Sau buổi sinh hoạt chi bộ về, ông Thế mời ông
Toán vào nhà uống nước. Rót chén trà cho người bạn già cùng thôn, ông Thế chậm
rãi nói: “Ông Toán ạ! Bấy lâu nay tôi cứ có điều thắc mắc trong lòng. Ấy là lúc
họp chi bộ hay họp thôn, những vấn đề nảy sinh trong thôn ông đều nói theo
hướng tích cực kiểu thái quá. Chẳng hạn như có mấy hộ đang nuôi hàng chục con
lợn ngay trong khuôn viên nhà mình, mỗi khi nắng lên, mùi xú uế xông lên nồng
nặc, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của bà con. Đáng lý ra
ông phải góp ý để bà con đưa chuồng trại ra xa khu dân cư, giữ gìn môi trường
sống trong lành. Thế nhưng khi họp, ông lại bảo “như thế là phát triển kinh tế
hộ gia đình, bà con xung quanh nên thông cảm”.
Rồi nhà thằng cu Thảo con ông Phát, tối ngày
mở loa hát ông ổng, nhất là buổi tối, khi các cháu học sinh bắt đầu ôn bài thì
nó lại gào lên. Ấy thế nhưng khi họp thôn, ông lại bảo đó là cách tiếp cận văn
hóa, làm cho đời sống thêm sinh động... Thôi thì ý ông thế tôi cũng tôn trọng,
nhưng tôi thấy lạ là bên ngoài cuộc họp, ông lại chửi thằng cu Thảo là thiếu ý
thức, vô văn hóa. Đấy, như vừa nãy trên đường đi họp chi bộ về, ông chẳng làu
bàu mắng mấy bà nuôi lợn trong thôn hết nước hết cái đấy thôi. Những điều đó
sao ông không nói trong cuộc họp, để mọi người thấy được chính kiến của ông?”.
Nghe đến đây, ông Toán vỗ
đùi đánh đét: “Tôi tưởng ông góp ý cái gì. Tôi giải thích cho ông thế này nhé.
Ông xem, mấy gia đình nuôi lợn toàn là những nhà có “máu mặt” cả. Có nhà còn có
con làm tận trên huyện. Mình mà góp ý giữa cuộc họp, nhỡ nó tự ái, nó lại gây
khó dễ cho nhà mình. Với lại mấy nhà đấy ở xa nhà tôi nên tôi cũng chưa ngửi
thấy mùi chuồng lợn. Còn thằng cu Thảo thì bố nó làm ở xã, mình góp ý thì mỗi
khi có việc gì phải lên xã chắc cũng khó giải quyết. Đấy, ý tứ là thế, nên tôi
phải nói ra chiều tích cực một tí. Còn thực ra thì tôi cũng thấy bức xúc lắm,
nhất là cái thằng cu Thảo ấy, suốt ngày nó lải nhải cạnh nhà tôi...”.
Nhấp ngụm nước chè, ông Thế trầm ngâm: “Nói
ông đừng giận. Tôi thấy con người ông như thể tách làm đôi vậy. Một nửa trong
tối, một nửa ngoài sáng. Tôi nghĩ mình là đảng viên, từng làm cán bộ, cống hiến
cả cuộc đời cho Nhà nước cũng là mong muốn cái tốt cho đất nước, cho xã hội,
nói gọn lại là cho ngay cái thôn, xã mình ngày càng văn minh lên, tốt lên. Vì
thế, những điều sai trái, những cái hạn chế, mình phát hiện ra thì phải góp ý.
Tôi nghĩ, nếu góp ý chân thành, mang tính xây dựng thì chắc chắn mọi người sẽ
hiểu, sẽ khắc phục. Chứ nếu cứ hành động như ông, chỗ cần, lúc cần nói thì ông
không nói. Khi ra ngoài cuộc họp ông lại bức xúc mắng chửi người ta. Như thế là
thiếu tinh thần xây dựng, thiếu tính chiến đấu và sự ngay thẳng của người đảng
viên, dần dần sẽ rơi vào trạng thái "tự diễn biến" đấy ông ạ. Đó là
chưa kể nếu đối tượng thù địch biết chuyện của ông lại thổi phồng, xuyên tạc,
nói xấu Đảng ta”.
Nghe ông Thế nói, ông Toán có vẻ giận nên đứng
dậy bỏ về. Thế nhưng từ các cuộc họp sau, mọi người đã thấy ông phát biểu khá
thẳng thắn, nêu rõ những hạn chế, những việc cần khắc phục trong thôn, trong
xã. Trong ý kiến phát biểu của ông còn nêu đầy đủ cả những biện pháp khả thi để
khắc phục những hạn chế đó. Mọi người đều thấy, dường như trong ông Toán đã có
sự thay đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét