Đến hẹn lại lên, vào thời điểm cuối năm, các cơ quan, đơn vị lại
bước vào mùa bình bầu thi đua, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ.
Đây là phần việc hết sức quan trọng của tổ chức, nhằm ghi nhận,
tạo động lực cho cán bộ tiếp tục phấn đấu công tác, cống hiến; cũng là căn cứ
để hiện thực các khâu, các bước khác trong công tác cán bộ.
Điều đáng nói là sau những hội nghị đánh giá, xếp loại cán bộ
hằng năm, nhiều nơi thường xem đây là một dịp tổ chức liên hoan, tiệc tùng.
Trong khi đó, một số hội, nhóm cũng rủ nhau tụ tập vui vẻ, chúc mừng những
thành quả đạt được sau một năm công tác, cống hiến.
Tất nhiên, không ít cán bộ tham gia liên hoan dịp cuối năm là
bởi luôn đề cao trách nhiệm với tổ chức, thật lòng muốn gắn kết, gắn bó với các
thành viên trong tập thể. Thế nhưng, cũng không ít cá nhân vui vẻ, phấn khởi
bởi bản thân được tổ chức ưu ái một cách khác thường; đánh giá, xếp loại ở mức
cao hơn nhiều so với thực tế kết quả đã hoàn thành. Thậm chí, dù cán bộ chưa
thật sự cố gắng, nhiệt huyết không nhiều, chưa có đóng góp đáng ghi nhận...
nhưng tập thể vẫn “dí” cho mức xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” nên niềm vui
cá nhân như thể trực trào.
Theo nhiều cán bộ tốt, sở dĩ, ở nhiều nơi vẫn tiếp diễn câu
chuyện đánh giá cán bộ thiếu thực chất là bởi có phần nguyên nhân từ sự áp đặt,
giao khoán chỉ tiêu (tỷ lệ) trong công tác đánh giá cán bộ. Ví như, một tổ chức
đảng, chi bộ, cơ quan, đơn vị thì phải bảo đảm bao nhiêu phần trăm cán bộ hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ; bao nhiêu phần trăm hoàn thành nhiệm vụ và cũng ấn
định con số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ...
Vì áp đặt chỉ tiêu và vận hành cứng nhắc nên tổ chức cấp dưới
rất dễ sinh ra biểu hiện “lựa gió, bẻ măng”, cho rằng cấp trên “đã cho cơ chế”
thì việc gì phải nặng nhẹ với anh em đồng chí, đồng nghiệp trong nội bộ. Hơn
thế, nếu có nhiều người hoàn thành xuất sắc, hoàn thành nhiệm vụ thì tổ chức
đảng, cơ quan, đơn vị nơi ấy càng bảo đảm các tiêu chí xếp loại tổ chức ở mức
cao hơn.
Nhiều cán bộ, đảng viên đề xuất: Việc đặt ra các tỷ lệ phần trăm
trong đánh giá cán bộ là cần thiết, nhưng phải nhất quán quan điểm mềm dẻo
trong vận dụng đối với mỗi cấp, mỗi loại hình, đặc thù tổ chức, cơ quan, đơn vị,
địa phương. Bởi, hiện nay có nhiều tổ chức gồm những cán bộ rất xứng đáng được
đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhưng cũng có tổ chức không tìm
đâu ra cán bộ bảo đảm các tiêu chí ở mức hoàn thành xuất sắc. Lại có không ít
nơi, cán bộ không đạt mức hoàn thành nhiệm vụ, nhưng do rập khuôn về định mức
tỷ lệ, chỉ tiêu theo quy định nên cơ sở tiện bề vận dụng, sinh ra cả nể, rồi
bình xét, đánh giá cán bộ theo lối cào bằng.
Dư luận cho rằng, nếu từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương
không cứng nhắc, áp đặt trong vận dụng các tiêu chí, chỉ tiêu và khắc phục
triệt để những biểu hiện nặng thành tích trong đánh giá cán bộ thì chắc chắn
mặt công tác này sẽ có những bước chuyển biến tích cực, dần tiệm cận đến sự
thực chất, đúng đắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét