Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản,
ngày 27/11, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân
đã dự lễ đón chính thức, hội đàm, phát biểu báo chí chung và dự chiêu đãi trọng
thể của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Phu nhân. Thủ tướng Kishida Fumio
nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân có chuyến thăm
chính thức đầu tiên tới Nhật Bản trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ
ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Trên cơ sở khuôn khổ quan hệ mới, hai nhà lãnh
đạo đã trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời nhất
trí về phương hướng lớn và các biện pháp nhằm làm sâu sắc hợp tác hai nước, mở
ra thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ và sâu rộng hơn, đáp ứng nhu cầu, lợi ích
chung của cả hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế
giới.
Về hợp tác kinh tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí
tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác để bảo đảm
an ninh kinh tế và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo,
chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh….Để tăng cường sự hiểu
biết, tin cậy lẫn nhau giữa người dân hai nước Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề
nghị xem xét tổ chức “Diễn đàn hợp tác
địa phương” thường niên luân phiên tại các địa phương hai nước. Chủ tịch
nước Võ Văn Thưởng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực hợp tác, đóng góp vào thành
công của Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản vào tháng 12
tới.
Sau hội đàm hai nhà lãnh đạo cùng ra Tuyên bố
chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược toàn
diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Vui mừng được tiếp
đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản vào đúng dịp kỷ niệm
50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Thủ tướng Kishida Fumio chia sẻ,
từ khi trở thành nghị sĩ Quốc hội, ông đã tham gia hoạt động trong Liên minh
Nghị sĩ Nhật - Việt và hầu như mỗi năm đều đến thăm Việt Nam. Thủ tướng Kishida
Fumio cho biết: “Tôi có mối duyên nợ rất sâu sắc đối với Việt Nam”. Đầu tiên là
lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng Kishida Fumio cho rằng Việt Nam là đối tác cần
thiết của Nhật Bản để hướng tới thực hiện Sáng kiến “Ấn Độ Dương- Thái Bình
Dương” tự do, rộng mở. Việt Nam cũng là cứ điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng
của Nhật Bản. Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định: “Nguồn nhân lực Việt Nam là
sự hiện diện không thể thiếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của
Nhật Bản”,
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi
thống nhất cùng ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác
Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích
của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và
thế giới”.
Hai bên cũng thống nhất những phương hướng lớn,
chủ đạo của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Theo đó, về chính trị, quốc phòng - an ninh, hai bên nhất trí tăng cường giao
lưu, tiếp xúc cấp cao hằng năm với nhiều hình thức linh hoạt. Hai bên nhất trí
ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh
chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc
biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982)./.
Từ kết quả của chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ
Văn Thưởng và Phu nhân, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
Việt Nam - Nhật Bản, một lần nữa đã khẳng định và cho thấy Việt Nam luôn kiên
định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát
triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và Việt Nam không “liên minh
quân sự”, “thay đổi” biện pháp giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Việc xác
lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện thể hiện xu thế chung của thời
đại, khẳng định Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích
cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tất cả vì lợi ích quốc gia dân
tộc, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế
giới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét