“Bộ Công an dựng
lên kịch bản cưỡng đoạt tài sản để bắt ông Lưu Bình Nhưỡng”, “bắt xong ông Lưu
Bình Nhưỡng thì Quốc hội biến thành “phường chèo” vì ngoài ông Nhưỡng, chẳng
còn ai dám nêu ý kiến thẳng thắn trước cái sai của ngành công an và bất công xã
hội”, “dưới con mắt của đảng CSVN, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng còn nguy hiểm hơn
phản động”… là những luận điệu hết sức độc hại đang được Việt Tân cùng các hội,
nhóm “dân chủ” tung ra. Với thủ đoạn “chính trị hóa” vụ án hình sự, các “mõ
làng dân chủ” đã tô vẽ ra nhiều “thuyết âm mưu” để đánh lừa dư luận nhằm kích
động sự bất ổn trong xã hội.
Theo thông tin
từ cơ quan điều tra, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng là kết quả
điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (sinh năm 1986, thường gọi là Cường quắt,
trú xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) vì tội cưỡng đoạt tài sản do
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thụ lý. Hiện các cơ quan tiến
hành tố tụng đang thực hiện điều tra theo đúng quy định và chưa cung cấp thông
tin chi tiết về hành vi vi phạm của ông Lưu Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, căn cứ các
quy định pháp luật, phải khẳng định rằng, việc khởi tố, bắt tạm giam đối với
ông Lưu Bình Nhưỡng đã được xem xét một cách toàn diện, không có việc “Bộ Công
an dựng lên kịch bản” bắt người vô tội như những gì các đối tượng “dân chủ” đưa
ra.
Hiện một số kẻ
đang cố tình “bẻ lái” cho rằng nguyên nhân ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt là do
trước đó có những phát ngôn về sai phạm của lực lượng công an trước nghị trường
Quốc hội. Đây là đánh giá hoàn toàn vô căn cứ. Pháp luật là nghiêm minh và bình
đẳng, bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì. Đặc biệt, trong bối cảnh Đảng, Nhà
nước đang đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như hiện nay,
phương châm xuyên suốt mà chúng ta thực hiện là xử lý vi phạm “không có vùng
cấm, không có ngoại lệ”. Nhất là với các quan chức cấp cao, việc xử lý càng
phải được tiến hành thận trọng, chính xác. Và cũng cần nói thêm, khi khởi tố,
bắt tạm giam bất kỳ cá nhân nào, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải cân
nhắc, đánh giá, nghiên cứu tài liệu, chứng cứ kỹ để phòng ngừa việc làm oan,
sai cho người vô tội.
Điều 13, Bộ luật
Tố tụng hình sự quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến
khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án
kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Trong trường hợp ông Lưu Bình
Nhưỡng vô tội thì chắc chắn không một ai có thể quy chụp, làm oan cho ông
Nhưỡng. Trước đây, trong vụ án “Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ; vi
phạm quy định về khai thác tài nguyên”, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã tuyên
nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng vô tội. Kể ra điều này để
thấy rằng cơ quan tiến hành tố tụng đều làm việc độc lập, khách quan, tuân theo
pháp luật. Mặt khác, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nếu các cơ
quan tiến hành tố tụng làm oan, sai cho người vô tội thì sẽ phải bồi thường
theo quy định pháp luật.
Đánh giá một
cách khách quan, ông Lưu Bình Nhưỡng đã có những đóng góp không nhỏ trên diễn
đàn nghị trường Quốc hội. Nhiều ý kiến của ông Nhưỡng từng được lan truyền mạnh
mẽ trên mạng xã hội (dù còn có những ý kiến khen, chê trái chiều). Cá nhân ông
Nhưỡng cũng là hình mẫu (idol) của không ít người. Do đó, càng là quan chức cấp
cao thì càng phải gương mẫu chấp hành các quy định pháp luật.
Công - tội phải
hết sức rạch ròi và phân minh. Vì vậy, quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng
phải đánh giá, xem xét một cách toàn diện, bảo đảm quyền lợi cho bị can. Tuy
nhiên, những luận điệu “đổi trắng thay đen”, đặt điều xuyên tạc bản chất vụ
việc là không thể chấp nhận./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét