Thứ Hai, 23 tháng 10, 2023

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM KHÔNG CÓ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

 


Nhằm phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, các thế lực thù địch lợi dụng quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để xuyên tạc, bóp méo, kích động làm lay động ý chí và hành động của nhân dân ta. Chúng cho rằng không có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, biểu hiện:

Thứ nhất, họ đã đồng nhất kinh tế thị trường với kinh tế thị trường chủ nghĩa tư bản. Họ cho rằng, chỉ có một loại kinh tế thị trường là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Nguồn gốc và bản chất của kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa. Các phạm trù giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ, các quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu, quy luật giá trị của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù và quy luật của kinh tế thị trường. Các phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản, được chủ nghĩa tư bản nắm lấy, sử dụng để phát triển thành kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Như vậy, kinh tế thị trường là thành tựu văn minh trong xã hội hiện đại. Vì thế, kinh tế thị trường không chỉ có trong chủ nghĩa tư bản mà còn cả trong chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, giữa chúng có sự khác nhau về mục đích, bản chất.

Thứ hai, sai lầm của những người này là họ dường như cho rằng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa từ khi ra đời đến nay là không thay đổi, “nhất thành, bất biến”. Họ không thấy rằng trải qua thời gian, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa cũng có nhiều biến đổi. Ngày nay, nền kinh tế thị trường hiện đại của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, vừa có điều tiết bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước; trong đó, điều tiết của thị trường là cơ sở, nền tảng và điều tiết của nhà nước trên cơ sở tôn trọng điều tiết của thị trường (công cụ quản lý, điều tiết kinh tế của nhà nước là luật pháp, chính sách và các nguồn lực kinh tế của nhà nước).

Hơn nữa, kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới không phải hoàn toàn giống nhau, mà có nhiều mô hình khác nhau, tùy thuộc vào mức độ can thiệp và nội dung, định hướng can thiệp của nhà nước. Có mô hình kinh tế thị trường tự do ở những nước mức độ can thiệp của nhà nước vào kinh tế thấp; nhà nước chỉ bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, tự do kinh doanh, bảo đảm trật tự, ổn định xã hội, còn để phạm vi điều tiết của thị trường lớn, điều tiết mọi hoạt động kinh tế (như ở Mỹ trước thời Tổng thống Đ.Trump). Có mô hình kinh tế thị trường xã hội, nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để tạo cơ hội như nhau cho mọi người tham gia phát triển và hưởng thành quả phát triển, chống lại độc quyền, phát triển kinh tế theo định hướng xã hội (Đức). Có mô hình kinh tế thị trường phúc lợi xã hội, nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để điều tiết thu nhập, phát triển các dịch vụ xã hội công, bảo đảm phúc lợi cho người dân, đặc biệt là những người cần được trợ giúp là trẻ em, người già, người thất nghiệp,... (các nước Bắc Âu). Có mô hình kinh tế thị trường nhà nước phát triển, nhà nước không chỉ tạo thể chế, môi trường cho các chủ thể kinh tế hoạt động, mà còn có chiến lược, chính sách và sử dụng các nguồn lực kinh tế của nhà nước để định hướng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế (Nhật Bản, Hàn Quốc)...

Như vậy, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại. Chủ nghĩa tư bản đã lấy kinh tế thị trường làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Trong thời đại ngày nay, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thị trường ở các nước tư bản phát triển, dù ở mức độ khác nhau, đều có định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là xu hướng tiến bộ, là những mầm mống của chủ nghĩa xã hội trong lòng chủ nghĩa tư bản (là những sự phủ định đối với tư bản tư nhân, dù vẫn chưa phá bỏ được chế độ tư bản). Do tính chất của thời đại, một nước kinh tế chưa phát triển, chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, cũng có thể quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở những nước này, sử dụng cả kinh tế thị trường và cả kinh tế tư bản chủ nghĩa để xây dựng nền tảng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét