Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình phát triển,
chủ nghĩa Mác -Lênin luôn phải đối mặt với đủ loại trào lưu tư tưởng đối
nghịch, từ các học giả tư sản đến những kẻ cơ hội - xét lại nằm ẩn núp trong phong
trào công nhân. Tất cả, dù dưới hình thức nào, cũng đều chung một mục đích là
nhằm bóp chết chủ nghĩa Mác, loại bỏ mọi ảnh hưởng của nó đối với giai cấp công
nhân và nhân dân lao động nói riêng, loài người nói chung để duy trì sự thống
trị lâu dài của chủ nghĩa tư bản. Khi các ông còn sống, bằng những lý luận sắc
bén và giàu sức thuyết phục, cùng với thực tiễn thắng lợi của phong trào cộng
sản và công nhân quốc tế, tất cả những trào lưu tư tưởng đối lập đó đều lần
lượt bị đánh bại, đẩy lui. Nhưng cũng như mọi cuộc cách mạng xã hội đã từng
diễn ra trong lịch sử, cách mạng xã hội chủ nghĩa không phải (và không thể) chỉ diễn
ra một cách thuận lợi, với những thắng lợi đi lên không ngừng. Nó không thể
không trải qua những bước thử nghiệm đầy khó khăn, thử thách, không thể tránh
khỏi những khi thất bại, những bước thụt lùi. Chính khi đó, những kẻ cơ hội,
những phần tử chống đối lại được dịp trỗi dậy, dùng mọi biện pháp để phủ nhận
tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà sự sụp đổ của mô hình
chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu là một ví dụ. Hơn hai mươi năm
sau tổn thất to lớn đó của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mặc cho những
sự thật lịch sử đã được đánh giá, nhìn nhận ngày càng khách quan và toàn diện,
thông qua hàng trăm cuộc hội thảo, hàng ngàn cuốn sách đã được xuất bản để bàn
về nguyên nhân sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô và Đông Âu, mà phần
lớn đều khẳng định là do sự áp đặt máy móc, chủ quan, duy ý chí chủ nghĩa Mác
vào thực tiễn, là do sai lầm chủ quan trong tổ chức thực hiện, do sự chống phá
của các thế lực thù địch, trực tiếp nhất là các nước tư bản chủ nghĩa; các học
giả tư sản, các phần tử cơ hội - xét lại trong phong trào công nhân vẫn cố tìm
mọi cách bỏ qua những phân tích đó để gán ghép sự sụp đổ này với sự cáo chung
của chủ nghĩa Mác. Chúng đua nhau mọc lên như nấm sau mưa, coi đó là cơ hội có
một không hai để “kết liễu” học thuyết Mác. Nhiều kẻ lớn tiếng cho rằng, cách
mạng vô sản “thảm bại” là do “học thuyết Mác - Lênin về bản chất là đã sai lầm
từ gốc”! Nhưng khi đọc những bài viết của những kẻ được coi là “học giả” này,
chỉ cần có một chút kiến thức lý luận, người đọc cũng dễ dàng nhận ra sự luẩn
quẩn, bế tắc, thiếu thuyết phục trong lập luận của chúng. Càng cố phân tích,
chứng minh cái “sai lầm từ gốc” của học thuyết Mác, chúng càng bộc lộ rõ hơn sự
“thảm bại” về lý luận của mình.
Trước hết, chúng cho rằng cái “sai lầm từ gốc” của học
thuyết Mác - Lênin bắt nguồn từ “mâu thuẫn trầm trọng ngay từ trong trứng nước”
của Mác, đó là “một mặt thừa nhận bản chất xã hội là có giai cấp, một mặt lại
xúi giục, kích động đấu tranh giai cấp để xóa bỏ cái bản chất xã hội đó” nhằm
đi tới xã hội cộng sản chủ nghĩa, một chế độ xã hội không còn giai cấp, không
còn người bóc lột người. Do đó, chủ nghĩa cộng sản chỉ là viển vông và không
tưởng! Rằng Mác đã nói đấu tranh giai cấp dẫn đến chuyên chính vô sản, nhưng
chuyên chính vô sản là cái gì thì chưa chắc Mác đã hiểu! Rõ ràng, không khó để
nhận ra sự “ngô nghê” và bế tắc trong quan điểm này của các “học giả” thâm thù
chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta đều biết, lý luận về giai cấp và đấu tranh giai
cấp là một trong
những nội dung căn bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết quả tất nhiên của
quan niệm duy vật về lịch sử. Mác không đơn lập trong việc đưa ra học thuyết về
giai cấp, mà ông đã kế thừa một cách chọn lọc và sáng tạo tư tưởng của các nhà
triết học và xã hội học trước đó để xây dựng học thuyết của mình, nâng nó lên
một tầm cao mới. Trên cơ sở vận dụng và mở
rộng chủ nghĩa duy vật biện chứng vào xem xét lĩnh vực xã hội, lần đầu tiên
trong lịch sử các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã luận giải một cách khoa
học vấn đề giai cấp. Theo C.Mác, sự phân chia xã hội thành giai cấp là kết quả
tất nhiên của những chế độ kinh tế - xã hội nhất định trong lịch sử. Quan hệ
giai cấp chính là biểu hiện về mặt xã hội của những quan hệ sản xuất, trong đó
tập đoàn người này có thể bóc lột lao động của tập đoàn người khác. Trong xã hội có giai cấp, đấu tranh giai cấp là quy luật phát triển tất yếu của xã hội.
Tính tất yếu của đấu tranh giai cấp xuất phát từ tính tất yếu kinh tế, từ sự
đối lập về lợi ích căn bản không thể điều hoà được giữa các giai cấp. Đấu
tranh giai cấp không phải là hiện tượng vĩnh viễn trong lịch sử. Cuộc đấu tranh
giai cấp giữa các giai cấp trong lịch sử tất yếu phát triển đến cuộc đấu tranh
giai cấp của giai cấp vô sản. Trong cuộc đấu tranh này, giai cấp vô sản đứng
lên giành chính quyền, thiết lập nền chuyên chính của mình và thông qua nền
chuyên chính đó tiến hành cải tạo triệt để xã hội cũ, tiến tới xoá bỏ mọi đối
kháng giai cấp, xây dựng thành công xã hội cộng sản chủ nghĩa. Các học giả,
trong đó có học giả tư sản đều thừa nhận sự tồn tại của giai cấp và đối kháng
về lợi ích giữa các giai cấp là tất yếu. Nhưng điều phi lý ở chỗ, dù thấy rõ sự
đối kháng về lợi ích giữa các giai cấp trong xã hội có giai cấp, các học giả tư
sản vẫn tìm mọi cách để phủ nhận đấu tranh giai cấp, để từ đó phủ nhận tính tất
yếu của việc đi đến xã hội cộng sản chủ nghĩa. Suy cho cùng, họ mới chính là
những người mâu thuẫn trong lý luận của mình. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa
Mác - Lênin đã phát triển lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp để chứng minh
tính tất yếu của việc ra đời xã hội cộng sản bằng một cơ sở lý luận và thực
tiễn vững chắc, từ đó chỉ ra con đường, biện pháp để giai cấp công nhân và nhân
dân lao động đứng lên thực hiện cuộc cách mạng xã hội lật đổ sự thống trị của
giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Đó là quy luật khách quan của lịch sử. Các
ông không cần, và cũng không thể “xúi giục” để nhân loại thực hiện cuộc cách
mạng xã hội vĩ đại này.
Để phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - “nội
dung căn bản, điểm chủ yếu” trong học thuyết Mác - Lênin, thay vì những phản
bác bằng lý luận, các phần tử chống phá lại đưa ra những lý do hết sức giản
tiện rằng: “Công nhân chỉ biết đến cái búa đóng đinh và nông dân thì chỉ biết
đến cái lưỡi hái gặt lúa thì biết gì mà lãnh đạo đất nước một khi làm cách mạng
thành công”! Rõ ràng, bản thân những “lý luận” này đã cho thấy đầy đủ những hạn
chế trong nhận thức về giai cấp của các “học giả” muốn chống phá chủ nghĩa Mác.
Họ không biết, hay cố tình đơn giản hóa việc xem xét bản chất một giai cấp đến
mức thô thiển như vậy? Thử hỏi, ngoài việc thỏa mãn cơn cuồng trí căm thù cộng
sản, những lập luận như thế này sẽ thuyết phục được ai?
Để thêm phần “thuyết phục” cho cái gọi là “sự thảm bại
của cách mạng vô sản”, những phần tử chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin còn so
sánh cách mạng tư sản với cách mạng vô sản, cho rằng “cách mạng tư sản giúp cho
loài người phát triển”, “cách mạng vô sản đưa nhân loại vào chỗ tối tăm, lạc
hậu và nghèo khổ”. Cách so sánh này chẳng khác nào một trò bịp bợm mà ai cũng
có thể bóc mẽ một cách dễ dàng. Cách mạng tư sản đã đóng góp một vai trò đặc
biệt quan trọng trong lịch sử phát triển của loài người, khi nó kết thúc sứ
mạng của giai cấp địa chủ phong kiến và chế độ phong kiến đã lỗi thời, mở đường
cho lực lượng sản xuất phát triển. Chính C.Mác và Ph.Ăngghen.Ăngghen cũng nhiều
lần nhấn mạnh điều này. Nhưng đến lượt
chế độ tư bản chủ nghĩa lại không thể tự vượt thoát ra khỏi được những mâu
thuẫn của chính nó, đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất phát triển với
trình độ xã hội hóa ngày càng cao và quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu
tư nhân về tư liệu sản xuất chủ yếu, biểu hiện ra về mặt xã hội là mâu thuẫn
đối kháng không thể dung hòa giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Lực lượng
sản xuất càng phát triển bao nhiêu thì sứ mệnh ban đầu của giai cấp tư sản càng
thu hẹp bấy nhiêu. Giá trị của cuộc cách mạng tư sản chỉ có ý nghĩa trong một
thời đại lịch sử nhất định, nó sẽ phải được thay thế bằng một cuộc cách mạng xã
hội toàn diện, triệt để hơn là cách mạng vô sản, tiến tới chế độ cộng sản chủ
nghĩa, một chế độ xã hội dựa trên sự công hữu về tư liệu sản xuất, giải phóng
hoàn toàn sự phát triển của lực lượng sản xuất, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng
người bóc lột người. Những thành tựu của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở
Liên Xô và Đông Âu - một mô hình còn nhiều khiếm khuyết, chưa hoàn bị, lại được
xây dựng trong bối cảnh các nước tư bản chủ nghĩa điên cuồng chống phá - vẫn đủ
cho thấy tính ưu việt hơn hẳn của chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa
so với xã hội tư bản. Những mâu thuẫn nội tại không thể tháo gỡ trong lòng xã
hội tư bản hiện nay, dù luôn bị che lấp bởi nhiều thủ đoạn khác nhau, vẫn đủ
cho thấy nó không phải là một chế độ xã hội mà loài người hướng đến, không thể
là cái đích cuối cùng của nhân loại. Vì thế, cách so sánh giữa cách mạng vô sản
với cách mạng tư sản của các học giả trên đây càng cho thấy sự lố bịch về tư
duy và phương pháp của họ.
Bi hài hơn nữa, họ còn cho rằng cách mạng tư sản còn là
“mầm ươm rất tốt cho phong trào đấu tranh dân chủ đòi độc lập của các quốc gia
thuộc địa trên thế giới”. Họ cố tình quên đi rằng, chủ nghĩa tư bản, với hình
thức cực đoan của nó là chủ nghĩa đế quốc là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự áp
bức dân tộc; rằng trong suốt chiều dài phát triển của chủ nghĩa tư bản cho đến
nay, các dân tộc bị áp bức đã đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do từ đâu
nếu không phải từ chính tay các nước đế quốc. Chủ nghĩa đế quốc là mầm họa cho
nhân loại, là biểu tượng u ám nhất của sự nô dịch, áp bức dân tộc bỗng chốc lại
trở thành “mầm ươm cho phong trào đấu tranh dân chủ đòi độc lập của quốc gia
thuộc địa trên thế giới”. Thật nực cười! Có lẽ, những lập luận này đúng, theo
cái nghĩa, nếu không có sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, không có chủ nghĩa
đế quốc, thì cũng không có tình trạng dân tộc này đi xâm lược, áp bức, bóc lột
dân tộc khác, từ đó cũng không có đấu tranh giải phóng dân tộc!
Có thể nói, đấu tranh chống chủ nghĩa chống cộng và chủ
nghĩa cơ hội xét lại đã là một phần không thể thiếu trong suốt chiều dài lịch
sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Các học giả tư sản và những kẻ cơ
hội chủ nghĩa hôm nay, hoặc nên từ bỏ ý định, hoặc hãy tìm một cách nào đó
thuyết phục hơn, thay vì những “xảo biện” cùn mòn, luẩn quẩn, bế tắc như thế
này. Nó chẳng khác nào là cách phơi bày sự thảm bại của lý luận phi vô sản
trước tượng đài vững chãi, vinh quang của chủ nghĩa Mác - Lênin.
rất đúng
Trả lờiXóarất đúng
Trả lờiXóaChuẩn không cần chỉnh
Trả lờiXóađấu tranh chống chủ nghĩa chống cộng và chủ nghĩa cơ hội xét lại đã là một phần không thể thiếu trong suốt chiều dài lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế mọi người nhé
Trả lờiXóaBài viết chuẩn không cần chỉnh
Trả lờiXóa