Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

Tam quyền phân lập không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta

        Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo việc củng cố, từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta hết sức coi trọng việc cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; đồng thời, có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Sự khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là một bước phát triển mạnh mẽ trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng ta. Với sự hoàn thiện này, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ta được xác định bởi bốn nội dung quan trọng: thống nhất quyền lực, phân công quyền lực, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực.

Thời gian gần đây, một số người đã cổ súy cho việc thực hiện cái gọi là “tam quyền phân lập”, đòi tách biệt quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để “kiềm chế”, “đối trọng” giữa ba quyền này theo mô hình nhà nước tư sản. Đây là những luận điệu không mới và đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, kích động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

 “Tam quyền phân lập” là một học thuyết phức tạp, đa chiều, còn có nhiều ý kiến khác nhau. C.  Mác và Ph. Ăng-ghen khi nêu ra mặt tiến bộ của học thuyết về tam quyền phân lập đã nhấn mạnh rằng, sự phân chia quyền lực, thực chất, không phải là cái gì khác ngoài sự phân công lao động thực tế cơ cấu nhà nước nhằm làm đơn giản hóa và dễ kiểm soát. Ph. Ăng-ghen viết: “Sự phân quyền... trên thực tế chỉ là một sự phân công lao động tầm thường trong công nghiệp, được vận dụng vào bộ máy nhà nước nhằm mục đích đơn giản hóa và kiểm soát”. Còn G.V.Ph.  Hê-ghen khẳng định rằng, phân chia quyền lực chỉ nên dừng lại ở khái niệm; nếu sự phân chia quyền lực vượt giới hạn của khái niệm và trở thành hiện thực thì quyền lực sẽ không thể nào còn thống nhất lại được nữa. Các nhánh quyền lực tách rời nhau tới mức phân liệt, kiềm chế  - đối trọng, đối lập và chống lại nhau. Lúc đó, muốn có được quyền lực nhà nước thống nhất lại phải dùng đến đại bác. Thực tiễn xung đột chính trị ở Liên bang Nga sau khi Liên Xô sụp đổ đã chứng tỏ lời cảnh báo của G.V.Ph.  Hê-ghen hoàn toàn có cơ sở khoa học. Khi đó, việc áp dụng máy móc thuyết “tam quyền phân lập” của phương Tây đã đẩy Liên bang Nga vào tình trạng đối đầu, xung đột, không thể thỏa hiệp giữa hai nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp.

            Cần khẳng định “tam quyền phân lập” có thể phù hợp ở các mức độ khác nhau với một số nước trên thế giới, nhưng không phù hợp với thể chế chính trị nước ta, bởi lẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước theo phương thức nào là phụ thuộc vào thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Ở nước ta, nhân dân là chủ nhân của quyền lực chính trị, quyền lực nhân dân là cội nguồn của quyền lực nhà nước, quyền lực đó chỉ có thể thực hiện một cách thống nhất dưới sự giám sát của nhân dân, chứ không thể phân chia, chia cắt, phân rã. Nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được bảo đảm thực hiện bởi sự kết hợp hài hòa giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Bản chất và nguồn gốc của quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước là thống nhất; mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước. Khi quyền lực nhà nước là thống nhất và thuộc về nhân dân, thì về nguyên tắc, quyền lực nhà nước không thể phân chia (chia sẻ cho cá nhân hay tổ chức nào khác); các cơ quan nhà nước khi thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là thực hiện các quyền của nhân dân giao phó, ủy quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét