Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

MỖI QUỐC GIA ĐỀU CÓ QUYỀN LỰA CHỌN CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ PHÙ HỢP

 


Hiện nay, các học giả tư sản đang khuếch trương dân chủ tư sản, họ muốn áp đặt các giá trị của dân chủ tư sản lên các nước khác. Còn các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề dân chủ để chống phá Việt Nam. Vậy thực chất dân chủ tư sản là gì? Hiện thực hóa dân chủ ở Việt Nam ra sao? Nhận diện vấn đề này là cơ sở rất quan trọng để vô hiệu hóa các thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ chống phá Việt Nam hiện nay.

Thực chất của dân chủ tư sản

Các nước tư bản cho rằng, dân chủ bao gồm các yếu tố như: Đa đảng, tự do bầu cử, tư pháp độc lập và nhân quyền; tự do dân sự một cách tuyệt đối, phổ quát không bị giới hạn bởi đặc thù địa lý, xã hội, quốc gia, dân tộc… Dựa trên các điểm này, các nước tư bản đã đi đến áp đặt một cách vô căn cứ giá trị dân chủ tư sản đối với các nước khác, trong đó có Việt Nam. Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu rất rõ: “Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm quyền lực thật sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ”[1]; đồng thời, Tổng Bí thư cho rằng: “Tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ” dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị, đằng sau hệ thống đa đảng nhưng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”[2].

Ở các nước tư bản, bầu cử là một chế định pháp luật của nhà nước tư sản được quy định rất chặt chẽ; mặc dù vậy, trên thực tế từ trước đến nay vẫn luôn diễn ra những cuộc bầu cử không công bằng, thậm chí còn có cả gian lận. Chẳng hạn, Mỹ là một nước thường tự cho mình là có nền dân chủ cao như “khuôn thước” để các nước khác phải noi theo nhưng hầu như trong suốt lịch sử nước Mỹ, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa luân phiên kiểm soát quyền lực.

Ở các nước tư bản, về hình thức, các đảng chính trị đều “tự do”, “bình đẳng” trong cuộc đấu tranh nghị trường và đều có khả năng trở thành đảng cầm quyền; song, trên thực tế thì chỉ có các đảng lớn, có thế lực, được sự hậu thuẫn của các tập đoàn tư bản lớn mới có khả năng giành chiến thắng và nắm quyền. Cũng từ thể chế bầu cử ở các nước tư bản cho thấy tiền bạc ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong đời sống chính trị, xã hội và làm hoen ố nền dân chủ đó. Chẳng hạn ở Mỹ, các ứng viên cho các vị trí quan trọng trong bộ máy quyền lực cần phải đầu tư nhiều tiền của để tiến hành các chiến dịch vận động tranh cử hết sức tốn kém. Vì thế, nền dân chủ ở Mỹ thực chất chỉ là nền dân chủ dành cho người giàu.

Hiện thực hóa dân chủ ở Việt Nam

Ở Việt Nam, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập và tiến hành tổng tuyển cử, xây dựng Hiến pháp để kịp thời thể chế hóa các quyền lực của nhân dân lao động. Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước nhằm khẳng định nguồn gốc của chính quyền nhà nước là ở nhân dân, đề cao tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của mình và bản thân Đảng cũng tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật

Đến nay, ở Việt Nam, dân chủ vẫn được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực của đổi mới nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dân chủ là phương thức, nguyên tắc cơ bản của hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, trong đó mọi thành viên được tôn trọng và có quyền bình đẳng trong việc tham gia vào các công việc của đất nước, xã hội và cộng đồng. Công dân được tạo mọi điều kiện để phát huy các quyền tự do, dân chủ của mình trong đó có quyền bầu cử và tự ứng cử. Luật Trưng cầu Dân ý có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 là một bước tiến rất dài trong việc xây dựng một xã hội Việt Nam dân chủ, văn minh. Người dân giờ đây không chỉ có quyền bầu ra những người đại diện cho mình để quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, mà còn có cả một bộ luật để bảo đảm người dân được trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh.

Cũng cần phải nói thêm rằng, cơ sở của dân chủ xã hội chủ nghĩa là các quyền tự do của cá nhân, tổ chức trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, song sự tự do đó không được xâm phạm tới lợi ích quốc gia, dân tộc, tổ chức, cá nhân, quyền tự do của người này không được xâm phạm quyền tự do của người khác tức là phải trong khuôn khổ pháp luật quy định. Vấn đề này Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ cơ sở… Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân” [3]. Đặc biệt, việc Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, trong đó Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất 184/192 phiếu, đây được xem là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng một lần nữa minh chứng sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, trong đó có việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền tự do dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.

Như vậy, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền dân chủ cho toàn thể quần chúng lao động, và do vậy nó không thể chấp nhận sự chia rẽ xã hội, không thể tạo ra những lực lượng đối lập, đối kháng trong xã hội, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng và chính trị. Việc sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “đa nguyên, đa đảng” trong thời gian qua để kích động, gây chia rẽ, hận thù thực chất chính là thủ đoạn phục vụ cho âm mưu chống nhân dân và dân tộc, làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa của các lực lượng thù địch muốn xóa bỏ Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Lịch sử phát triển dân chủ trong xã hội nhân loại đã chứng minh được rằng mỗi một quốc gia, dân tộc đều có quyền lựa chọn cho mình một chế độ dân chủ phù hợp. Chính vì vậy, không cần và không nhất thiết mô phỏng chế độ dân chủ của bất kỳ quốc gia nào. Chế độ dân chủ của một quốc gia bất kỳ tương ứng phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, thể chế kinh tế… của từng quốc gia, đồng thời cần không ngừng được hoàn thiện và phát triển. Một nền dân chủ ưu việt và đích thực chỉ khi nó do chính nhân dân lựa chọn và quyền làm chủ của nhân dân, các quyền con người, quyền công dân thật sự được tôn trọng và được bảo vệ. Thực tiễn cũng đã chứng minh rằng, chế độ chính trị ở các nước tư bản cũng đầy rẫy những bất công, bất bình đẳng và tình trạng vi phạm các quyền tự do, dân chủ, thực tế này hoàn toàn trái ngược với những gì mà nhiều người vẫn ra sức tán dương, ca tụng. Thậm chí, một số quốc gia đã phải trả giá đắt cho việc bê nguyên xi mô hình dân chủ tư sản phương Tây, dẫn tới những bất ổn, thậm chí rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng và nội chiến vẫn kéo dài.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét