Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

KHI “TẬP TRUNG” VÀ “DÂN CHỦ” BỊ TÁCH RỜI

Trong các nguyên tắc của Đảng thì tập trung dân chủ là nguyên tắc rất cơ bản trong lãnh đạo, tổ chức và sinh hoạt Đảng. Tuy nhiên, khi vận hành, với động cơ cá nhân, lợi ích nhóm, nguyên tắc này bị lợi dụng, lạm dụng, bóp méo, trở thành bình phong, hợp lý hóa cho các sai phạm của lãnh đạo...

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản, nguyên tắc có tính chất xương sống trong tổ chức của chính đảng mác-xít. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường gọi đây là nguyên tắc dân chủ tập trung với hàm ý nhấn mạnh, đề cao thành tố dân chủ trong nội hàm cùng với thành tố tập trung. Người chỉ rõ rằng: “Toàn thể đảng viên, toàn thể các cấp, tổ chức thống nhất lại theo một nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc ấy tức là dân chủ tập trung”. Người chỉ rõ đây là nguyên tắc lãnh đạo, nguyên tắc tổ chức cao nhất, là chế độ lãnh đạo của Đảng.

Cần khẳng định rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc thống nhất, quy định cách tổ chức, hoạt động của Đảng, trong đó, tập trung phải trên cơ sở dân chủ, dân chủ phải đi đôi với tập trung; đảng viên bình đẳng về quyền và trách nhiệm; các cơ quan lãnh đạo của Đảng do bầu cử lập ra; nghị quyết của Đảng được quyết định theo đa số; thiểu số phục tùng đa số; tổ chức đảng cấp dưới phục tùng tổ chức đảng cấp trên; đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng..., nhằm bảo đảm cho Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, kỷ luật nghiêm minh.

Trong nguyên tắc tập trung dân chủ, tập trung và dân chủ quy định lẫn nhau. Tập trung mà không có dân chủ thì sẽ trở thành tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; còn dân chủ mà không đi tới tập trung thì sẽ rơi vào tình trạng dân chủ vô tổ chức, hỗn loạn.

Nguyên tắc tập trung dân chủ quy định chế độ làm việc, ra quyết định đặc thù của Đảng. Nếu như trong chế độ thủ trưởng, người đứng đầu được tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình thì trong Đảng, người đứng đầu cấp ủy phải theo chế độ lãnh đạo tập thể, các quyết định lãnh đạo phải được thảo luận và quyết định theo đa số. Vừa qua, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý đồng thời là người đứng đầu cấp ủy đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ ở nội dung này, áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể lãnh đạo, dẫn đến quyết định chủ trương không đúng quy định, vượt thẩm quyền, vi phạm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, quy chế làm việc của cấp ủy, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu tới tình hình chính trị, xã hội và uy tín của Đảng. Như thế, ở những cơ quan, đơn vị, địa phương khi người đứng đầu nắm cả hai vai, vừa là thủ trưởng cơ quan, vừa là người đứng đầu cấp ủy, nếu không nắm vững nguyên tắc, đồng thời nếu không có sự kiểm soát và kiềm chế của tập thể thì rất dễ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Nguyên tắc tập trung dân chủ quy định tổ chức đảng các cấp quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, tuy nhiên không được nhân danh tổ chức đảng ra nghị quyết trái với nguyên tắc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên. Vừa qua, không ít cấp ủy đảng đã vi phạm quy định này.

Ở các tổ chức đảng vi phạm, người đứng đầu không bám sát vào các nội dung nguyên tắc, thiếu thảo luận dân chủ, áp đặt ý kiến chủ quan cá nhân. Dân chủ trở thành hình thức, giả hiệu, chỉ là bình phong bên ngoài, còn nội hàm bên trong lại bị một số cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu chi phối, lũng đoạn, chèo kéo, ép buộc, thậm chí hăm dọa để bắt tập thể theo ý mình. Nhiều cá nhân trong tổ chức đảng thể hiện sự tập trung theo lối a dua, xu nịnh, "theo đóm ăn tàn", bất chấp nguyên tắc. Dân chủ bị vận hành sai quy trình và tập trung bị “cá nhân hóa”. Do đó, ý kiến của các cán bộ, đảng viên không được lắng nghe, không được cân nhắc để tiếp thu, thậm chí còn bỏ qua việc xin ý kiến, từ đó các vi phạm pháp luật đã không được ngăn chặn.

Ở không ít nơi, người đứng đầu đã dùng nhiều chiêu trò, thủ đoạn để buộc tập thể thông qua các quyết định có tính chất cá nhân, lợi ích nhóm. Chiêu trò, thủ đoạn thường là cung cấp thông tin không đúng, hướng lái người khác theo ý mình, hứa hẹn, ràng buộc lợi ích nào đó hoặc dùng ảnh hưởng, quyền lực để gây sức ép, áp lực buộc người khác phải ủng hộ hay “im lặng là đồng ý”... Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương từng nhấn mạnh rằng: “Vừa rồi, chúng ta kỷ luật một số tổ chức đảng, cơ bản là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan, không tôn trọng dân chủ”.

Trong trường hợp này, nguyên tắc tập trung dân chủ trở thành bình phong. Ý chí, lợi ích cá nhân được “vỏ bọc” tập thể bảo vệ. Vì thế mới có chuyện, về hình thức thì thực hiện đúng quy trình nhưng kết quả vẫn là những sai phạm, hậu quả khôn lường...

1 nhận xét: