Thứ Ba, 4 tháng 7, 2023

 

NHẬN DIỆN NHỮNG LUẬN ĐIỆU BÓP MÉO, XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH ĐỐI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

 VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

 

Xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một trong những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Đây không phải là vấn đề mới, mà thực tế nó đã diễn ra trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là sau khi chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới lâm vào khủng hoảng, thoái trào vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị với những luận điệu, lý lẽ khác nhau đã trực tiếp hoặc gián tiếp đòi Đảng ta, nhân dân ta phải từ bỏ mục tiêu, con đường chủ nghĩa xã hội để đi theo con đường chủ nghĩa tư bản hoặc một chế độ trung lập khác với chủ nghĩa xã hội. Có người thì ca ngợi thành tựu của sự nghiệp xây dựng, phát triển của Việt Nam trong những năm qua, song lấy tư cách là “nhà khoa học”, họ đã góp ý rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức, kinh tế số, thì việc “Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ” là “lạc nhịp”, “lỗi thời”, và con đường chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng cần điều chỉnh và thích nghi. Cũng có kẻ trực tiếp phản đối và phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, họ cho rằng, chủ nghĩa xã hội là “con đường sai lầm, dẫn dân tộc đến đường cùng, ngõ cụt”; Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường sai, không thể có chủ nghĩa xã hội! Chủ nghĩa xã hội là học thuyết “lạc đường”, đi ngược lại sự phát triển của nhân loại. Hoặc cũng có người đang phân vân giữa hai con đường - chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, để rồi hoài nghi về tính khả thi của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,…

Để thực hiện mục đích, các thế lực thù địch, phản động không từ một phương thức nào, đặc biệt chúng triệt để lợi dụng không gian mạng, trực tiếp là mạng xã hội như một phương tiện “hữu ích” để thực hiện các hoạt động xuyên tạc, chống phá. Theo thống kê, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển của Internet khá nhanh và là quốc gia đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo,… lớn nhất thế giới, trong đó đa phần là thanh niên. Và đây chính là “mảnh đất” thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động thực hiện mưu đồ của mình.

Dù lập luận như thế nào đi chăng nữa thì về bản chất, những kiểu luận điệu mập mờ này không có mục tiêu nào khác ngoài việc gieo rắc sự hoài nghi của các tầng lớp nhân dân về chủ nghĩa xã hội con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; tạo cớ, tạo dư luận nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động các phần tử chống đối, lực lượng phản động chống phá cách mạng Việt Nam, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, để cuối cùng thực hiện mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Nước ta. Tuy việc làm này có thể mang lại sự “phấn khích” cho những kẻ chống đối cách mạng, hay sự mơ hồ, dao động, mất phương hướng chính trị đối với những ai nông cạn, cả tin, hoặc ai đó bất mãn với chế độ, song, không thể dối lừa được cả dân tộc và các thế hệ người Việt Nam yêu nước hay những người có lương tri, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

 

1 nhận xét:

  1. Phải xử thật nghiêm bọn phản động, nhất là những tên cầm đầu để răn đe kẻ khác

    Trả lờiXóa