Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI CÁC DẠNG THỨC XUYÊN TẠC SỰ THẬT CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRÊN MẠNG INTERNET HIỆN NAY


          Xuyên tạc sự thật là một thủ đoạn cơ bản trong Chiến lược “Diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực chính trị tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam. Mục đích của hoạt động này nhằm làm biến đổi nhận thức, tâm lý, tình cảm của cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng theo hướng đi từ đúng đắn đến hoài nghi, dao động, mất niềm tin, bức xúc bất mãn dẫn tới những hành động trái với quan điểm, đường lối của Đảng, vi phạm hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; tạo cơ sở xã hội  cho chúng tập hợp lực lượng vào trong các tổ chức phản động.
Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh các hoạt động xuyên tạc sự thật với sự phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, phương tiện, trong đó, mạng Internet là một phương tiện phổ biến. Do đó, nâng cao khả năng nhận diện, đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc sự thật trên mạng Inernet hiện nay là yêu cầu khách quan, trực tiếp góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Nghiên cứu hoạt động xuyên tạc sự thật trên mạng Internet của các thế lực thù địch một cách hệ thống, chúng ta có thể nhận diện qua một số dạng thức cơ bản sau:
          Một là, đưa hiện tượng, sự kiện có thật nhưng cố tình đánh giá, bình luận, lý giải nguyên nhân sai lệch để hướng người đọc đến nhận thức sai lầm về bản chất. Đây là một thủ đoạn chủ yếu được các thế lực thù địch sử dụng phổ biến để xuyên tạc sự thật, chống phá cách mạng Việt Nam. Sử dụng dạng thức này các thế lực thù địch hướng độc giả hướng tới một nhận thức hỗn tạp giữa cái chân thật, khách quan với cái chủ quan đầy giả dối và mưu đồ đen tối. Các tin, bài thường chứa đựng thông tin khá chính xác về thời gian, địa điểm, chủ thể thực hịên; điều đó làm cho độc giả có cảm giác tin rằng đây là điều có thật. Tính chất phản động được thể hiện ở việc bình luận sai lệch bản chất, nguyên nhân của hiện tượng trên, đưa ra các phán đoán về cách xem xét, giải quyết của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
          Hai là, Đánh giá khách quan một đối tượng, làm  điểm tựa để xuyên tạc, bôi đen một đối tượng khác. Dạng thức này thường được dùng để xuyên tạc bôi nhọ lãnh tụ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Mục đích nhằm từng bước làm suy giảm, dần mất niềm tin vào những cá nhân đã được lịch sử ghi nhận, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Mặt khác, lợi dụng công tác luân chuyển cán bộ trong hệ thống chính trị, chúng ra sức tuyên truyền, bịa đặt về sự hình trên thực tế những bè phái, vây cánh, triệt hạ lẫn nhau trong hệ thống chính trị. Kẻ viết luôn tự đặt mình là người trong cuộc, được tiếp cận các thông tin đáng tin cậy từ nội bộ các cơ quan công quyền.
          Ba là, xâu chuỗi các sự kiện đơn lẻ thành hệ thống logic hình thức thuần túy để rút ra kết luận, khái quát vấn đề sai trái về bản chất. Bản chất của sự vật, hiện tượng không tồn tại thuần túy nên muốn nhận thức được bản chất của sự vật phải xuất phát từ những việc nhận thức từng sự vật hiện tượng trong sự vận động, biến đổi của nó ở nhiều trạng thái khác nhau và trong tổng thể quan hệ với các sự vật hiện tượng khác. Các thế lực thù địch đã lợi dụng đặc điểm này để xâu chuỗi các sự kiện đơn lẻ không có quan hệ bản chất với nhau tạo thành một hệ thống logic hình thức thuần túy để rút ra kết luận sai trái về bản chất vấn đề. Dạng thức này được các thế lực thù địch sử dụng nhiều trong việc hệ thống các vấn đề hạn chế, yếu kém, gây bức xúc trong xã hội để kết luận về bản chất xã hội.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa xuyên tạc lịch sử và xuyên tạc hiện thực. Chúng thường xuyên “bới móc” những sai lầm, khuyết điểm của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng, mặc dù những sai lầm, khuyết điểm đó đã được Đảng nghiêm khắc tự kiểm điểm, kết luận rõ ràng. Khi lý giải đánh giá, bình luận các sự kiện lịch sử luôn tìm cách phủ nhận ý nghĩa to lớn, giá trị lịch sử vốn có, đồng thời vu khống những ảnh hưởng, hệ quả tiêu cực lâu dài của sự kiện hiện tượng đó. Từ những hiện tượng tiêu cực trong xã hội vốn không phải là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa của nước ta, chúng đưa tin, viết bài, bình luận, đánh giá kết hợp với lựa chọn các vấn đề lịch sử cùng lĩnh vực còn có sự khác nhau về quan điểm nhìn nhận, đánh giá để trực tiếp hoặc gián tiếp phê phán, phủ nhận những giá trị đích thực của mô hình xã hội tốt đẹp chúng ta đang phấn đấu.
          Như vậy, để  xuyên tạc trắng trợn sự thật, các thế lực thù địch sử dụng nhiều dạng thức với các thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt. Do đó, nhận diện chính xác và đấu tranh hiệu quả với  các dạng thức xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch qua các tin, bài trên mạng Internét hiện nay không chỉ là đòi hỏi khách quan mà còn là cuộc đấu tranh rất cam go, quyết liệt.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét