Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM LUÔN PHẢI TUÂN THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT

 

TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM LUÔN PHẢI TUÂN THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT

Các thế lực thù địch luôn chống phá nước ta với phương châm lấy chính trị làm đột phá, kinh tế làm mũi nhọn, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền làm ngòi nổ, quốc phòng, an ninh là then chốt, ngoại giao là hỗ trợ. Thời gian qua, lợi dụng quá trình giao lưu, hội nhập, mở cửa của nước ta, cũng như sự phát triển nhanh chóng của Internet và gia tăng số lượng người dùng các trang mạng xã hội, nhiều thế lực xấu đã liên tục đưa ra những nhận định xuyên tạc trắng trợn tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Chúng lớn tiếng cho rằng, “Ở Việt Nam không có tự do tôn giáo”. Đây là nhận định không có cơ sở.

Bởi lẽ, không phải bây giờ, mà ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, chúng ta đã khẳng định: “Nhân dân có quyền tự do tín ngưỡng”. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rất rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.”. Đó là những cơ sở pháp lý minh chứng cho thấy quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tự do tôn giáo.

Còn quan điểm cho rằng, Nhà nước Việt Nam không được can thiệp vào các hoạt động tôn giáo, đó lại là một quan điểm mơ hồ, ảo tưởng và phi lý. Phi lý bởi lẽ, tôn giáo là một hoạt động, một tổ chức xã hội mà đã là một tổ chức xã hội thì phải chịu sự quản lý của Nhà nước, tuân theo các quy định của luật pháp. Ngay như trong Luật ngày 9/12/1905 của nước Cộng hòa Pháp, tại Điều 26 cũng quy định: “Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của cơ quan chính quyền. Cấm hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào việc thờ cúng và thực hành nghi lễ tôn giáo”. Như vậy, có thể thấy rằng, để xã hội và đời sống tôn giáo phát triển ổn định, đúng hướng thì bất cứ quốc gia nào cũng phải có những quy định để quản lý và điều chỉnh.

Còn ở Việt Nam, có thể nói, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, chưa bao giờ có chủ trương cản trở hoạt động tôn giáo bình thường của nhân dân, lại càng không hề có sự kỳ thị, chèn ép, phân biệt đối xử, cấm đoán quyền tự do tôn giáo của công dân. Tất cả các tín đồ tôn giáo, chức sắc, chức việc, các giáo hội, giáo phận ở Việt Nam đều thừa nhận quyền tự do này luôn được Nhà nước tôn trọng. Đây là một thực tế không thể xuyên tạc.

Tuy nhiên, với âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo làm ngòi nổ để tiến hành can thiệp lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Hành động đó không những vi phạm luật pháp Việt Nam, mà còn vi phạm luật pháp quốc tế, làm trái với giáo luật của giáo hội. Bởi, suy cho cùng, tôn giáo nào cũng hướng con người đến điều thiện, làm việc có ích cho cộng đồng, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người. Vì thế, ngay bản thân các tôn giáo cũng sẽ không chấp nhận những hành động cố ý, cố tình lợi dụng tôn giáo để kích động, chia rẽ đoàn kết, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Cũng vì lẽ đó, cùng với các tổ chức chính trị xã hội, cán bộ, chiến sĩ trong QĐND Việt Nam cần nhận thức đầy đủ âm mưu thủ đoạn của các lực lượng chống phá, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo. Qua đó, củng cố lòng tin và gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng tình đoàn kết quân dân bền chặt, gắn bó, không để kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

1 nhận xét:

  1. Tự do là vấn đề Việt Nam rất tôn trọng; nhưng tự do phải trong khuôn khổ của pháp luật; điều này ở các nước đều như vậy.

    Trả lờiXóa