Trong quá trình lãnh đạo
và xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và đã ban hành
nhiều chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định:
người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc
Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bài viết làm rõ đặc điểm, vai trò và đề
xuất giải pháp phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp
xây dựng và phát triển đất nước.
Cộng đồng người Việt Nam
ở nước ngoài hiện nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống và làm việc trên 130
quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Vị thế và
uy tín của cộng đồng người Việt Nam trong xã hội sở tại ngày càng được nâng
cao; cộng đồng đang có sự thay đổi tích cực về chất, nhất là về tiềm lực kinh
tế và trình độ chuyên môn, năng lực sáng tạo.
Tính đến
tháng 6/2022, kiều bào đã có 376 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký
hơn 1,7 tỷ USD và vốn góp hàng nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam. Về kiều hối,
hiện chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo dự báo của Ngân hàng Thế giới
(WB), tổng lượng kiều hối về Việt Nam có thể tăng 4,4% trong năm 2022 và tăng
3,6-4,5% trong năm tiếp theo. Bên cạnh đó, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
tiếp tục thành danh, đạt giải thưởng cao, ghi dấu ấn trí tuệ Việt Nam trên
trường quốc tế.
Nhận thức được vai trò, nguồn lực
quan trọng của kiều bào, Đảng ta không ngừng đổi mới tư duy, đề ra đường lối,
chính sách đúng đắn đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong sự
nghiệp phát triển đất nước. Ngày 10/11/2023 phó Thủ tướng Chính Phủ
Lưu Quang Hưng đã kí quyết định 1334/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực
của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình
mới”. Đề án tiếp tục khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan
trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Để phát huy hơn nữa nguồn lực người Việt Nam ở nước
ngoài đối với sự nghiệp phát triển đất nước, Đảng và nhà nước ta cần phải làm tốt các nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu rộng các chủ
trương, quan điểm, phương châm và định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về công tác
người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, các nhiệm vụ trong Nghị quyết
169/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác
người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026.
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác
tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu
nối hữu nghị rất quan trọng giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Thứ ba, đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, gây dựng, trợ giúp để mỗi người Việt Nam ở nước ngoài trở thành “đại sứ văn hóa Việt Nam”, “đại sứ nhân dân” ở nước ngoài. Qua đó, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, tình cảm gắn bó, yêu mến quê hương, đất nước; đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống; đồng thời, tôn trọng pháp luật, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của nước sở tại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét