Thứ Tư, 16 tháng 8, 2023

Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

                  Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

=Mõ Làng=

Gần đến kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, trên các trang mạng tung ra một số bài của những người khác chính kiến phê phán Cách mạng tháng Tám, cho rằng, “không có cuộc cách mạng này, nước Việt Nam vẫn thống nhất”. Có bài viết “đề nghị lấy ngày 11-3-1945, ngày Chính phủ Nhật dựng lên Chính phủ Việt Nam do Hoàng đế Bảo Đại đứng đầu làm ngày Quốc khánh của Việt Nam, thay cho ngày 2-9-1945?”. Có bài viết so sánh nhiều nước ở Đông Nam Á có tiến hành Cách mạng tháng Tám đâu mà nước họ vẫn phát triển hơn Việt Nam, như Thái Lan, Singapore, Inđônêxia,…

Những luận điệu sai trái trên đây cần phải được phê phán vì nó phản ánh sai trái lịch sử. Việc lấy ngày 11-3-1945 làm ngày Quốc khánh của Việt Nam thay cho ngày 2-9-1945 thật là phi lý, vì chính quyền Bảo Đại có còn nữa đâu, cái thây ma đã ruỗng nát từ lâu rồi.

Chúng ta biết rằng, Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra ở Việt Nam là một cuộc Cách mạng mang tính thời đại và tinh thần dân tộc mãnh liệt, mở ra trang lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nó đã đập tan chính quyền của thực dân và phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa nhân dân ta từ người nô lệ thành người chủ thực sự của đất nước, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; đưa nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến thành một nước độc lập và dân chủ nhân dân; đưa Đảng ta từ một đảng hoạt động không hợp pháp, thành một đảng hoạt động hợp pháp, nắm chính quyền trong cả nước; đưa dân tộc ta tiến lên hàng đầu các dân tộc tiên phong trên thế giới. Rõ ràng, Cách mạng tháng Tám đã mở ra trang sử mới cho nhân dân Việt Nam, trang sử hào hùng của dân tộc.

Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945 là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác – Lênin ở một nước thuộc địa và nửa phong kiến, góp phần mở ra một thời kỳ sụp đổ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc thế giới.

Cách mạng tháng Tám thành công chứng tỏ rằng, trong thời đại ngày nay, một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân và đội tiên phong là Đảng Cộng sản lãnh đạo, hoàn toàn có khả năng thắng lợi ở một nước thuộc địa bị ách thực dân, đế quốc thống trị xâm lược.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi đã đánh thẳng vào dinh lũy của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, làm đứt tung một khâu yếu nhất trong chuỗi xích của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, mở đường cho cách mạng giải phóng dân tộc phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một nước nông nghiệp lạc hậu, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thành công của Cách mạng tháng Tám đánh dấu mốc son chói lọi của nghệ thuật lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng mới 15 tuổi (1930-1945) đã lãnh đạo cách mạng thành công, giành chính quyền trong cả nước; là cuộc khởi nghĩa vĩ đại của nhân dân ta, là sự kết hợp tài tình giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy chưa từng có cả ở thành thị lẫn nông thôn mà đòn tiến công quyết định là cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

Cách mạng tháng Tám bắt đầu từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, họp từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, tại rừng Khuổi Nậm, thôn Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, tháng 5-1941, do Nguyễn Ái Quốc, đại biểu Quốc tế Cộng sản, chủ trì, với sự tham gia của các đồng chí Trường Chinh, quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt là Ủy viên Thường vụ Trung ương Lâm thời Đảng Cộng sản Đông Dương,…

Hội nghị họp vào giữa lúc tình hình chính trị thế giới đầy biến động. Ở những nơi xa xôi như Cao Bằng, các đại biểu dự Hội nghị cũng nhận được những tin tức về việc Đức ký hòa ước với Anh, lôi kéo Anh – Mỹ vào khối liên minh chống Liên Xô. Tình hình khẩn cấp đến nỗi chỉ một tháng sau đó, phátxít Đức bắt đầu tấn công Liên Xô. Thái độ của Mỹ, Anh lúc đó bộc lộ rất rõ: Nếu Đức thắng, họ sẽ giúp Nga, nếu Nga thắng thì sẽ giúp Đức. Âm mưu của họ là muốn để cho hai nước Đức, Nga chém giết lẫn nhau nhiều chừng nào hay chừng ấy. Điểm nút thắt ở chỗ tập đoàn phátxít – đế quốc muốn cho Liên Xô thất bại, nhằm thủ tiêu chế độ Xô viết.

Trước tình hình nghiêm trọng xảy ra trên thế giới như vậy, Hội nghị thảo luận kỹ về tình hình quốc tế. Trung ương nhận định thấy rằng sự giống nhau giữa Chiến tranh thế giới thứ nhất với Chiến tranh thế giới thứ hai ở chỗ sự xâu xé quyền lợi giữa hai phe đế quốc (Đức, Ý, Nhật – Mỹ, Anh, Pháp), cả hai phe đều tham lam giành giật thuộc địa và thị trường của nhau. Cái chung giống nhau của họ còn thể hiện ở chỗ bắt các nước thuộc địa cung cấp nhân lực, tài lực, phục vụ cho chiến tranh và thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng.

Hội nghị nhận định rằng, nếu Chiến tranh thế giới thứ nhất là một tiền đề dẫn đến Cách mạng tháng Mười Nga, thì Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ là một tiền đề dẫn đến thắng lợi của nhiều cuộc cách mạng mới ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Về tình hình Đông Dương, Hội nghị nhận định rằng, từ khi khói lửa Chiến tranh thế giới thứ hai lan rộng, Đông Dương bị Pháp lôi cuốn vào vòng chiến , gây sự đổ nát về kinh tế và rối loạn về xã hội.

Mối đe dọa của Pháp đang còn chống chất, thì bàn tay tàn bạo của phátxít Nhật đối với nhân dân Đông Dương ngày càng bóp chặt1. Nhật tăng cường lục lượng quân sự trên bán đảo Đông Dương, hòng thôn tính Đông Dương. Chống lại chính sách thực dân, phátxít ở Đông Dương, Nghị quyết của Hội nghị nêu rõ các dân tộc ở Đông Dương chỉ có một con đường đoàn kết chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc cho mỗi nước. Muốn vậy, các dân tộc Đông Dương phải tập hợp được các lực lượng, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư sản bản xứ, lương, giáo,… bất kỳ ai có lòng yêu nước, thương nòi, cần tập hợp dưới lá cờ cứu nước, đánh đuổi Nhật, Pháp xâm chiếm Đông Dương, giành độc lập cho các dân tộc ở Đông Dương.

Riêng đối với dân tộc Việt Nam, sau khi đánh đuổi Pháp, Nhật “sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của giai cấp nào mà là của chung của toàn thể dân tộc…”2. Dân tộc Việt Nam cần đoàn kết chặt chẽ với các dân tộc khác trên bán đảo Đông Dương, giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của mỗi nước. Nghị quyết của Hội nghị quyết định khởi nghĩa vũ trang trong toàn thể các dân tộc trên bán đảo Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Muốn có đủ lực lượng để khởi nghĩa vũ trang trong toàn quốc, Đảng Cộng sản Đông Dương phải mở rộng và củng cố các tổ chức cứu nước, vũ trang bằng những phương tiện có thể có để tiêu diệt kẻ thù xâm lược trên bán đảo Đông Dương.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 nhấn mạnh đến vấn đề giữ chính sách dân tộc, đại đoàn kết, vì chính sách ấy “hợp với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, hợp với nguyện vọng của các giai cấp, các dân tộc ở Đông Dương, hợp với cuộc tranh đấu chung của toàn thế giới chống phát xít và xâm lược, cuộc cách mạng Đông Dương mới thành công chắc chắn được”3.

Để đoàn kết toàn dân đấu tranh, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh vào ngày 19-5-1941, ngày bế mạc Hội nghị.

Hội nghị bầu Ban lãnh đạo mới của Đảng. Ban Thường vụ Trung ương chính thức gồm Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, do Trường Chinh làm Tổng Bí thư.

Sau Hội nghị Trung ương 8, tháng 5-1941, mọi công tác chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành gấp. Ngày 23-3-1945, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”4, do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp soạn thảo. Tư tưởng chỉ đạo có tính chất bao trùm của Chỉ thị thực chất là chương trình hành động cách mạng của nhân dân ta. Cần hành động ngay, hành động kiên quyết, nhanh chóng, sáng tạo, chủ động, táo bạo, không chịu bó tay khi tình thế biến chuyển thuận lợi, đẩy mạnh cao trào kháng Nhật, cứu nước tiến đến tổng khởi nghĩa. “Thắng lợi cuối cùng nhất định về tay chúng ta!”5.

Cùng với Chỉ thị là Hiệu triệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên chống Nhật (sau khi Pháp đã đầu hàng) bằng các hình thức biểu tình, thị oai, bãi công, bãi thị, bãi khóa, phá đường giao thông, kho tàng, đánh đồn, chặn các đội quân tuần tiễu của Nhật, chặn bàn tay của của chúng lại, không để cho chúng tác oai, tác quái. Toàn dân tuốt gươm, chĩa súng, giết giặc, trừ gian, dựng lên một nước Việt Nam độc lập và tự do.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, sự chỉ đạo kịp thời của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng Bí thư Trường Chinh, khắp các địa phương đã nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân, dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Việt Nam.

“Tuyên ngôn độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và đọc tại Lễ độc lập ở vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, chiều ngày 2-9-1945, đã chính thức tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, ra đời.

Sau Cách mạng tháng Tám, đất nước phải trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp và 20 năm chống Mỹ xâm lược, cuối cùng đã giành được độc lập, tự do, giang sơn thu về một mối, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước như ngày hôm nay.

Mọi luận điệu xuyên tạc sự thật lịch sử về Cách mạng tháng Tám nhất định sẽ bị dư luận xã hội lên án.


1 nhận xét:

  1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa nhân dân ta thoát khỏi kiếp nô lệ, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

    Trả lờiXóa