Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

CHẤN CHỈNH NHỮNG HIỆN TƯỢNG KHÔNG PHÙ HỢP CHUẨN MỰC TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC


Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và từ ngày thành lập nước đến nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn khẳng định và tạo điều kiện để các dân tộc ở Việt Nam chung sống bình đẳng, có quyền dùng tiếng nói, chữ viết riêng, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, đến nay vẫn tồn tại một số hủ tục, tệ nạn mê tín dị đoan, hiện tượng không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc gây bức xúc trong dư luận, đòi hỏi cần được điều chỉnh.

Ngày 7/2/2022, dư luận xôn xao trước sự việc một thiếu niên có hành động kéo, bắt ép một cô bé với mục đích bắt về nhà làm vợ theo tục “Chắt Pò Nỉa” (tục kéo vợ). Nhờ sự giải cứu kịp thời của các chiến sĩ công an địa phương, thiếu nữ này đã trở về nhà an toàn. Tuy nhiên sau khi video ghi lại sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, lại có ý kiến trái chiều cho rằng cơ quan chức năng “can thiệp quá sâu vào phong tục, tập quán” của đồng bào dân tộc.

Cơ sở để các ý kiến này dựa vào là chi tiết “hai thiếu niên đã quen biết nhau trên mạng xã hội”, “đám đông chung quanh không can thiệp” để kết luận cả hai đã chấp nhận trở thành vợ chồng nên phải được tôn trọng! Thực tế, những ý kiến như vậy đã vô tình bỏ qua hoặc tảng lờ một sự thật là cả hai nhân vật trong vụ việc nói trên đều dưới 18 tuổi (nam thiếu niên sinh năm 2006, nữ nạn nhân sinh năm 2008). Tức là dù cả hai “chấp nhận” thì hành vi đó cũng vi phạm các quy định trong Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Hình sự hiện hành.

Không những vậy, theo quan điểm của các cán bộ địa phương, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số và đại diện của cộng đồng người H’Mông ở Hà Giang, sự việc này là hành vi biến tướng, khiến xã hội hiểu sai về bản chất của tục “kéo vợ”. Mặt khác, việc người chưa thành niên tự ý kết hôn trái pháp luật thông qua hành vi “bắt vợ” và những hành vi cưỡng hôn khác còn là một nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn hiện nay.

Thí dụ trên không phải là hiện tượng đơn lẻ, hi hữu, mà là một loại hiện tượng đáng báo động. Theo Báo cáo sơ kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (được Bộ Tư pháp thực hiện năm 2019), tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tảo hôn của 53 dân tộc thiểu số lên tới 26,59% (nam 26,04% và nữ 27,12%). Tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) - nơi diễn ra vụ việc “bắt vợ” vừa qua, trong năm 2021 có 21 cặp tảo hôn.

Thực tế cho thấy cho đến nay, không ít phong tục, tập quán đang tồn tại trong đời sống vật chất và tinh thần của 54 dân tộc Việt Nam đã trở thành lỗi thời, lạc hậu hoặc bị biến dạng, mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Trong đó, phải kể đến các hình thức đưa tiễn, tưởng nhớ người đã khuất của nhiều dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Thí dụ: cá biệt ở một số địa phương thuộc tỉnh Sơn La, Yên Bái vẫn xuất hiện hình thức treo thi thể người chết ở giữa nhà, mổ nhiều gia súc với mong muốn người đã khuất được ấm no, hạnh phúc, không gây hại cho con cháu, người thân.

Ngày 17/3/2022 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn 861/BVHTTDL-VHDT về việc chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hóa truyền thống. Công văn chỉ rõ hiện tượng “cướp vợ”, “bắt vợ” không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, gây bức xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc H’Mông. Đồng thời qua sự việc này, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch:

Qua đó, hướng người dân đến những lợi ích thiết thực, dễ nhận thấy mà đời sống văn minh mang lại khi thay thế cho các hủ tục. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng, góp phần giải quyết triệt để, tận gốc vấn nạn này. Thực tế, xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch luôn là một công tác được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét