Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

Vai trò quan trọng của công tác đối ngoại địa phương

 

Bên cạnh việc tổ chức quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối ngoại, công tác đối ngoại địa phương cũng cần tiếp tục đẩy mạnh một cách đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo, trong đó ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản nhằm phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam", công tác đối ngoại đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

Trong đó, nổi bật là củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời huy động nhiều nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương, thiết nghĩ các địa phương cần tổ chức quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII.

Các cơ quan đối ngoại địa phương cần chủ động tham mưu các cấp chính quyền địa phương cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về đối ngoại, nhất là về phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài..., thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch gắn với điều kiện đặc thù và mục tiêu phát triển bền vững của địa phương. Tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, các xu hướng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, mạng lưới quan hệ đối ngoại rộng mở, nhất là các khuôn khổ quan hệ vừa nâng cấp trong thời gian qua, để mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, công nghệ, tri thức và các nguồn lực khác phục vụ phát triển nhanh, bền vững của địa phương. 

Tăng cường và làm sâu sắc hơn hợp tác, giao lưu giữa các địa phương vùng biên, thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tăng cường kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, đổi mới mô hình, phương thức kết nối để tăng cường gắn kết kiều bào với các địa phương.

Ngoài ra, cần quan tâm bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn lực dành cho công tác đối ngoại địa phương; trong đó, trọng tâm là xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại toàn diện về tư tưởng chính trị, phẩm chất, có đủ trình độ, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, thực sự phát huy vai trò tiên phong, xung kích trong hội nhập quốc tế của địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét