"xã hội dân sự" (XHDS) ở Việt Nam theo tiêu chí phương Tây
Thời gian qua, việc tác động để hình thành một
"xã hội dân sự" (XHDS) ở Việt Nam theo tiêu chí phương Tây đang được
một số người cổ vũ và thực hiện. Vậy thực chất "xã hội dân sự" là gì,
đây có phải là một trong các phương thức hoạt động nhằm chuyển hóa chế độ mà
những thế lực chủ mưu diễn biến hòa bình (DBHB) đã áp dụng thành công ở Đông
Âu, Trung Đông, Bắc Phi, và hy vọng sẽ thành công ở Việt Nam?
Theo một số học giả và tổ chức nước ngoài, khái niệm
XHDS (civil society) xuất hiện sớm nhất ở nước Anh, và được hiểu là việc những
con người sống trong cộng đồng. Theo lý thuyết của Scottish (thế kỷ XVIII),
XHDS có nghĩa là xã hội văn minh với một nhà nước không độc đoán. Đến thế kỷ
XIX, Hegel mô tả XHDS như là một phần của đời sống đạo đức, bao gồm ba yếu tố gia
đình, XHDS và nhà nước, trong đó các cá nhân theo đuổi những lợi ích riêng
trong giới hạn đã được pháp luật thừa nhận... Theo tổ chức Liên minh thế giới
vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) - một tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Nam
Phi, XHDS là "diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi
con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung". Cùng với khái niệm
XHDS, còn có một số cụm từ, khái niệm khác có liên quan, như: "xã hội công
dân" (citizens society - CS), "tổ chức XHDS" (Civil Society
Organization - CSO), "tổ chức phi chính phủ" (Non governmental
organization - NGO)... Đây là những khái niệm ra đời từ các chủ thể khác nhau
nhưng lại có liên quan chặt chẽ, trong đó nổi bật là quan niệm không có NGO (tổ
chức quần chúng, hội, đoàn thể...) thì không thể hình thành XHDS. Trong một xã
hội, nếu có nhiều tổ chức NGO hoạt động mạnh thì sẽ có XHDS phát triển và ngược
lại. Nhìn từ cấu thành cơ bản một xã hội với ba thành phần là nhà nước, doanh
nghiệp và XHDS, một số nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng, nếu ba yếu tố này
cân bằng thì xã hội, chế độ chính trị sẽ ổn định, phát triển hài hòa. Ngược
lại, nhà nước mạnh sẽ dẫn tới chế độ độc tài, nếu XHDS mạnh, thì sẽ dẫn tới vô
chính phủ, bất ổn về xã hội và chế độ sẽ sụp đổ. Đây chính là lý do để các thế
lực thù địch quan tâm nghiên cứu, vận dụng, nhằm lợi dụng vai trò của XHDS
trong hoạt động lật đổ một chế độ như họ đã thực hiện tại một số nước trong
thời gian qua.
Một
số học giả trên thế giới có quan điểm chống cộng rất đề cao vai trò của XHDS
trong các cuộc "cách mạng màu" lật đổ chế độ XHCN tại Đông Âu trước
đây. Bronislaw Geremek, nhà sử học, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Ba Lan Lech
Valesa từ những ngày đầu xuất hiện Công đoàn Đoàn kết cho rằng: "Khái niệm
XHDS, được hiểu như một chương trình chống lại chủ nghĩa cộng sản, xuất hiện
đầu tiên tại Ba Lan vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ XX,
ban đầu chỉ đặt trong mối liên quan đến phong trào Đoàn kết. Thời gian dài sau
đó, trong thế giới cộng sản xuất hiện một phong trào độc lập của quần chúng đòi
tẩy chay hệ thống cầm quyền". Bronislaw Geremek đánh giá cao vai trò của
XHDS trong việc lật đổ chế độ XHCN tại Ba Lan: "Đối đầu với phong trào
quần chúng khổng lồ này là sức mạnh của bộ máy chế độ, gồm: quân đội, cảnh sát
và bộ máy hành chính (kể cả guồng máy Đảng Cộng sản). Tuy nhiên, đến khi đó,
tất cả đều không còn tính hợp pháp, họ bị loại ra khỏi tầm kiểm soát xã hội,
đồng thời cũng mất đi mọi sự ủng hộ của xã hội. Trong phong trào Đoàn kết,
chúng tôi đặt hy vọng bao vây, cô lập bộ máy công quyền đó bằng một thứ giống
như cái kén tằm, từng bước cô lập và sau đó là đặt bộ máy đảng - nhà nước ra
bên lề".
Tại
Đông Âu trước đây, có những "tổ chức chính trị đối lập" hình thành,
phát triển và hoạt động với danh nghĩa là "tổ chức XHDS", như Công
đoàn Đoàn kết ở Ba Lan, Hội Văn hóa Ucraina ở Liên Xô trong những năm 80 của
thế kỷ XX... Thông qua việc lôi kéo công nhân, với sự hỗ trợ từ nước ngoài (như
Trung tâm Đoàn kết Lao động Quốc tế Mỹ - ACILS) và một số tổ chức Công giáo, từ
những năm 70 tại Ba Lan đã xuất hiện các tổ chức như: Ủy ban bảo vệ công nhân
(KOR), Phong trào Bảo vệ các quyền dân sự và con người (ROPCiO), sau đó Công
đoàn Đoàn kết Ba Lan được thành lập. Thông qua Công đoàn Đoàn kết, các thế lực
thù địch đã tổ chức thành công việc lật đổ chế độ XHCN tại nước này. Tương tự,
tại Tiệp Khắc, với sự hỗ trợ của bên ngoài, các đối tượng chống đối chế độ đã
thành lập Phong trào Hiến chương 77 làm hạt nhân. Các cuộc "cách mạng
đường phố" tại các nước vùng Trung Đông - Bắc Phi thời gian qua cũng cho
thấy vai trò của các cơ quan đặc biệt nước ngoài, các NGO, trong việc hỗ trợ
các tổ chức XHDS lôi kéo, kích động quần chúng lật đổ chế độ.
Hiện
nay, các nước, các tổ chức quốc tế, các NGO nước ngoài đang tìm mọi cách để
hình thành, phát triển XHDS theo tiêu chí phương Tây ở Việt Nam, qua đó thực
hiện mục tiêu lật đổ chế độ XHCN bằng biện pháp "bất bạo động",
"phi vũ trang". Hoạt động này nằm trong ý đồ thực hiện "tiến
trình dân chủ ở Việt Nam" với mục đích lợi dụng XHDS để gây mất ổn định
chính trị, tiến tới thay đổi chế độ như xảy ra tại các nước Đông Âu, SNG và
Trung Đông - Bắc Phi thời gian qua. Báo cáo Khỏa lấp sự cách biệt: XHDS mới nổi
tại Việt Nam của một tổ chức quốc tế cho rằng, các NGO Việt Nam và các tổ chức
tại cộng đồng đã tạo ra một thách thức to lớn. Bản báo cáo khuyến nghị một số
lĩnh vực cần quan tâm để thúc đẩy XHDS tại Việt Nam, như cải thiện môi trường
xã hội, luật pháp và kinh tế cho các NGO, tăng cường năng lực các tổ chức xã
hội cho việc thực hiện nghiên cứu và đánh giá các hoạt động của các tổ chức
XHDS tại Việt Nam. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, một số NGO nước
ngoài rất quan tâm đến các tổ chức chính trị, xã hội ở nước ta và tìm cách xâm
nhập, tác động, chuyển hóa các tổ chức này để chuyển hướng hoạt động chính trị
trong khi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đối lập. Thông qua các hoạt động
như triển khai dự án, hỗ trợ, tài trợ, tổ chức hội thảo với các NGO Việt Nam,
một số tổ chức nước ngoài đã cố gắng tìm hiểu nội bộ, xu hướng quan điểm của
các NGO Việt Nam về sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức quần chúng, kích động
sự thoát ly vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cổ vũ quyền tự do lập hội
theo tiêu chí phương Tây. Ngoài ra, một số tổ chức nước ngoài còn tài trợ tài
chính cho một số NGO Việt Nam để hỗ trợ việc xuất bản, phát hành tài liệu
nghiên cứu, văn bản luật nước ngoài nhằm tuyên truyền quan điểm, pháp luật
phương Tây đến với công chúng Việt Nam một cách công khai.
Các
tổ chức phản động nước ngoài cũng tìm cách phát triển XHDS tại Việt Nam để phục
vụ ý đồ chống phá từ bên trong. Tổ chức Bảo vệ người lao động (của Trần Ngọc
Thành tại Ba Lan) gia tăng hoạt động nhằm chuyển hướng hoạt động xâm nhập vào
trong nước với ý đồ xây dựng các tổ chức công đoàn tự do. Tổ chức Mạng lưới
tuổi trẻ Việt Nam lên đường đã tiến hành Đại hội thanh niên sinh viên Việt Nam
trên thế giới lần thứ V vào tháng 1-2008 tại Malaysia với chủ đề XHDS: dân chủ
từ sức mạnh quần chúng với mục đích trao đổi để tìm cách cho ra đời một XHDS
độc lập với chính quyền, tôn trọng nhân quyền, có các công đoàn độc lập, có tự
do báo chí... Tại đại hội này, các đối tượng tham gia đã đề ra mục tiêu để tiến
hành "cuộc cách mạng hòa bình" tại Việt Nam là phải xây dựng được một
XHDS bền vững và muốn thay đổi xã hội thì không chỉ trên phương diện chính trị,
mà còn trên các phương diện kinh tế, luật pháp, trong mỗi cộng đồng dân cư. Tại
hội thảo Chuyển đổi Nhà nước Việt Nam: Các tác động lên Việt Nam và khu vực do
các đối tượng bên ngoài tổ chức ở Hồng Công tháng 8-2008 đã tập trung bàn luận
các nội dung: thách thức tự nhiên của XHDS đối với chế độ độc đảng ở Việt Nam;
XHDS trong bối cảnh Việt Nam, sự trỗi dậy của XHDS qua việc tập trung vào hoạt
động của Khối 8406 và Việt Tân. Qua đây cho thấy, các thế lực phản động bên
ngoài rất quan tâm đến việc lợi dụng XHDS để thực hiện âm mưu lật đổ chế độ.
Đáng
chú ý là một số đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm chống đối cực đoan đã
lợi dụng một số tổ chức quần chúng hợp pháp để tổ chức các hội thảo, tọa đàm,
diễn đàn có nội dung đòi hỏi đưa Hiến pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946,
trưng cầu ý dân về Điều 4 cũng như toàn bộ Hiến pháp, lập Tòa án Hiến pháp,
thúc đẩy XHDS và thực hiện các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí,
lập hội theo tiêu chí phương Tây, tư hữu hóa đất đai... Nếu thực hiện các nội
dung này theo ý đồ của họ thì chế độ XHCN thực tế sẽ không còn tồn tại ở Việt
Nam. Đây là phương thức đấu tranh công khai rất nguy hiểm, nếu không cảnh giác
có thể sẽ giúp các thế lực thù địch lợi dụng các tổ chức XHDS để đưa ra những
kiến nghị nhằm thay đổi thể chế, thay đổi hệ thống luật pháp XHCN bằng luật
pháp dân chủ, tư sản.
Để
góp phần phòng, chống âm mưu và hoạt động tác động hình thành XHDS theo tiêu
chí phương Tây, chúng ta cần đề cao cảnh giác trước các âm mưu và hoạt động tác
động hình thành XHDS của các thế lực thù địch, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng
của vấn đề này đối với an ninh quốc gia. Bên cạnh việc tăng cường công tác
nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, cần thường xuyên tổ chức, tiến hành
các hoạt động tuyên truyền về âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch lợi dụng
vấn đề XHDS để tác động chuyển hóa chính trị. Đảng, Nhà nước cần ban hành các
chủ trương, chính sách, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật phù hợp, điều chỉnh
hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội phù hợp với định hướng phát triển
đất nước. Cùng với việc nghiêm túc thực hiện các chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức, hoạt động của các hội, đoàn thể cần
tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực
này, sao cho phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa Việt
Nam. Đồng thời tăng cường công tác quản lý các tổ chức xã hội, không để các thế
lực thù địch lợi dụng. Trong bối cảnh các tổ chức xã hội đang có xu hướng ngày
càng phát triển, cần thường xuyên nắm chắc tình hình, diễn biến hoạt động của
các tổ chức này nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề phức tạp có liên quan đến
an ninh quốc gia để chủ động xây dựng các biện pháp, giải pháp đấu tranh phòng,
chống hiệu quả. Đặc biệt, cần kiên quyết xử lý các hành vi hoạt động vi phạm
pháp luật, đồng thời tăng cường đối thoại, tiếp xúc, cảm hóa, không để các thế
lực thù địch lôi kéo nhằm thực hiện ý đồ chống đối từ bên trong...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét