Âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống
phá cách mạng nước ta rất thâm độc và xảo quyệt, chúng tiến hình chống phá trên
mọi lĩnh vực, trong đó có âm mưu phá hoại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã
hội dẫn đến làm mất ổn định chính trị của nước ta. Thực hiện mưu đồ đó, trong
thời gian vừa qua các phần tử cơ hội chính trị trong nước và bọn phản động
ngoài nước đang ra sức lợi dụng quyền
dân chủ, những bất cập trong cơ chế, chính sách để cố tình dây dưa, tham gia
khiếu kiện, tố cáo kéo dài, vượt cấp. Các đối tượng này cũng sẵn sàng lôi kéo,
kích động các hộ khác tham gia khi có vấn đề liên quan đến quyền lợi với phương
châm “đúng thì tốt, không đúng cũng chẳng sao”, gần đây nhất là qua sự cố môi
trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, khiếu kiện về đất đai ở Tây Nguyên và nhiều
nơi trong cả nước... Mục đích khiếu kiện, khiếu nại còn mang màu sắc chính
trị phản động, chống phá chính quyền nhân dân, môi trường đầu tư của nước ta để
phá hoại nền kinh tế. Điều này được thể hiện rõ qua các khẩu hiệu mà “dân oan”
đưa ra trong các cuộc tụ tập, biểu tình. Đó là những khẩu hiệu tuyên truyền
xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tạo ra những luồng dư luận
trái chiều trong quần chúng nhân dân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng còn sử dụng
người già, phụ nữ, trẻ em như một công cụ, phương tiện để tiến hành chống lại sự
cưỡng chế của các lực lượng chức năng. Nhiều nơi có thể tạo thành những điểm
nóng về chính trị - xã hội rất nguy hiểm. Việc làm này, tạo điều kiện cho các
trang mạng phản động trong và ngoài nước xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi
phạm “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”.
Như vậy, chúng ta có thể thấy thủ đoạn
lợi dụng khiếu kiện, tố cáo để chống phá chính quyền nhân dân là hết sức nguy
hiểm và nó ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước.
Chính vì vậy, mà mỗi người dân chúng ta cần nâng cao cảnh giác, không để cho
các đối tượng xấu lợi dụng kích động chống phá chính quyền.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công
tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp
luật trong lĩnh vực này và xác định giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm
của các cơ quan nhà nước; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo một mặt
để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, một mặt sẽ góp phần giữ vững
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy
nhiên, thời gian gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo đang diễn ra bức xúc, gay
gắt ở nhiều nơi, biểu hiện rõ nhất là số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ khiếu
kiện thiếu kiềm chế, đơn thư gửi tràn lan..., có lúc, có nơi trở thành đặc biệt
phức tạp, đặc biệt gay gắt. Trong số đó, phần lớn khiếu nại, tố cáo đều nảy
sinh từ xã, phường, thị trấn - cơ quan quản lý toàn diện kinh tế - xã hội ở cơ
sở. Theo dự báo của Thanh tra Chính phủ, bên cạnh những vụ việc khiếu nại, tố
cáo tồn đọng, kéo dài, bức xúc trước đây chưa được giải quyết dứt điểm, thì hiện
nay lại phát sinh một số vụ việc mới và điều
đáng quan tâm là một số vụ việc có dấu hiệu bị các thế lực thù địch và kẻ xấu kích
động, xúi giục nhân dân đi khiếu kiện đông người, phức tạp, làm ảnh hưởng đến
an ninh trật tự tại một số địa bàn.
Để nâng cao hiệu
quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay, kịp thời ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn
chống phá của các thế lực thù địch, cần triển khai thực hiện tốt một số giải
pháp sau:
Thứ nhất, đề cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị
trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trước hết là nhờ vai trò lãnh đạo
của các cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, nhất là ở cấp cơ sở. Các cấp
ủy có nghị quyết lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cấp chính
quyền có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, phân công
trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể để giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc
khiếu nại, tố cáo. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên kiểm tra,
đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm
quyền.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước phải củng cố và chấn chỉnh công tác tiếp công dân, thực
hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh
nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác tiếp dân. Những vụ việc phức tạp các đồng
chí lãnh đạo phải đích thân tiếp dân, đối thoại với công dân và trực tiếp chỉ đạo
giải quyết với tinh thần "giải quyết để bảo đảm yên dân chứ không giải quyết
xong việc".
Thứ ba, các cơ quan
thanh tra Nhà nước tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố
cáo đối với thủ trưởng và cán bộ, công chức có trách nhiệm của các cơ quan hành
chính nhà nước cấp dưới, tập trung vào những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố
cáo kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp; chất lượng, hiệu quả giải quyết
khiếu nại, tố cáo thấp; không chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên... để
làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị chấn chỉnh những tồn tại, yếu
kém, xử lý công khai, nghiêm minh những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, vi
phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm thiết lập trật tự, kỷ
cương, tăng cường hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ tư, đẩy mạnh công
tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân; tăng
cường vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật và các quyết định giải
quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu
nại, tố cáo để kích động, gây rối thì phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh
theo pháp luật.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo
sự đồng bộ, nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật;
chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là
trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân sách, chính sách xã hội;
thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để công dân
tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công
dân; đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham
nhũng nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, hài hòa, tạo động lực mới trong
phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét