vực chính: kinh
tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Có
nghiên cứu quy vấn đề an ninh phi truyền thống vào 5 lĩnh vực cơ bản: kinh tế,
môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa. Một quan điểm khác phân chia an ninh
phi truyền thống thành 6 nhóm chính: ô nhiễm môi trường, tình trạng thiếu hụt
tài nguyên, tội phạm xuyên quốc gia, nạn khủng bố, dịch bệnh truyền nhiễm
và thảm họa địa chất.
Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 giữa
các nước ASEAN và Trung Quốc tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) đã ra Tuyên bố chung
ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống, xác định
an ninh phi truyền thống là những vấn đề: tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ma
túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn
lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao.
Các quan niệm nêu trên dù
không hoàn toàn giống nhau, nhưng đã cố gắng xác định các vấn đề an ninh phi
truyền thống, để qua đó thấy được sự khác biệt với vấn đề an ninh truyền thống.
Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các
mối quan hệ, các mặt của đời sống xã hội ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau,
thâm nhập, đan xen, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau.
Vì thế, khái niệm an ninh và
khái niệm quốc phòng cũng được mở rộng hơn; trong nhiệm vụ quốc phòng có yếu
tố nhiệm vụ an ninh, trong nhiệm vụ an ninh cũng có yếu tố nhiệm vụ quốc phòng,
cả quốc phòng và an ninh đều nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ
Tổ quốc. Trong bối cảnh đó, việc
tách biệt đâu là vấn đề an ninh truyền thống và đâu là an ninh phi truyền
thống cũng chỉ mang tính tương đối bởi sự đan xen, chồng lấn nội dung giữa
chúng. Chẳng hạn, sự khủng hoảng, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, nguồn
nguyên liệu, đặc biệt là năng lượng, đã dẫn đến các cuộc tranh đoạt tài nguyên,
và, trong không ít trường hợp, vũ lực đã được sử dụng để phân thắng, bại. Tội
phạm công nghệ cao không chỉ tấn công vào hệ thống các lĩnh vực kinh tế, tài
chính… mà còn thâm nhập vào các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, quân sự, quốc
phòng. Những biến động chính trị, bạo loạn, xung đột dẫn đến lật đổ chế độ, ở
một số nước Phi và Trung Đông vừa qua, bắt nguồn từ những lời kêu gọi
được truyền đi trên các trang mạng xã hội. Người ta
đã nói đến các cụm từ: "cách mạng xã hội trên In-tơ-nét", "cách
mạng từ In-tơ-nét" như là đặc điểm nổi bật của tình trạng biến động, bạo
loạn này.
Khái niệm an ninh phi truyền thống với những nội dung cụ
thể của nó, rõ ràng mang tính chất “động”, cùng với thời gian, nội hàm của nó
có thể còn được mở rộng hơn. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà cách đặt vấn đề
an ninh phi truyền thống của các quốc gia, khu vực và cộng đồng có những điểm
khác nhau nhất định. Việc khuôn những vấn đề cụ thể nào đó trong nội hàm của
vấn đề an ninh phi truyền thống như các nhận thức trên đều mang ý nghĩa tương
đối, nhằm phục vụ cho việc hoạch định, xây dựng chính sách, chiến lược an ninh
của đất nước và những cam kết an ninh song phương, đa phương trong hợp tác,
liên kết quốc tế nhất định.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa