Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

TƯ TƯỞNG KẾT HỢP SỨC MẠNH DÂN TỘC VỚI SỨC MẠNH THỜI ĐẠI TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XXI

         Tại Đại hội XIII của Đảng, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đó là sự nhất quán và phát triển tư duy nhận thức của Đảng trước những biến đổi của tình hình thực tiễn đang tác động, ảnh hưởng, chi phối trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đại hội chủ trương: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Đây là quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2025, năm 2030 và năm 2045.

Để phát huy tốt quan điểm chỉ đạo kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại cho mục tiêu phát triển đất nước của Việt Nam đến năm 2030, năm 2045, năm 2050, cần thống nhất một số định hướng sau:

Thứ nhất, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại chính là gắn độc lập, tự chủ của đất nước với việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chính vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục giữ vững nguyên tắc hàng đầu về bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Đồng thời, Việt Nam cũng cần nâng cao nhận thức về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại cho đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách, triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động nắm bắt thời cơ, tiến hành hội nhập quốc tế trên tất cả phương diện từ kinh tế, văn hóa - xã hội đến quốc phòng - an ninh...

Thứ hai, sức mạnh dân tộc, sức mạnh nội sinh là yếu tố quyết định; sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc tế, sức mạnh bên ngoài là yếu tố quan trọng, nhưng chỉ có tác dụng và hiệu quả khi sức mạnh bên trong được chuẩn bị kịp thời, đầy đủ. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục kế thừa truyền thống “độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - căn cốt của sức mạnh dân tộc và nhanh chóng nắm bắt, tận dụng thời cơ để vượt qua thách thức, tạo thế ổn định, phát triển đất nước, phát huy. Những nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân sẽ tạo cho đất nước khả năng tận dụng tối ưu những yếu tố có lợi, loại trừ những yếu tố bất lợi, vô hiệu hóa những mưu đồ thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, tranh thủ ngoại lực đẩy mạnh công cuộc đổi mới, bảo đảm cho đất nước luôn ổn định và phát triển.

Thứ ba, Việt Nam đã và đang tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu; hiện nay có 17 đối tác chiến lược và 13 đối tác toàn diện. Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng trên thế giới. Trong bối cảnh chuyển dịch trọng tâm quyền lực từ Tây sang Đông; cục diện thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn dẫn tới sự cọ xát, cạnh tranh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng khốc liệt, gay gắt, Việt Nam chủ trương tôn trọng và xử lý khéo léo quan hệ với các nước. Đặc biệt, đối với các nước lớn, Việt Nam cần đánh giá kỹ sự điều chỉnh chính sách của những nước này, hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ với từng nước, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình hoạch định chính sách.

Thứ tư, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, Hợp tác tiểu vùng sông Mê Công và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể. Đây là cách thức để Việt Nam xây dựng lòng tin và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng như hiện thực hóa vai trò dẫn dắt, trung gian, hòa giải của Việt Nam tại các cơ chế này gắn kết sâu sắc hơn nữa Việt Nam với thế giới.

Thứ năm, cân bằng giữa việc phát triển nội lực đất nước và tận dụng nguồn lực bên ngoài trên cơ sở xem trọng và đẩy mạnh các hoạt động nâng tầm sức mạnh tổng hợp quốc gia; đồng thời, không được xem nhẹ dòng chảy và sức mạnh của thời đại. Bên cạnh đó, không nên quá phụ thuộc vào bên ngoài dẫn đến tình trạng thiếu tính độc lập, tự chủ, dễ bị “hòa tan” cũng như dễ rơi vào tình trạng thụ động, bảo thủ hay biệt lập trong bối cảnh đất nước đang tăng cường quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Tựu trung, tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại được Đảng ta vận dụng sáng tạo qua từng giai đoạn lịch sử đã phản ánh sự nhất quán về lập trường tư tưởng chính trị và sự khéo léo, linh hoạt của Đảng trong phát triển nhận thức phù hợp với tình hình thực tiễn và các xu thế toàn cầu. Trên tinh thần phát huy ý chí “độc lập, tự lực, tự cường”, Đảng ta cần thống nhất các định hướng để đạt được các mục tiêu về bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc của đất nước đến giữa thế kỷ XXI./.

1 nhận xét:

  1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đã được Đảng ta vận dụng rất sáng tạo qua từng giai đoạn lịch sử

    Trả lờiXóa