Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 25-10-2013 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình
hình mới” đã xác định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
phải đi đôi với việc kiên quyết ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa, xâm nhập các sản
phẩm văn hóa xấu độc, ngoại lai và thông tin độc hại”.
Điều đó thể hiện rất rõ quan điểm của Đảng về
vấn đề văn hóa là phải kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản,
chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm giữ gìn và
phát triển nền văn hóa Việt Nam trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế,
qua đó góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng từng khẳng định: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Đại hội XIII nhấn mạnh
một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Phát huy sức mạnh
tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam”;
đồng thời “bảo vệ nền văn hóa, lợi ích quốc gia-dân tộc; kiên quyết đấu tranh,
loại bỏ các sản phẩm, thông tin xấu độc, các văn hóa phẩm ngoại lai, độc hại,
ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội, thuần phong mỹ tục”.
Để giữ gìn, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa
truyền thống của dân tộc Việt Nam, đồng thời đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ
đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các hoạt động văn hóa-nghệ thuật để
xuyên tạc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, cần quan tâm
thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau.
Một là, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với
lĩnh vực văn hóa.
Bảo đảm các hoạt động văn hóa phát triển đúng
định hướng chính trị của Đảng, khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo của
các cấp ủy, tổ chức đảng trên lĩnh vực văn hóa. Các cấp, các ngành, địa phương
cần quan tâm chỉ đạo, giám sát nội dung tư tưởng chính trị trong các hoạt động
văn hóa, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các
hoạt động văn hóa hòng làm thay đổi hệ giá trị văn hóa Việt Nam.
Cùng với đó, cần quản lý chặt chẽ lĩnh vực
hoạt động báo chí, truyền thông, xuất bản; chủ động ngăn chặn, thanh lọc, không
để các loại ấn phẩm, văn hóa phẩm độc hại từ nước ngoài, thông tin xấu độc,
xuyên tạc thẩm lậu vào Việt Nam.
Hai là, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về
tầm quan trọng của văn hóa và mối nguy “xâm lăng văn hóa”.
Đã có lúc lĩnh vực văn hóa chỉ được nhận thức
đơn giản, phiến diện là bề nổi, là “cờ đèn kèn trống”, mà không phải là nhu cầu
thiết yếu của con người và là sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững. Do
vậy, cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức đúng đắn về lĩnh vực văn hóa, coi
đó vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế-xã hội. Văn hóa
phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội trong chiến lược phát
triển đất nước. Đó là cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng
quan tâm chăm lo phát triển lĩnh vực văn hóa một cách thiết thực, hiệu quả.
Thông qua hệ thống giáo
dục quốc gia, các kênh thông tin để tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm
của mọi công dân đối với mối nguy xâm lăng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa
hiện nay, từ đó nêu cao cảnh giác, nhận diện và kiên quyết đấu tranh với những
luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, hành vi phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, đi
ngược lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Ba là, huy động sức mạnh của hệ thống chính
trị để bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp và bản sắc văn hóa dân tộc.
UNESCO đã cảnh báo cho cả thế giới, hễ ở đâu
phát triển kinh tế mà không quan tâm tới yếu tố văn hóa thì ở đó phát triển
không bền vững và những hệ lụy đặt ra cho xã hội lớn hơn nhiều so với kinh tế.
Mặc dù được cảnh báo từ lâu nhưng để vượt qua điều này không hề dễ dàng, nhất
là những nước đang phát triển như Việt Nam, bản sắc văn hóa dân tộc rất dễ bị
tổn thương.
Muốn giữ được gốc gác cội nguồn dân tộc và bản
sắc văn hóa Việt Nam, ngoài trách nhiệm của ngành văn hóa và những người làm
công tác văn hóa, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành
và cả cộng đồng, xã hội. Vì văn hóa gắn liền với mỗi con người, mỗi cộng đồng
dân tộc, mỗi địa phương và gắn liền với các hoạt động chính trị, kinh tế, xã
hội, do đó cả hệ thống chính trị phải cùng nêu cao trách nhiệm trong việc tham
gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Bốn là, tăng cường sức mạnh nội sinh, tạo “sức
đề kháng” để phòng, chống xâm lăng văn hóa.
“Sức đề kháng” văn hóa là thứ vaccine để
phòng, chống các loại “virus văn hóa” xấu độc. Sức đề kháng mạnh sẽ là tấm
khiên chắn vững vàng trước các luồng văn hóa “đen”, thông tin “bẩn” xâm nhập
vào nước ta. Ngược lại, sức đề kháng yếu kém sẽ là điều kiện thuận lợi cho các
loại “virus văn hóa” độc hại lây lan phát triển, làm băng hoại các giá trị văn
hóa tốt đẹp của dân tộc.
Một trong những giải pháp căn cơ trong phòng,
chống xâm lăng văn hóa hiện nay là chúng ta phải quan tâm xây dựng nền công
nghiệp văn hóa, coi đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong quá trình hội
nhập quốc tế. Việc chú trọng xây dựng công nghiệp văn hóa không những góp phần mang
lại nhiều sản phẩm văn hóa tốt đẹp, lành mạnh để phục vụ, nâng cao đời sống văn
hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trong nước, mà thông qua xuất khẩu
những sản phẩm văn hóa đặc trưng của dân tộc ra thế giới, chúng ta còn thu được
nhiều lợi ích kinh tế to lớn. Hơn thế, việc mở rộng thị trường xuất khẩu văn
hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh về văn hóa ra nước ngoài còn góp phần khẳng
định, nâng cao vị thế quốc gia, hình ảnh dân tộc trên trường quốc tế.
Theo khuyến cáo của UNESCO, cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư dù có mang lại nhiều tiện ích văn minh cho cuộc sống con
người và cộng đồng, song cũng dễ làm tâm hồn con người trở nên xơ cứng, văn hóa
các dân tộc trở nên đơn điệu, nghèo nàn, thậm chí có nguy cơ lụi bại trước sự
xâm lăng ngấm ngầm của nền công nghiệp văn hóa nghe nhìn phương Tây đang “tung
hoành” hầu như khắp nơi mọi chốn trên thế giới.
Do đó, điều cốt tử để bảo tồn được bản sắc dân
tộc là phải vừa chú trọng giữ gìn, vừa bồi đắp, nâng tầm bản lĩnh văn hóa, trí
tuệ dân tộc để có đủ khả năng nhận diện, lọc bỏ những “virus văn hóa” lai căng
độc hại đang hằng ngày, hằng giờ tác động, thẩm thấu vào xã hội. Nói cách khác,
để văn hóa dân tộc Việt Nam trường tồn và phát triển thì vấn đề đặt ra cấp bách
hiện nay là đừng để bị cuốn theo những làn sóng văn hóa nước ngoài mà thực chất
là bị cuốn vào dòng xoáy xâm lăng văn hóa hết sức tinh vi, nguy hại bởi các thế
lực thù địch và những tư tưởng sô vanh, bá quyền về văn hóa.
Với tư cách là lực lượng chính trị tin cậy,
lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Quân đội nhân
dân Việt Nam phải là lực lượng tiên phong, xung kích, mũi nhọn trong việc thực
hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh lực văn hóa, chủ động ngăn chặn các hiện
tượng xâm lăng văn hóa từ sớm, từ xa, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ, không gian văn hóa, non sông gấm vóc của tổ tiên để lại, để dân
tộc Việt Nam và nền văn hóa Việt Nam mãi trường tồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét