Điểm nổi bật
trong những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 30 năm đổi mới ở Việt Nam là sự phát
triển thần kỳ của nền kinh tế. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90%
dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ
tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. So với
thời kỳ trước đổi mới, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc
độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên (đạt ngưỡng thu
nhập trung bình), đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; đồng thời tạo ra
nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đội
ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã thực sự trở thành lực lượng quan trọng để thực
hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về tăng
trưởng kinh tế, trong suốt 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao
hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới. Sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) với mức
tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, thời kỳ 1991-1995, GDP bình
quân tăng 8,2%/năm gấp đôi so với 5 năm trước đó; giai đoạn 5 năm tiếp theo
1996-2000, mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực
(1997-1999), GDP vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/ năm. Giai đoạn 2001-2005, GDP
tăng bình quân 7,34%; giai đoạn 2006-2010, do suy giảm kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt tốc
độ tăng trưởng GDP bình quân 6,32%/năm. Trong các năm tiếp theo, do chịu tác
động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công
2010, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 của Việt Nam tuy đã chậm lại
nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới.
Quy mô nền kinh tế tăng nhanh.
Năm 2003, sau 16 năm đổi mới, GDP bình quân đầu người ở nước ta mới chỉ
đạt 471 USD/năm thì đến năm 2015, quy mô nền kinh tế đã đạt khoảng 204 tỷ USD,
thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD. Lực lượng sản xuất có nhiều
tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng tăng trưởng có mặt được cải
thiện, trình độ công nghệ sản xuất có bước được nâng lên. Đóng góp của yếu tố
năng suất tổng hợp TFP vào tăng trưởng nếu ở giai đoạn 2001-2005 chỉ đạt 21,4%,
giai đoạn 2006-2010 đạt 17,2% thì trong giai đoạn 2011-2015 đã đạt 28,94%. Kinh
tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Cơ cấu kinh
tế của Việt Nam
đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch
theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công
nghiệp. Cơ cấu thành phần kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy
tiềm năng của các thành phần kinh tế và đan xen nhiều hình thức sở hữu. Cơ cấu
lao động có sự chuyển đổi tích cực gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu
kinh tế. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có cải thiện đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu
thường xuyên tăng với tốc độ hai con số, giai đoạn 2011-2015 tăng đến
18%/năm. Xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng sản phẩm công
nghiệp và giảm dần tỉ trọng sản phẩm nông nghiệp, giảm dần sản phẩm nguyên liệu
thô. Đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho phát triển
kinh tế vùng, miền và cả nước. Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập
trung nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển, đồng thời hình thành các vùng chuyên
môn hoá cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến công nghiệp. Các ngành, lĩnh vực
của nền kinh tế đều có bước phát triển khá. Ngành công nghiệp và xây dựng duy
trì tốc độ tăng trưởng khá liên tục, tốc độ triển khai ứng dụng các thành tựu
khoa học và công nghệ được cải thiện. Sản phẩm công nghiệp phát triển ngày càng
đa dạng và chất lượng, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm cung cầu
của nền kinh tế, giữ vững thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất
khẩu; chú trọng đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ
cao. Khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định; công nghiệp hóa, hiện
đại hóa nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển biến quan trọng, từ lúc cả nuớc còn
thiếu ăn nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, đứng thứ hai
thế giới, góp phần vào an ninh lương thực quốc tế; xuất khẩu cà phê, cao su,
hạt điều, hạt tiêu, thủy sản với khối lượng lớn đứng thứ hạng cao trên thế
giới.
Tăng trưởng
kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người,
tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh
tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát
triển. Từ chỗ nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết việc làm đã
dần chuyển trọng tâm sang thiết lập cơ chế, chính sách để các thành phần kinh
tế và người lao động đều tham gia tạo việc làm; từ chỗ không chấp nhận có sự
phân hóa giàu - nghèo đã đi đến khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi
với tích cực xóa đói giảm nghèo. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; hệ
thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phát triển khá đồng bộ, đặc biệt là
trong vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã
hội, chính sách ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, chính sách bảo
hiểm y tế toàn dân tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn
hóa, y tế và giáo dục.
Ba mươi năm
đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều
cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn
cầu. Việt Nam
đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Tích cực
xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn
theo cam kết WTO. Cho đến nay đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam
là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt
Nam. Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do khu vực và song
phương (gồm 06 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN; 4 FTA đàm phán với
tư cách là một bên độc lập); vừa hoàn tất đàm phán 2 FTA (Liên minh châu Âu và
TPP); đang tích cực đàm phán 3 FTA khác (ASEAN - Hồng Kông; EFTA; RCEP). Việc
tham gia ký kết và đàm phán tham gia các FTA có tác động tích cực tới phát
triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm,
nhất là đến nay Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò ngày càng
quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đó là: Chuỗi giá trị lương thực và an
ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí,
than) và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét