Trước năm
1858 Việt Nam là một nước phong kiến điển hình với các triều đại vua chúa thay
nhau cai trị như: Ngô - Đinh - Tiền Lê (Đại Cồ Việt), Lý - Trần - Hồ - Lê Sơ
(Đại Việt), Nguyễn (An Nam). Sau khi thực
dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, chế độ phong kiến đương thời
ngày càng mục ruỗng, thối nát, không đủ sức chống thực dân Pháp, bảo vệ đất
nước. Trong tình cảnh đó, chế độ thực dân - phong kiến từng bước được thiết
lập, thống trị. Dân tộc Việt Nam một cổ đôi tròng chịu nhiều tầng áp bức, bóc
lột của chế độ thực dân, phong kiến. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân, sĩ phu
yêu nước chống lại ách đô hộ của chế độ thực dân, phong kiến đã diễn ra nhưng
đều thất bại, bị khủng bố đẫm máu, bởi vì không có lãnh tụ chân chính và đường
lối cách mạng đúng đắn. Đời sống của nhân dân lao động, dân tộc Việt Nam vô
cùng cực khổ, tình hình cách mạng lâm vào khủng hoảng, bế tắc, tình hình đen
tối không có đường ra. Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải nhanh chóng khắc phục sự
khủng hoảng đường lối chính trị và tìm con đường cứu dân, cứu nước, giải phóng
dân tộc.
Ngày 05/6/1911 tại bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất
Thành đã lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville, tạm rời xa Tổ
quốc, ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4
châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin
– một học thuyết cách mạng nhất, khoa học nhất, chân chính nhất trong
lịch sử phát triển tư tưởng, lý luận của nhân loại. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí
Minh là người đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, chọn lọc, kế
thừa kinh nghiệm quý báu của cách mạng Tháng Mười Nga vào trong điều kiện hoàn
cảnh thực tiễn của đất nước là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt
Nam. Với nhãn quan chính trị sắc bén, Hồ Chí Minh đã chỉ ra điều kiện tiên
quyết đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc,
phong trào cứu nước ở Việt Nam là: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải
có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên
lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh
mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững
thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo
chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu
không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ
nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin. Con thuyền cách
mạng Việt Nam chỉ có thể tiến tới bến bờ độc lập, tự do, đồng bào ai cũng có
cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành khi thỏa mãn hai điều kiện cơ bản là xây
dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, sức dân mạnh như sức nước
và phải có Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo.
Tuân thủ và thực hiện điều kiện tiên
quyết đó, Hồ Chí Minh đã chủ động tiến hành các hoạt động truyền bá chủ nghĩa
Mác - Lênin đến với những hạt nhân ưu tú của giai cấp công nhân, nhân dân lao
động, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và
phong trào yêu nước Việt Nam, chuyển hoá thành phong trào cách mạng và chính
điều này đã dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - đảng mácxít lêninnít
chân chính, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu
sắc, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động
và cả dân tộc. Ngay từ khi mới ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của
Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định được đường lối đúng đắn, khẳng định phương hướng chiến lược của
cách mạng Việt Nam. Đó là: Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa
cách mạng để đi tới xã hội cộng sản (Sau này gọi là cách mạng dân tộc dân chủ
và cách mạng xã hội chủ nghĩa). Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam
cùng với Cương lĩnh chính trị, đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn là mốc
son chói lọi chấm dứt thời kỳ khủng hoảng lãnh tụ chính trị và đường lối cứu
nước của cách mạng Việt Nam, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới là độc lập dân
tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với đường
lối đúng đắn, dựa trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển
của thời đại, Đảng ta đã quy tụ, đoàn kết chung quanh mình tất cả các giai cấp
và các tầng lớp nhân dân yêu nước, xây dựng nên lực lượng cách mạng to lớn và
rộng khắp, đấu tranh chống thực dân, phong kiến vì sự nghiệp giải phóng dân
tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua 15 năm lãnh đạo cách mạng (1930 - 1945),
với ba cao trào cách mạng lớn (1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945), khi thời
cơ đến, Đảng đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ, với tinh thần “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng
kiên quyết giành cho được độc lập”, Đảng ta đã phát động cuộc Tổng khởi
nghĩa giành chính quyền trong cả nước; từ đây, dân tộc ta đã bước sang một kỷ
nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do.
Ngay khi vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa non trẻ đã phải đối mặt với ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại
xâm. Vận mệnh của đất nước đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh,
đã kịp thời đề ra những chủ trương và quyết sách đúng đắn, khôn khéo, toàn diện
trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và
đối ngoại để giữ vững chính quyền non trẻ. Với đường lối chính trị, quân sự,
ngoại giao đúng đắn và sáng suốt, Đảng đã động viên được sức mạnh đoàn kết của
toàn dân tộc, củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam
vượt qua tình thế hiểm nghèo và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài
chống thực dân Pháp xâm lược. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, hưởng
ứng lời kêu gọi của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng
loạt đứng lên với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất
nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ
chống thực dân Pháp xâm lược. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện,
trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Đảng ta
đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, giành
thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc
bằng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”,
góp phần phá vỡ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, dẫn tới sự sụp đổ
hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân.
Với thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, thực hiện quá
độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Song ở miền Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã
xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Đất nước ta lại tạm
thời bị chia làm hai miền. Đảng đã xác định con đường phát triển tất yếu của
cách mạng Việt Nam là phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến
hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa
vững mạnh của cách mạng cả nước và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân
ở miền Nam, chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thực hiện
thống nhất nước nhà. Với tinh thần “Không
có gì quý hơn độc lập tự do!”, “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta
còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”, “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để chiến
thắng giặc Mỹ xâm lược”…, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Chủ tịch
Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy
sinh, lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền Nam
và chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc. Với cuộc
Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và với thắng lợi huy hoàng của
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước,
đưa cả nước quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lúc này, nét nổi bật là
chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế sản xuất nhỏ, năng suất lao
động thấp, lại phải chịu hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Chủ nghĩa đế
quốc và các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng
của nhân dân ta. Đặc biệt, từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, phong trào cộng
sản và công nhân quốc tế trải qua nhiều diễn biến phức tạp, chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sau hơn 70 năm tồn tại
và phát triển mạnh mẽ đã bị sụp đổ. Tình hình đó đã tác động, ảnh hưởng lớn đến
sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân
dân ta.
Qua quá trình tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã vượt
qua những khó khăn, trở ngại, thu được những thành tựu quan trọng, đã nhanh
chóng hoàn thành việc thống nhất đất nước về mọi mặt, đánh thắng các cuộc chiến
tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa, đã nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển
kinh tế, từng bước ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, từ khi cả nước đi lên xây
dựng chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế của nước ta chủ yếu là sản xuất nhỏ, lại
chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh; mặt khác thời điểm ấy, đội ngũ cán bộ
của Đảng trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều
hạn chế, chưa đáp ứng với cơ chế sản xuất mới, với sự phát triển của đất nước,
cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp không còn phù hợp, trở thành lực cản đối
với sự phát triển, làm cho đất nước rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, thị
trường, tài chính tiền tệ không ổn định, ngân sách nhà nước bội chi liên tục,
giá cả tăng nhanh, lạm phát ở mức độ phi mã, khó kiểm soát. Ví dụ chỉ số giá
năm 1975 là 1 lần thì 1980 là 2,5 lần và 1985 đã là 38,5 lần. Trong công nghiệp
nhà máy không có nguyên liệu sản xuất công nhân không có việc làm việc làm đời
sống vô cùng khó khăn thiếu thốn, công nhân không có lương, nông dân ruộng đất
bỏ hoang, quần chúng hoang mang, niềm tin của nhân dân đối với Đảng bị giảm
sút, nghi ngờ về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; cách mạng tưởng như khó có
thể vượt qua khó khăn thử thách.
Trong điều kiện đó, nhân dân vẫn
tuyệt đối tin tưởng vào bản lĩnh, kinh nghiệm lãnh đạo, vào sự sáng tạo của
Đảng để đưa đất nước vượt qua khó khăn thử thách. Sự nhìn nhận của nhân dân
không lầm, đồng thời Đảng cũng không phụ lòng tin của dân, bằng tính độc lập,
tự chủ, sáng tạo của mình, Đảng đã tỏ rõ quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, kịp
thời nhận rõ nguyên nhân khuyết điểm từng bước tìm tòi những biện pháp khắc
phục những khuyết điểm, đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách toàn diện,
từng bước tháo gỡ khó khăn. Quá trình vừa đổi mới, vừa tìm tòi khảo nghiệm, tìm
ra bước đi thích hợp, kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm qua mỗi chặng đường,
để tìm ra con đường đi đúng cho riêng mình. Đồng thời, Đảng không giáo điều
sách vở, không dập khuôn máy móc các mô hình cải cách, cải tổ của các nước xã
hội chủ nghĩa khác trên thế giới, mà trên cơ sở vận dụng sáng tạo lý luận chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của cách mạng.
Trước hết Đảng đặt ra một loạt vấn đề là đổi mới bắt đầu từ đâu? để tìm ra câu
trả lời đó lúc bấy giờ đảng ta đã khảo nghiệm thực tiễn 21 năm xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở miền bắc (1954 - 1975) và hơn 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội
trên phạm vi cả nước (1975 - 1986), Đảng ta đã nhận thức rõ tình hình và quyết
định chính là phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, trong đó phải đổi mới tư duy kinh
tế, tư duy chính trị, hoạch định đổi mới toàn diện đồng bộ, đường lối đối nội,
đối ngoại… để đưa sự nghiệp đổi mới đi đến thắng lợi.
Trong quá trình tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta tiến
hành công cuộc đổi mới, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu tổng kết thực tiễn để
bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đổi mới toàn diện và đã tổ chức, lãnh
đạo nhân dân ta phát huy tinh thần sáng tạo, sức mạnh tổng hợp, đưa sự nghiệp
đổi mới đất nước từng bước giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch
sử; đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ phát
triển tương đối ổn định, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, nền kinh tế tăng trưởng khá nhanh, thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém
phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình khá. Kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng hoàn thiện. Đời
sống về vật chất và tinh thần của nhân dân ta đã được cải thiện rõ rệt. Hệ
thống chính trị xã hội chủ nghĩa và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố
và tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định. Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc có bước phát triển mới. Quốc phòng và an ninh được giữ vững và tăng
cường. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh
tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều.
Có thể khẳng định, 86 năm qua, dù con đường đi lên có
lúc quanh co, phức tạp, dù Đảng ta có lúc phạm khuyết điểm, sai lầm, nhưng do
có bản lĩnh vững vàng, thực sự khiêm tốn, cầu thị, Đảng ta nghiêm túc tự phê
bình, sửa chữa khuyết điểm, được nhân dân tin yêu, ủng hộ, cho nên Đảng đã lãnh
đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến
thắng lợi khác, không một thế lực nào ngăn cản nổi. Vì vậy, Đảng ta được nhân
dân tin cậy, thừa nhận là người lãnh đạo chân chính, duy nhất, là đội tiên
phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, là
người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Lịch sử cách
mạng Việt Nam cận, hiện đại
đã chứng tỏ không có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế được vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
đối với cách mạng Việt Nam
Điều 4
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Bổ sung, sửa đổi năm 2013) khẳng
định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân,
đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại
biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả
dân tộc; lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư
tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều đó đồng nghĩa với
việc khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo đối với Nhà
nước và xã hội. Với sự thừa nhận đó, Đảng có trọng trách trong việc lãnh đạo
xây dựng bộ máy chính quyền, trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân,
trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại để giành thắng
lợi cho cách mạng.
Trong những năm tới, với sự tác động mạnh mẽ của tình
hình khu vực và thế giới, ảnh hưởng lớn từ các vấn đề trong nước dự kiến tình
hình kinh tế chính trị, xã hội của nước ta sẽ còn gặp không ít khó khăn, thách
thức mới. Các thế lực thù địch, phản động đang hàng ngày, hàng giờ thực hiện
các âm mưu, chiến lược hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, tác
động từng bước nhằm làm chuyển hóa chế độ chính trị, mục tiêu hàng đầu của
chúng là xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, từ đó lật đổ chế độ chính trị xã hội chủ
nghĩa ở nước ta. Chính vì vậy, việc bảo vệ, tăng cường vai trò lãnh đạo của
Đảng trên cả phương diện pháp lí và thực tiễn là rất quan trọng. Khẳng định
Đảng Cộng sản Việt Nam là
lực lượng duy nhất có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách
mạng Việt Nam.
Muốn vậy, phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư
tưởng và tổ chức; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của
Đảng; không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối
sống, thực sự “là đạo đức, là văn minh” để Đảng có thể làm tròn sứ mệnh cao cả
của mình trước dân tộc, trước nhân dân./.