Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

Một nhìn nhận thiếu khách quan, lệch lạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam

 

Trong một thông cáo báo chí mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa một số quốc gia trên thế giới vào “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”. Rất ngạc nhiên khi tại danh sách này có Việt Nam, quốc gia vừa được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu rất cao, thể hiện sự tín nhiệm và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về việc đảm bảo các quyền tự do cơ bản ở nước ta, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

          Điều đáng nói là phía Mỹ đã dựa vào một vài vụ việc, cá nhân đơn lẻ vi phạm pháp phạm luật đã bị điều tra, truy tố, xét xử và kết án theo luật pháp hiện hành tại nước ta để rồi quy kết rằng, “vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo”. Rõ ràng phía Mỹ đã dựa trên những thông tin sai lệch để đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, hoàn toàn không chính xác về tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam!

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, nước ta hiện có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo. Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.

          Trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 nghìn chức sắc, trên 147 nghìn chức việc, hơn 29,6 nghìn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật giáo 15,1 triệu; Công giáo 7,1 triệu; Cao đài 1,1 triệu; Tin lành 1 triệu; Hồi giáo 80 nghìn; Phật giáo Hòa hảo 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác như Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo…

Trong 16 năm, từ 2001-2017, số tín đồ của các tổ chức tôn giáo được công nhận ở nước ta tăng lên 6% trong dân số. Số lượng tín đồ các tôn giáo đều tăng lên, trong đó tăng nhanh nhất là tín đồ đạo Tin lành, từ 670.000 người năm 2004 đã tăng lên tới trên 1,2 triệu tín đồ năm 2015, tức là tăng gấp gần 2 lần trong 10 năm.

          Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đã luôn được ghi nhận và được thể hiện trong các hiến pháp qua các thời kỳ từ Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, 1980, 1992. Hiến pháp 2013 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Cả nước hiện có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo tại 36 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 đại chủng viện, học viện của Giáo hội Công giáo Việt Nam; 4 học viện, 34 trường trung cấp Phật học, 8 lớp cao đẳng Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Tin lành có 1 Viện Thánh kinh thần học, 1 trường Kinh Thánh Cơ Đốc và 1 Trường Thánh kinh thần học; 1 Học viện Truyền giáo Cao đài; 1 Trường Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo...

          Thực tế sống động và không thể phủ nhận về dự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam là minh chứng không thể thuyết phục hơn những nỗ lực không ngừng của Nhà nước ta nhằm bảo đảm và tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường. Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét