Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2023

CẦN CẢNH GIÁC RÕ NHỮNG HÀNH VI XUYÊN TẠC CỦA ĐỐI TƯỢNG NGỌC LINH LAN

Ngày 10/6/2023, trên trang blog Đối thoại, đối tượng Ngọc Linh Lan tán phát bài “Quyền tự do tôn giáo và chuyện tà đạo”, nội dung phủ nhận tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam; vu cáo Việt Nam “xâm phạm” quyền tự do lựa chọn tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; đồng thời, yêu cầu chính quyền công nhận hoạt động của tổ chức tà đạo “Pháp môn Diệu âm”. Đây là quan điểm hoàn toàn sai trái, đi ngược lại với những quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Năm 2003 theo thống kê, cả nước có 15 tổ chức thuộc 06 tôn giáo với 17 triệu tín đồ, khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc, thì năm 2022, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 26,7 triệu tín đồ, 55.000 chức sắc, 135.000 chức việc, trên 29.000 cơ sở thờ tự, v.v. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Nhà nước ta còn quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Đây là một trong những quyền cơ bản của mọi người, được Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây, cũng như Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay khẳng định trên nguyên tắc hiến định. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định: “(1). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; (2). Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; (3). Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cùng với Hiến pháp năm 2013, việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và hai Nghị định thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hàng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội, gồm 5 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa - thể thao và ngành nghề. Riêng trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự… Thực tế cho thấy, các tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đều mang những nét đặc trưng riêng nhưng có một điểm chung đó là hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ và có sự dung hợp, đan xen, hòa đồng với truyền thống, văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Qua đó tạo nên một đất nước đa sắc màu tôn giáo, cũng chính vì thế có đánh giá cho rằng, Việt Nam như “bảo tàng tôn giáo” của thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ở Việt Nam còn xuất hiện một số loại hình tín ngưỡng, tôn giáo pha tạp những yếu tố mê tín dị đoan như: Hội Thánh đức Chúa trời mẹ, đạo bà Điền, đạo Dừa… Có những hiện tượng tôn giáo mới nhưng mang đậm chất tà đạo, tạp đạo như “Thanh Hải vô thượng sư”, “tà đạo Hà Mòn”, “Bà Cô Dợ”, “Tin Lành Đề Ga”, “Dương Văn Mình”… trong đó có tổ chức tà đạo “Pháp môn Diệu âm”.

“Pháp môn Diệu âm” còn có tên gọi khác là Hội Thiền Định quốc tế Master Ruma; người sáng lập là Trần Tâm còn có các tên gọi khác: Saint John, Trấn Yăn Tom, Trần út Huỳnh Long, Tom Trần, Master Ruma, sinh ngày 22/10/1972 tại Kiên Giang, là Việt Kiều Mỹ. Trần Tâm là “sứ giả” của “Thanh Hải Vô Thượng sư”, nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động tuyên truyền phát triển “Thanh Hải Vô thượng sư”.

Năm 1997, trong vụ án “Nguyễn Thùy Dương” và đồng bọn hoạt động tuyên truyền chống chế độ Xã hội chủ nghĩa”, Trần Tâm bị Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố vì đã tham gia, tổ chức in, phát hành tài liệu, băng hình..., trong đó có hành vi chống chế độ Xã hội chủ nghĩa. Đối tượng Trần Tâm sau đó đã được bảo lãnh, xuất cảnh và sau đó bị đưa vào diện cấm nhập cảnh Việt Nam từ 1997-2002. 

Năm 2004, Trần Tâm bị “Thanh Hải Vô thượng sư” khai trừ khỏi tổ chức do vi phạm giới luật. Đối tượng sau đó đã về Campuchia lập “Pháp môn Diệu âm”. Sau khi thành lập đã tìm cách liên lạc, lôi kéo đồng tu của “Thanh Hải vô thượng sư” ở trong nước tham gia “Pháp môn Diệu Âm”.

Về nguồn gốc, “Pháp môn Diệu âm” được tách ra từ “Thanh Hải Vô thượng sư” - là một hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc hình thành từ Ấn Độ, được một tu sĩ đạo Silk ở Ấn Độ truyền giảng, sau đó Thanh Hải kết hợp với giáo lý của Phật giáo, Công giáo, pha tạp và tạo nên “Thanh Hải vô thượng sư”. Trần Tâm từng phục vụ cho “Thanh Hải vô thượng sư” nên sau khi vi phạm giới luật và bị Thanh Hải khai trừ ra khỏi tổ chức, Trần Tâm đã tách ra và lập nên hiện tượng tôn giáo mới “Pháp môn Diệu âm” dựa trên cơ sở và hình thức tu luyện giống “Thanh Hải vô thượng sư”; cùng tranh giành ảnh hưởng về tín đồ và phạm vi hoạt động. Thực chất đây là biến tướng của “Thanh Hải vô thượng sư”.

Trong quá trình hoạt động, Trần Tâm tự đặt mình cao hơn cả Đức Phật, Chúa Jesus và tuyên truyền xuyên tạc kinh Phật, phỉ báng chức sắc, chức việc Phật giáo với một số luận điệu như: “các sư thầy Phật giáo đang mắc nghiệp chướng nên người dân không được đến chùa để tránh bị cộng nghiệp”, “Đức Bồ tát không ở chùa mà chỉ ở trong nhà nên mọi người hãy tu tại gia”... và có những hoạt động không phù hợp với truyền thống Phật giáo gây bức xúc trong chức sắc, chức việc Phật giáo.

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, Trần Tâm và số “đồng tu” trong “Pháp môn Diệu âm” thường lồng ghép, xuyên tạc các vấn đề chính trị, xã hội trong buổi “truyền giảng” nhằm làm suy giảm lòng tin của dân chúng đối với chính quyền. Đồng thời, ca ngợi Trần Tâm như một vị “Minh sư toàn năng, thấu hiểu mọi khổ đau của chúng sinh”, tổ chức “Pháp môn Diệu âm” tại một số địa phương xuyên tạc việc chính quyền tổ chức tìm kiếm, quy tập, an táng hài cốt các liệt sỹ về nghĩa trang, từ đó kích động người dân loại bỏ nghi thức tìm mộ liệt sỹ, đồng thời tuyên truyền lôi kéo người thân của các liệt sỹ tin theo “Pháp môn Diệu âm” để “Minh sư” Trần Tâm “hóa giải mọi khổ đau” cho các anh hùng liệt sỹ.

Nguồn kinh phí phục vụ cho Trần Tâm và hoạt động của tổ chức “Pháp môn Diệu âm” cơ bản được thu nhận từ những người tin theo. Muốn vào “Thiên đường” để “tu tập”, “tín đồ” phải mua các vật dụng bắt buộc với giá tiền cao gấp nhiều lần so với giá thị trường bên ngoài. Nhiều “tín đồ” sẵn sàng bỏ tiền mua những vật dụng được Trần Tâm “ban phép” với niềm tin có khả năng “tiêu trừ chướng ngại”, “bảo vệ người dùng khỏi ma quỷ”... Ngoài ra, các tín đồ “Pháp môn Diệu âm” còn được tuyên truyền rằng muốn được nhận “ân điển” của “Minh sư Trần Tâm” sẽ phải gửi hết của cải, tiền bạc cho Trần Tâm để làm việc xây trường, cứu trợ, xây “thiền đường”... Một số người đã bỏ lao động, bỏ gia đình đến “Thiền đường” của Trần Tâm để giúp việc không công, làm ảnh hưởng xấu đời sống bản thân và gia đình. Mục đích trục lợi về kinh tế; có màu sắc chính trị; chia rẽ tôn giáo, dân tộc.

“Pháp môn Diệu âm” là một tổ chức mang màu sắc tôn giáo, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận quần chúng nhân dân để lôi kéo tham gia nhằm trục lợi về kinh tế, đánh bóng, khuếch trương thanh thế của Trần Tâm; gây mâu thuẫn với các tôn giáo khác, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự tại địa phương. Hoạt động của tổ chức này thuộc các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật tại Điều Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Điều Luật An ninh mạng...

Hiện nay, “Pháp môn Diệu âm”đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố dưới sự hướng dẫn của các “liên lạc viên” (trưởng nhóm) tăng cường tuyên truyền lôi kéo “tín đồ”, phát triển tổ chức trong đó có thành phố Hải Phòng.Số người tham gia “Pháp môn diệu âm” trên địa bàn Hải Phòng thuộc nhiều thành phần: Trí thức, nông dân, lao động tự do… nhưng chưa nhận thức rõ “Pháp môn diệu âm” chưa được nhà nước cho phép hoạt động, mà chỉ nghĩ đơn thuần là luyện tập ngồi thiền, ăn chay để rèn luyện sức khỏe.

Để hạn chế tiến tới xoá bỏ hoạt động của “Pháp môn Diệu âm”, đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cần nhận diện rõ bản chất hoạt động của Trần Tâm và tổ chức “Pháp môn Diệu âm” để không tin, không tham gia, kịp thời thông báo với chính quyền nếu phát hiện tổ chức này hoạt động ở địa phương và cùng phối hợp tham gia đấu tranh với những hoạt động vi phạm pháp luật của tổ chức “Pháp môn Diệu âm”. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kiên quyết xử lý, quản lý những đối tượng đứng đầu các nhóm có liên quan đến “Pháp môn Diệu âm” tại địa phương; thông tin kịp thời để nhân dân biết và cảnh giác.

 

 



3 nhận xét: