Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.


Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

 

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là con đường cơ bản xây dựng cơ sở kinh tế vững chắc cho chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện được mục tiêu đó đòi hỏi phải phát huy đầy đủ vai trò của các thành phần kinh tế; trong đó, phát triển kinh tế tư nhân là chủ trương đúng đắn để xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Lợi dụng vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, các thế lực thù địch đưa ra những luận điệu nhằm xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng. Chúng cho rằng: phát triển kinh tế tư nhân là từ bỏ mục tiêu CNXH, là thừa nhận con đường CNTB. Để bao biện cho quan điểm này, chúng cho rằng kinh tế tư nhân mang hình thức sở hữu tư bản tư nhân, là sản phẩm chỉ có trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Vậy kinh tế tư nhân có phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản hay không? Phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay có phải là sự từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội hay không?

Về mặt lý luận: Theo góc độ kinh tế chính trị, kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế dựa trên hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, ra đời cùng với nền sản xuất hàng hoá, là sản phẩm của nền sản xuất xã hội. Kinh tế tư nhân là một trong những thành phần kinh tế cơ bản hợp thành nền sản xuất xã hội, phản ánh những giai đoạn, trình độ phát triển khác nhau của nền sản xuất xã hội. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, sự tồn tại của kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan. Bàn về vấn đề nay, Lênin đã vạch ra tính chất quá độ của nền kinh tế của nước Nga và đã chỉ ra năm thành phần kinh tế - xã hội đã tồn tại ở nước Nga lúc đó: 1. Kinh tế nông dân gia trưởng; 2. Sản xuất hàng hoá nhỏ; 3. Chủ nghĩa tư bản tư nhân; 4. Chủ nghĩa tư bản nhà nước; 5. Chủ nghĩa xã hội. Như vậy, kinh tế tư nhân không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, mà đó là sản phẩm của nền sản xuất xã hội.

Về mặt thực tiễn: Trước đổi mới, nước ta chưa thừa nhận sự tồn tại của kinh tế tư nhân, cho rằng kinh tế tư nhân là tư hữu, là tư bản chủ nghĩa. Do đó đã không khai thác, phát huy được tiềm năng của đất nước vào phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã nhìn nhận đúng và có chính sách phù hợp để phát huy vai trò của kinh tế tư nhân vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay nước ta đã có hơn 1 triệu doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động và có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của cả nước.

Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá XII) đã chỉ rõ “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân; đồng thời đề ra những mục tiêu cụ thể là: Đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2025 tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã đánh giá những thành tựu sau 35 năm đổi mới đất nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân, qua đó đã chứng minh sự đúng đắn trong quan điểm của Đảng ta về phát triển kinh tế tư nhân. Đảng ta khẳng định “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn có thể khẳng định rằng chủ trương phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay là hoàn toàn đúng đắn. Đây là bước đi quan trọng để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH ở nước ta chứ không phải là sự sự từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội hay sự thừa nhận phát triển theo định hướng tư bản chủ nghĩa.

Để đấu tranh chống lại các luận điệu của các thế lực thù địch liên quan đến chủ trương phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay, cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta về những đặc trưng kinh tế - xã hội của thời kỳ quá độ. Khẳng định sự tồn tại của kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay là một tất yếu khách quan.

Thứ hai, thấy rõ vai trò của kinh tế tư nhân đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay. Từ đó thấy được sự đúng đắn trong quan điểm, chính sách của Đảng ta về phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ ba, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch về việc phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta, không để bị mắc mưu, lôi kéo. Tích cực tham gia đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét